Nhiều người trẻ bị lừa bởi chiêu trò 'rút hộ 3 triệu, nhận 2,7 triệu'

Không ít người trẻ phải trả giá khi tìm cách rút tiền mặt từ các sản phẩm mua trước trả sau. Đây vốn là công cụ tài chính được thiết kế để hỗ trợ chi tiêu, không phải rút tiền.
![]() |
Một số đối tượng lợi dụng sản phẩm mua trước trả sau của trung gian thanh toán để lừa đảo. Ảnh: S.T. |
Vài tháng trở lại đây, các hội nhóm mạng xã hội xuất hiện dày đặc các bài đăng mời chào “rút tiền từ tài khoản trả sau”. Sau khi thấy bài đăng rao “rút hộ 3 triệu nhận 2,7 triệu” trên một nhóm chat, N.K (22 tuổi, sinh viên năm cuối tại TP.HCM) tò mò liên hệ và được đầu mối này hướng dẫn quét mã QR, gửi OTP.
“Mình tưởng là họ chỉ ứng tiền từ hạn mức trong ứng dụng rồi chuyển lại, ai ngờ tiền không thấy đâu, chỉ thấy khoản nợ đứng tên mình”, K. nói.
“Mẹo” truyền miệng thành bẫy nợ phổ biến
Dù không mới, chiêu trò này vẫn khiến nhiều người trẻ sập bẫy, chủ yếu do tâm lý cần tiền gấp và thiếu hiểu biết tài chính. Từ một “mẹo” truyền miệng, hình thức rút tiền từ hạn mức trả sau đang trở thành chiếc bẫy phổ biến, khiến nạn nhân vừa mất tiền, vừa gánh nợ oan và tổn hại điểm tín dụng.
Thủ đoạn thường thấy là giả danh người quen hoặc các “dịch vụ trung gian uy tín”, tạo mã QR giả, hướng dẫn quét mã rồi nhập OTP. Giao dịch sau đó được hệ thống ghi nhận là hợp lệ, nhưng thực chất là mua hàng từ khoản vay trả sau và nạn nhân chính là người đứng tên trả nợ.
![]() |
Người trẻ dễ dàng trở thành nạn nhân cho các dịch vụ lừa đảo tài chính. Ảnh: NVCC. |
Dù số tiền bị lừa chỉ vài triệu đồng, nhưng hậu quả mà nó gây ra có thể ảnh hưởng lớn tới người dùng. Một khi khoản vay đã phát sinh, người dùng buộc phải trả góp đúng hạn để không bị nhắc nợ, ảnh hưởng đến điểm tín dụng.
Đáng nói, việc bị đánh giá thấp tín dụng sẽ khiến người dùng khó tiếp cận các dịch vụ tài chính trong tương lai, từ mở thẻ tín dụng, vay tín chấp đến các sản phẩm trả góp khác. Một số trường hợp còn bị xử lý truy thu, giảm uy tín tài chính cá nhân và ảnh hưởng đến các mối quan hệ lao động, gia đình.
Hiểu đúng để không trả giá đắt
Thực tế, các nền tảng tài chính hiện nay như MoMo, SPayLater, ZaloPay hay VNPAY đều có quy định rõ ràng về sản phẩm mua trước - trả sau (Buy Now Pay Later). Đây vốn là sản phẩm được thiết kế để hỗ trợ người dùng thanh toán chi tiêu thiết yếu, không cho phép chuyển thành tiền mặt dưới bất kỳ hình thức nào.
Tất cả giao dịch đều yêu cầu xác thực qua mật khẩu hoặc sinh trắc học và chỉ có thể thực hiện trên chính thiết bị của chủ tài khoản. Việc chia sẻ OTP hay quét mã từ người lạ đồng nghĩa với việc người dùng tự từ bỏ quyền kiểm soát giao dịch, đồng thời tiếp tay cho hành vi gian lận tài chính.
![]() |
Sản phẩm mua trước trả sau được nhiều người trẻ sử dụng nhằm có thêm ngân sách tiêu dùng. Ảnh: T.L. |
Ở chiều tích cực, các nền tảng đánh giá phần lớn người trẻ đang sử dụng các sản phẩm trả sau một cách thông minh và có trách nhiệm. Thay vì rút tiền để chi tiêu mất kiểm soát, họ tận dụng hạn mức trả sau để thanh toán học phí, viện phí, hóa đơn thiết yếu, đồng thời giữ lại tiền mặt để đầu tư ngắn hạn hoặc gửi tiết kiệm có kỳ hạn.
Việc chủ động trả nợ đúng hạn cũng giúp chủ tài khoản xây dựng lịch sử tín dụng tích cực. Đây được xem như một lợi thế quan trọng trong các giao dịch tài chính lớn sau này.
Theo dữ liệu từ nền tảng MoMo, hơn 80% giao dịch trả sau hiện nay được thực hiện cho các mục đích thiết yếu, cho thấy rõ xu hướng người dùng đang xem đây là một dòng tiền hợp lý thay vì một khoản vay tiêu dùng truyền thống.
Không dừng ở việc cung cấp công cụ tài chính, các nền tảng như MoMo còn tích cực triển khai các hoạt động phổ biến kiến thức tài chính cá nhân, từ hướng dẫn sử dụng trả sau an toàn, quản lý chi tiêu cho tới cảnh báo lừa đảo và giải thích về điểm tín dụng.
Theo các trung gian thanh toán, trong bối cảnh công nghệ tài chính ngày càng len sâu vào đời sống, việc chọn đúng công cụ chỉ là bước đầu. Quan trọng hơn là hiểu rõ cách vận hành cũng như những rủi ro có thể phát sinh để tránh phải trả giá vì các quyết định tưởng chừng nhỏ. Với người trẻ, trang bị kiến thức tài chính là cách thiết thực để bảo vệ bản thân khỏi những cạm bẫy tài chính phổ biến trong môi trường số.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.