Nhà báo, họa sĩ Lê Đức Tuấn và bức ký họa để đời mừng ngày đất nước thống nhất

Trong những ngày cả nước đang hướng tới 100 năm Ngày báo chí cách mạng VN, PV Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với thượng tá Lê Đức Tuấn (84 tuổi), nguyên nhà báo, họa sĩ thuộc Phòng Thư ký, Báo Quân đội Nhân dân, về sự nghiệp làm báo và những tác phẩm để đời của ông trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Làm báo trong lửa đạn Tây Nguyên
Nhâm nhi ngụm trà đặc, ông Lê Đức Tuấn chậm rãi kể, theo lệnh tổng động viên, ngày 27.3.1967, ông cùng những chàng trai Hà Nội lên đường nhập ngũ. Ông được phân công về đại đội 1, tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, đơn vị có thành tích bắt sống tướng De Castries trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Vốn là họa sĩ đi bộ đội, mang trong mình lòng yêu nghề sâu sắc nên hành trang của ông ngoài đồ dùng cá nhân còn có thêm sổ tay, bút chì, màu nước... với hy vọng vẽ lại những bức tranh dọc theo bước đường hành quân.
Năm đầu tiên trong quân ngũ, vừa hành quân, vừa luyện tập, ông vẫn tranh thủ ghi lại những sinh hoạt của đơn vị, những làng bản đã đi qua, những gương mặt của đồng đội... bằng 112 bức ký họa. Cuốn nhật ký luôn được ông mang theo bên mình, cất dưới đáy chiếc ba lô.
Tháng 3.1968, đơn vị của ông Tuấn tập trung tại Kleng (Kon Tum) chuẩn bị đánh địch ở Chư Tan Kra. Tuy nhiên, trước khi vào trận đánh cấp trên yêu cầu các chiến sĩ bỏ lại toàn bộ tư trang, chỉ mang vũ khí, vật dụng phục vụ chiến đấu. Ông Tuấn phải bỏ lại cuốn nhật ký bằng tranh đó.
Trận đánh Chư Tan Kra quá khốc liệt khiến nhiều đồng đội của ông Tuấn hy sinh, hơn 120 người đi, chỉ còn hơn 20 người trở về, cuốn ký họa cũng thất lạc từ đó.
"Khi tôi đánh trận Chư Tan Kra, tư trang để lại phía sau khoảng 5,6 km. Ban đầu chúng tôi nghĩ đánh xong sẽ trở về căn cứ tiền phương lấy ba lô, nhưng do căn cứ bị phát hiện nên quân địch lấy đi cuốn ký họa", ông Tuấn nói.
Tháng 8.1968, đơn vị ông Tuấn tấn công địch ở Đức Lập (Đắk Nông), trận này ông Tuấn bị thương phải ở lại điều trị, còn đồng đội tiếp tục đánh vào Nam bộ. Điều trị thương tích xong, ông Tuấn chuyển về làm trợ lý thống kê tại Binh trạm 4. Tại đây, ông Tuấn gặp phóng viên của Báo Tây Nguyên viết về những dũng sĩ của trận đánh Đức Lập. Phát hiện ông Tuấn là một họa sĩ, phóng viên báo cáo lãnh đạo Mặt trận Tây nguyên (mang mật danh B3) xin ông về làm cho Báo Tây Nguyên.
Tháng 5.1970, ông Tuấn chính thức là họa sĩ của Báo Tây Nguyên, cơ duyên với nghề báo bắt đầu. Tròn 4 năm công tác ở Báo Tây Nguyên, ông Tuấn vừa làm họa sĩ, biên tập viên, vừa phụ trách đi in báo nên ông đã trưởng thành một cách nhanh chóng.
Ông Tuấn cho rằng đó là những năm tháng vất vả nhất trong cuộc đời làm báo của ông. "Nói là làm báo nhưng sự sống và cái chết lúc đó mong manh lắm. Địch ném bom, bắn phá suốt ngày đêm nên chẳng có địa điểm nào an toàn. Chúng tôi cũng hay trêu nhau được tắm B-52 vì vừa xuống sông Tà Dạt tắm vài phút lên bờ thì địch rải bom B-52 dọc dòng sông, bởi chúng biết buổi chiều bộ đội ta thường xuống tắm", ông Tuấn kể.
Trụ sở Báo Tây Nguyên dù ở gần Bộ Tư lệnh B3 nhưng cũng không an toàn được lâu, chưa đến 1 năm phải chuyển đến nhà mới. Nhà ở đây là hầm, bên trên lợp lá, mỗi phóng viên, lãnh đạo sẽ ở dưới hầm; các hầm thông với nhau bằng ngách, nếu có bom đạn thì di chuyển để trú ẩn.
"Ban ngày thì không nói, nhưng ban đêm chúng tôi phải ở dưới hầm, soi đèn dầu viết báo, trình bày ấn phẩm sao cho đúng ý đồ tuyên truyền của lãnh đạo", ông Tuấn nói.
Ngoài việc viết, trình bày báo, ông Tuấn cũng chịu trách nhiệm mang báo đi in. Ông cho hay, việc sản xuất một ấn phẩm báo chí thời điểm đó hoàn toàn thủ công, cán bộ làm công tác in ấn vận hành máy in phải đạp bằng chân và chỉ in từng mặt báo một.
Họa sĩ sau khi vẽ xong chuyển tranh cho thợ khắc gỗ khắc theo bản vẽ, sau đó sẽ xếp cùng trang chữ để in. Thường thường, báo ra định kỳ 1 tháng 1 số; nhưng khi có sự kiện quan trọng cần tuyên truyền, thông tin sớm, báo lại được làm khẩn trương hơn, 3 ngày hay 1 tuần phải ra một số. Cả tòa soạn nhiều khi phải thức đêm làm dưới ánh đèn dầu để cho kịp tiến độ.
"Khi đi in báo, tôi đều mang theo 1 khẩu AK và 1 khẩu súng lục để đề phòng biệt kích, trường hợp xấu nhất thì mình phải đứng lại chiến đấu. Thú thật hồi đó đi đường mòn trong rừng sâu tôi khá sợ", ông nói về lúc một mình băng rừng lội suối mang ấn phẩm đi in, mỗi chuyến đi kéo dài 3 - 4 ngày.
Năm 1974, khi đi công tác ở Diên Bình (H.Đăk Tô, Kon Tum), ông Tuấn không may bị thương trong một đợt tấn công của quân đội Sài Gòn. Sau đó ông được chuyển về Hà Nội điều trị và có cơ duyên trở thành họa sĩ của Báo Quân đội Nhân dân, làm việc tại Phòng Thư ký.
Tấm bản đồ để đời trên báo mừng ngày đất nước thống nhất
Về Báo Quân đội Nhân dân, ông Tuấn làm việc với họa sĩ Nguyễn Sơn, sau đó ông Sơn xin ra ngoài vì công việc thức đêm vất vả quá, ông Tuấn trở thành họa sĩ chính của báo. "Tôi là người lính chiến, chịu gian khổ quen rồi nên tôi cố gắng bám trụ", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn tiết lộ, trong 2 năm đầu làm việc tại Báo Quân đội Nhân dân, hầu như các bản đồ chiến sự đều qua bàn tay của ông và đồng nghiệp. Trong đó, điểm nhấn chính là tấm bản đồ 5 cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn đăng trên Báo Quân đội Nhân dân sáng 1.5.1975 cập nhật sớm tình hình ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Nội dung trang 1 khá cô đọng, trên cùng là bức ảnh "Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam" (chụp năm 1969). Bên trái bức ảnh là dòng chữ "Chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đã toàn thắng đúng 11 giờ 30 phút ngày 30.4.1975". Phía dưới là dòng tiêu đề đỏ nổi bật chạy toàn trang bài viết "Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn toàn giải phóng". Bên dưới là toàn văn Mệnh lệnh của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam (tiếp sang trang 2) và bài xã luận mang tựa đề "Đỉnh cao thắng lợi huy hoàng", cùng bản đồ 5 mũi tiến công giải phóng Sài Gòn.
Cầm tờ báo đã nhuốm màu thời gian trên tay, ông Tuấn không khỏi xúc động. Ông kể 5 mũi tên màu đỏ tượng trưng cho 5 cánh quân chủ lực của ta được chính tay ông vẽ vào chiều 30.4.1975.
"Hôm đó, tôi và anh Nguyễn Sơn được phân công vẽ bản đồ chiến sự giải phóng Sài Gòn nên ngay từ chiều chúng tôi đã bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Ban đầu, chúng tôi dựa trên thông tin được gửi về để vẽ bản phác thảo chiến dịch. Ông Sơn vẽ phần bản đồ Sài Gòn, tôi vẽ các mũi tiến công. Sau phần phác thảo, những người theo dõi chiến dịch kỳ cựu của tòa soạn cùng xem, cho ý kiến rồi các chỉnh sửa đưa ra bản cuối cùng như trên báo", ông Tuấn hồi tưởng.
Ông Tuấn cho rằng, thời khắc vẽ bản đồ giải phóng Sài Gòn chính là thời khắc làm báo đáng nhớ nhất cuộc đời ông. Trưa hôm ấy, nhận tin chiến thắng từ TTXVN, hơn 20 người đổ vào Phòng Thư ký. Tất cả đều làm việc trong không khí hồ hởi, lâng lâng sung sướng, tự hào về ngày toàn thắng. Ai cũng hiểu được rằng chiến thắng này được đánh đổi bằng sự hy sinh xương máu của biết bao người.
Vì vậy, ông Tuấn đã tìm hiểu thật kỹ để vẽ các mũi tiến công thật chuẩn xác, tô màu đỏ mạnh mẽ cho các mũi tiến công của ta với mong muốn ai xem bản đồ cũng có thể hình dung nhanh nhất, đúng nhất về khí thế của quân ta trong chiến thắng quan trọng này.
Bản đồ các mũi tiến công giải phóng Sài Gòn được Báo Nhân Dân sử dụng, đăng trên số báo cùng ngày. Sau ngày hôm đó, một số báo chí trong và ngoài nước cũng sử dụng lại tấm bản đồ. Ngoài ra, tấm bản đồ hiện được Bảo tàng Lịch sử quân sự VN phóng to, đặt ở vị trí trang trọng tại gian trưng bày về Chiến thắng 30.4.1975.
"Cũng vì được các báo sử dụng, sau đó các báo chuyển nhuận bút về Báo Quân đội Nhân dân, chúng tôi được hưởng 25% số tiền đó. Ngày lĩnh nhuận bút, chúng tôi bất ngờ vì quá nhiều tiền xu. Tôi và anh Sơn phải xâu thành chuỗi rồi bỏ vào túi nặng trĩu", ông Tuấn nhớ lại.
Những năm sau đó, ông Tuấn tiếp tục làm việc tại Phòng Thư ký của Báo Quân đội Nhân dân. Giờ đây, dù đã về hưu hơn 20 năm nhưng trong tâm trí ông vẫn nhớ về những năm tháng vất vả đó. Đặc biệt là khi có tin chiến thắng ở biên giới gửi về, ông được huy động làm việc kể cả ngày nghỉ.
32 năm làm báo, ông Tuấn đánh giá nghề báo đã cho ông tất cả. Dù trong lúc làm việc ông đã từng mắc nhiều sai sót, có lần khiến cơ quan phải hủy, thu hồi hàng vạn tờ báo nhưng ông vẫn có chút tự hào khi đã góp chút sức nhỏ cho nền báo chí nước nhà.
"Thời chúng tôi làm báo vất vả vậy đấy nên chúng tôi hy vọng thế hệ trẻ ngày nay làm báo hãy mở hết lòng mình, dốc hết tâm sức của mình vào tác phẩm. Đặc biệt, phải viết bằng sự thật, đây mới là thứ tồn tại mãi mãi", ông Tuấn nhấn mạnh.