Nhảy đến nội dung
 

Nhiều chợ tiếng tăm ở TP.HCM đìu hiu như chợ chiều

Tình trạng vắng khách vẫn kéo dài tại nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM. Theo tiểu thương, nguyên nhân lớn nhất vẫn là sức mua tuột dốc.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại nhiều chợ lớn trên địa bàn TP.HCM cho thấy không khí mua sắm vẫn khá ảm đạm. Tại các chợ sỉ như An Đông, Bà Chiểu, Tân Bình…, không khó để bắt gặp cảnh "cửa đóng then cài", nhiều khu vực gần như vắng bóng cả người bán lẫn người mua.

"Chợ giờ buồn hiu, mở bán cả ngày chẳng có khách, trong khi tiền thuê mặt bằng, tiền điện… thì vẫn phải trả đều. Nhiều người nghỉ bán luôn cho đỡ mệt", bà Lê Thị Nhi - tiểu thương có hơn chục năm buôn bán quần áo tại chợ Tân Bình (phường Tân Hòa), than thở.

Từ ngày 1-6, theo quy định của ngành thuế, hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm trở lên bắt buộc phải sử dụng máy tính tiền kết nối trực tiếp với cơ quan thuế để xuất hóa đơn điện tử.

Song theo bà Nhi, nguyên nhân chính khiến nhiều sạp nghỉ bán không đến từ quy định mới về hóa đơn điện tử, mà do sức mua sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian dài. 

"Thú thật thì ai cũng lo lắng với quy định mới, nhưng nghỉ bán vì ế mới là lý do chính. Chứ nếu còn bán được như trước dịch thì chẳng ai muốn nghỉ cả", bà chia sẻ.

Tại chợ An Đông (phường An Đông) - "thủ phủ" thời trang sỉ lớn nhất TP.HCM - tình hình cũng không mấy khả quan. Nhiều dãy sạp đóng cửa im lìm, không khí trầm lắng, người bán nhiều hơn khách mua.

Ông N.V.H. - tiểu thương kinh doanh hàng thủ công tại chợ - chia sẻ: "Có ngày ngồi cả buổi không bán được gì. Người ta nghỉ vì ế, vì nản chứ không phải vì quy định hóa đơn điện tử".

Chỉ tay về dãy sạp đóng kín ngay bên cạnh, ông H. cho biết có người đã sang lại sạp vì chán, có người tận dụng làm kho chứa hàng. "Chứ giờ ngồi cả ngày ở chợ cũng chẳng bán được bao nhiêu", ông nói.

Theo ông H., tình hình buôn bán ngày càng khó khăn trong khi các loại chi phí vẫn không ngừng tăng. "Giờ còn thêm quy định mới, phải đầu tư máy móc, thiết bị, rồi nếu muốn theo kịp thị trường thì phải học bán hàng online, cập nhật công nghệ. Nhưng không phải ai cũng đủ khả năng, tiểu thương toàn 60-70 tuổi sao học?", ông chia sẻ.

"Hồi thời hoàng kim, hàng chạy, lời cao, ai cũng sẵn sàng học. Không làm được thì thuê người làm. Còn bây giờ thì nản lắm nên nhiều người bỏ luôn", ông H. nói và cho biết bản thân ông cũng đang cân nhắc nghỉ hẳn theo lời con cái.

Phần lớn tiểu thương được hỏi đều đồng thuận rằng hóa đơn điện tử là hướng đi đúng, góp phần minh bạch hóa hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh doanh ế ẩm, họ cũng tỏ ra e dè trước các yêu cầu thay đổi.

Tương tự, bà N. - tiểu thương lâu năm tại chợ An Đông - cho rằng việc nhiều sạp tiếp tục đóng cửa phần lớn xuất phát từ áp lực chung của giai đoạn buôn bán khó khăn kéo dài. 

"Bây giờ mở sạp ra cũng ế, lại sợ bị kiểm tra đủ thứ. Nếu còn lời lãi như trước, người ta sẽ sẵn sàng đầu tư, thuê người hỗ trợ làm hóa đơn. Còn giờ ế quá rồi, nhiều người ngán luôn, không buồn theo nữa", bà nói.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn