Nguy hiểm sinh con tại nhà - Kỳ 2: Để người mẹ được sinh con trong ánh sáng

Một trong những rào cản lớn nhất của việc giảm tỉ lệ tử vong người mẹ ở đây là thay đổi nhận thức, phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số.
Những năm qua, mặc dù tỉ lệ sinh con tại cơ sở y tế đã tăng lên đáng kể, tuy nhiên cả nước vẫn còn khoảng hơn 10% phụ nữ dân tộc thiểu số không sinh con tại cơ sở y tế. Đáng buồn là tỉ suất trẻ em dân tộc thiểu số dưới 1 tuổi tử vong lên đến 2,2%
Mặc dù các trạm y tế đã được đầu tư trang thiết bị đầy đủ, đội ngũ cán bộ y tế không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tuy nhiên tình trạng sinh con tại nhà tại các vùng cao, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn cao.
Tỉ lệ tử vong mẹ ở khu vực miền núi và dân tộc thiểu số cao gấp 2-3 lần mức trung bình quốc gia.
Gỡ bỏ tục sinh con ở nhà
Một trong những rào cản lớn nhất của việc giảm tỉ lệ tử vong người mẹ ở đây là thay đổi nhận thức, phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số.
Bà Lò Thị Thanh, y sĩ công tác tại trạm y tế xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, chia sẻ bà phải thuyết phục cả nhà đưa một sản phụ đến bệnh viện huyện sinh con. Bà Thanh kể lại lúc ấy sản phụ khó sinh, gia đình gọi điện nhờ bà đến nhà hỗ trợ.
"Khi đến nơi, tôi nhận thấy tình trạng của sản phụ không ổn, không thể sinh thường nên đã nói với chồng và mẹ chồng sản phụ đưa đi bệnh viện huyện sinh nhưng cả nhà họ không đồng ý. Tôi phải nói ngay với mẹ chồng: "Nếu con gái bà cũng khó sinh, không đưa đến viện là chết, bà có dám để nó ở nhà không". Lúc ấy gia đình mới chịu đưa đi", bà Thanh kể lại.
Không chỉ là nâng cao nhận thức của chị em, mà ở vùng dân tộc thiểu số, người làm công tác y tế cơ sở phải truyền thông cho cả gia đình, họ hàng để họ biết và đồng hành cùng sản phụ trong hành trình vượt cạn.
Rào cản "vượt cạn" ở vùng cao
Ông Nguyễn Thế Phong, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu, cho hay tỉ suất tử vong mẹ tại khu vực dân tộc thiểu số ở địa phương này ở mức cao. Nguyên nhân do những rào cản về địa lý, nhận thức và hạ tầng y tế.
"Đội ngũ y tế của trạm cùng với cán bộ xã thường xuyên xuống bản phối hợp trưởng bản, già làng, dòng họ để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con việc sinh đẻ tại nhà rất nguy hiểm và lợi ích khi sinh tại cơ sở y tế đảm bảo sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, nhưng để thay đổi nhận thức của bà con không phải "một sớm một chiều".
Bất đồng ngôn ngữ, nhiều chị em không biết tiếng phổ thông, bà con thường đi làm trên các lán nương nên cán bộ y tế khó gặp gây nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền", ông Phong nói.
Trong chuyến khảo sát đánh giá tiến độ dự án "Không ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp sáng tạo để giảm tử vong mẹ tại các khu vực dân tộc thiểu số ở Việt Nam" tại tỉnh Lai Châu, ông Matt Jackson, trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, cho rằng tỉ lệ tử vong mẹ trong các cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn ở mức cao, do khó khăn trong việc tiếp cận các cơ sở y tế tại các khu vực miền núi.
Ông Matt Jackson nói thách thức lớn nhất liên quan đến địa bàn, địa hình. Khoảng cách từ nhà dân đến trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã rất xa, có nơi cách 10-15km. Việc đi lại càng khó khăn hơn trong mùa mưa hoặc lũ lụt.
"Một vấn đề thách thức khác đó là về tập quán khi nhiều phụ nữ muốn sinh con tại nhà. Sự bất đồng ngôn ngữ cũng là một trở ngại, do đó chúng ta cần có phương thức truyền thông sinh động, sáng tạo, thật dễ hiểu, để thuyết phục được người dân vì sao nên sinh con tại các cơ sở y tế.
Thực tế, những kết quả đã đạt được rất đáng khích lệ. Ví dụ chúng ta thấy tỉ lệ các bà mẹ ở địa phương đến thăm khám cũng như sinh tại cơ sở y tế đã tăng đáng kể trong những năm qua", đại diện UNFPA chia sẻ.