Người Việt ở nước ngoài muốn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, phải làm thế nào?

Con tôi qua Canada sống, hộ khẩu bị cắt, giờ muốn hưởng bảo hiểm xã hội một lần phải làm thế nào?
Con trai tôi đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 10-2017 đến tháng 7-2018, chưa hưởng tổng cộng là 10 tháng. Hồ sơ bảo hiểm xã hội có đính kèm bản sao y chứng minh nhân dân. Tôi đến cơ quan bảo hiểm xã hội để hỏi về thủ tục lãnh bảo hiểm một lần cho con.
Khi cháu qua Canada sống, hộ khẩu bị cắt nên cán bộ hướng dẫn tôi chuẩn bị 4 loại giấy tờ: 1. Xin mã số định danh; 2. Bản chính sổ bảo hiểm xã hội; 3. Hợp đồng ủy quyền thực hiện tại phòng công chứng hoặc giấy ủy quyền (mẫu số 13-HSB) do cơ quan tư pháp chỉ định; 4. Hộ chiếu Việt Nam có sao y.
Cán bộ hướng dẫn nếu con tôi không có mã số định danh, cháu phải có mặt và lúc đó mới xin ý kiến lãnh đạo. Vậy con tôi phải thực hiện ủy quyền tại phòng công chứng hay theo mẫu 13-HSB?
- Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:
Điểm c khoản 1 Điều 5 Luật Căn cước quy định công dân Việt Nam có quyền được xác lập số định danh cá nhân.
Công dân đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân thì công an cấp xã nơi công dân cư trú có trách nhiệm thu thập, cập nhật thông tin về công dân theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định 70/2024/NĐ-CP.
Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an thực hiện xác lập số định danh cá nhân cho công dân theo thông tin được thu thập, cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với trường hợp công dân đã đăng ký khai sinh, hiện đang định cư ở nước ngoài và chưa được xác lập số định danh cá nhân thì cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan liên quan thực hiện việc thu thập, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xác lập số định danh cá nhân cho công dân (theo điểm a, b khoản 4 Điều 11 Nghị định 70/2024/NĐ-CP).
Như vậy, công dân Việt Nam không còn hộ khẩu (nơi thường trú) tại Việt Nam nhưng đã đăng ký khai sinh vẫn có quyền được cấp số định danh cá nhân.
Đối với nhận chế độ bảo hiểm xã hội một lần: Người được ủy quyền nộp giấy ủy quyền (mẫu số 13-HSB) hoặc hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Giấy ủy quyền bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch tiếng Việt được chứng thực theo quy định của pháp luật.
Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng, chứng thực văn bản ủy quyền và các hợp đồng, giao dịch khác theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp này, vì con trai của chị đang ở nước ngoài nên có thể cân nhắc lựa chọn cách thuận tiện nhất, phương án chị cho rằng dễ dàng, phù hợp để giải quyết thủ tục theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.