Người nước ngoài ngạc nhiên với thói quen dậy sớm ở Việt Nam

"Tôi còn kinh ngạc hơn nữa khi nghe thấy tiếng gà gáy giữa lòng thành phố. Ở Việt Nam, mọi thứ bắt đầu từ 4h sáng và kéo đến tận khuya. Tôi thắc mắc: Họ ngủ vào lúc nào?", Semyon, chàng trai Nga 37 tuổi ở phường Sài Gòn, TP HCM kể về "cú sốc" đầu tiên khi đến Việt Nam, ba năm trước.
Anh cho biết đây là sự khác biệt "vĩ đại" giữa nếp sinh hoạt của người Việt và người phương Tây. "Ở Nga, cuộc sống thường bắt đầu lúc 8-9h sáng", Semyon Kuprianov.
Nhưng ba năm sau, anh đã quen với chuyện này. Dù chưa thể dậy sớm như người Việt nhưng Semyon thấy những âm thanh này gần gũi, giúp anh bớt cô đơn vì biết ngoài kia mọi người đang hoạt động nhộn nhịp.
Đầu tháng 4, khi ra Hà Nội du lịch, Semyon thêm một lần ngạc nhiên khi thấy hàng trăm người đứng chật kín bờ hồ Hoàn Kiếm lúc 4-5h sáng để tập thể dục, chạy bộ, người già khiêu vũ, thậm chí có cả võ thuật, múa kiếm.
"Nhìn từng đoàn người chạy bộ rầm rập, tôi cứ nghĩ đang diễn ra giải chạy marathon. Nhưng chẳng lẽ ngày nào cũng có giải? Tìm hiểu thêm tôi mới biết họ tập luyện thể chất để lấy tinh thần bắt đầu ngày mới", anh cười kể.
Theo Semyon đây có lẽ là lý do giúp tuổi thọ của người Việt khá cao.
Sống gần khu vực biển An Thượng, phường Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, Josef Andrew Miklavc, 30 tuổi, quốc tịch Australia cũng sốc khi thấy hàng nghìn người dân ra biển ngắm bình minh, chơi bóng chuyền, tập dưỡng sinh lúc rạng sáng.
"Tôi đã đi qua hơn 40 quốc gia nhưng chưa từng thấy đàn ông ở độ tuổi 40-50 lại hoạt động thể thao năng nổ như người Việt", Josef nói. Anh còn thấy thú vị khi ngày nào cũng gặp các cô lớn tuổi mặc đồ đẹp, xếp hàng chụp ảnh từ sáng sớm.
"Đến cả việc ngắm bình minh, người Australia chúng tôi chỉ thực hiện vào ngày đặc biệt quan trọng như cầu hôn, tổ chức tiệc", anh nói. "Ở Việt Nam, mọi người ngắm bình minh 365 ngày".
"Sốc văn hóa" vì thói quen dậy sớm của người Việt không chỉ xảy ra với Semyon và Josef. Hơn một tháng nay, trên mạng xã hội, hàng nghìn tài khoản của người nước ngoài chia sẻ cảm xúc kỳ lạ, thích thú với những hoạt động từ sáng sớm của người Việt. Những video ghi lại cảnh tập thể dục của người Việt, cảnh buôn bán từ 4-5h sáng hay tiếng rao của người bán hàng rong thu hút hàng triệu lượt xem. Nhiều người nước ngoài cũng thử trải nghiệm văn hóa này với những video gắn hastag #morningvietnam #vietnamstyle...
Báo cáo từ Navigos Group cho biết khoảng 50% người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam trải qua sốc văn hóa. Tuy nhiên, theo khảo sát của mạng lưới người sống ở nước ngoài lớn nhất thế giới Internations, năm 2023, Việt Nam đứng trong top 15 quốc gia tốt nhất cho người nước ngoài.
Theo bảng xếp hạng, Việt Nam được nhiều người nước ngoài đánh giá "dễ dàng định cư" bởi họ hài lòng với văn hóa và sự chào đón, dễ dàng kết bạn và sự thân thiện của người địa phương. Một khảo sát khác của Internations cũng cho thấy 84% nhận xét người Việt thân thiện (so với 66 % toàn cầu), 71 % cảm thấy có cảm giác gần gũi, thân thuộc khi ở Việt Nam. Ngoài ra, cảnh quan đẹp, di sản văn hóa, sự an toàn, ẩm thực đường phố cũng là những lý do níu chân họ muốn sống và làm việc tại đây.
Theo PGS TS Phạm Ngọc Trung, nguyên trưởng khoa Văn hóa phát triển, Học Viện Báo chí và Tuyên truyền, sự ngạc nhiên của người nước ngoài với văn hóa dậy sớm ở Việt Nam do người phương Tây hầu hết sống ở vùng ôn đới, khí hậu lạnh nên bắt đầu ngày mới khá muộn. Trong khi đó, Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, mùa hè nóng bức, người Việt thường dậy sớm để làm việc cho mát mẻ. Các trường học, công ty ở việt nam cũng bắt đầu từ sớm.
Chuyên gia giải thích thêm, người Việt dậy sớm còn bởi muốn có thêm thời gian làm việc để tích lũy tài chính từ khi còn trẻ. Họ không chỉ phục vụ bản thân mà còn lo cho tương lai của con cái.
Theo chuyên gia, với các hoạt động thể dục thể thao, người già ở Việt Nam thường thích tập trung ở nơi công cộng cùng tập để có động lực rèn luyện cũng như có thêm bạn bè chung lý tưởng. Đó cũng là cách để họ tận hưởng cuộc sống thư giãn khi ở tuổi xế chiều. "Chạy bộ, khiêu vũ, ngắm bình minh cũng là một số cách giúp họ xả stress khi cuộc sống quá bộn bề", ông Trung nói.
Hơn một năm sống ở Hà Nội, Godspromise Iveoghene Egbeji (tên thường gọi là Geepee) ở bang Delta, Nigeria nói dần quen với việc bắt đầu mọi thứ từ sáng sớm. Geepee đang dạy học tại một trường ở Hà Nội. Anh sinh hoạt hoàn toàn theo "phong cách Việt Nam", thức dậy từ 4h30 chạy bộ, về nhà nấu ăn sáng, chuẩn bị đồ ăn trưa rồi có mặt ở chỗ làm đúng 7h.
"Ban đầu tôi sốc vì người Việt có thể ra đường làm việc từ khi trời tờ mờ sáng, tôi đã nghĩ họ hy sinh giấc ngủ để làm năng suất hơn. Nhưng sau đó tôi nhận ra, họ có văn hóa ngủ trưa để tái tạo năng lượng", chàng trai Nigeria nói. Sau một thời gian ở Việt Nam, anh đã nhận ra tác dụng tuyệt vời của việc ngủ trưa, dù ngắn nhưng giúp anh thấy tỉnh táo hơn.
Geepee còn đi chợ đầu mối từ rạng sáng, nơi bán đủ rau củ, thịt cá với mức giá rẻ hơn so với siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. "Tôi thật sự rất yêu mến Việt Nam từ con người, cảnh vật, môi trường và quan trọng nhất là cảm giác bình an, ấm áp mà nơi này mang lại", Geepee nói.
Với Semyon Kuprianov, gần đây anh cũng đã thử trải nghiệm dậy sớm để đi ăn bánh cuốn. Chàng trai Nga cũng dự định sẽ trải nghiệm nhịp sống của ngư dân đánh bắt cá, xem hoạt động buôn bán giao thương ở cảng lúc tờ mờ sáng.
Josef Andrew Miklavc thừa nhận đã "nghiện" dậy sớm để ngắm bình minh, tập gym và bắt đầu làm việc bằng một ly cà phê như một người Việt chính hiệu.
"Ngoài cảnh đẹp, sự thân thiện, đồ ăn ngon, văn hóa lối sống cũng khiến tôi mong gắn bó với nơi này lâu hơn", Josef nói.
Nga Thanh