Người EQ thấp thường buông ra 5 câu này khi nghe tin sốc

Cách họ phản ứng đã “tố cáo” chính mình. Bạn nên tránh bằng mọi giá.
Bài viết dựa trên status với tiêu đề "Cách đứa bạn EQ thấp phản ứng khi có đứa gặp nạn khiến tôi phát bực" trên Xiaohongshu.
Một người bạn thân bị tai nạn. Tin nhắn trong nhóm chat đột ngột nhảy lên giữa buổi chiều yên ổn, vài người im lặng, vài người bắt đầu rối rít hỏi han, rồi cũng có người đặt câu hỏi: "Tao nói rồi mà!", "Hỏng hết kế hoạch rồi còn gì!".
Trong khoảnh khắc tưởng như tất cả đều đang lo lắng cho bạn mình, lại xuất hiện những câu nói khiến người nghe cảm thấy tủi thân nhiều hơn cả nỗi đau thể xác. Điều khiến mọi thứ trở nên tệ hơn đôi khi không phải là tai nạn, mà là cách người khác phản ứng với tin xấu. Ở đó, có một điều âm thầm nhưng rõ ràng được bộc lộ chỉ số EQ.
EQ không đơn thuần là sự khéo léo hay biết cách ăn nói. Nó là khả năng đặt mình vào vị trí người khác, là sự thấu cảm đúng lúc, là việc biết im lặng khi cần và nói điều đúng vào thời điểm hợp lý. Và trong những tình huống bất ngờ như tai nạn, mức EQ thật sự của một người được bộc lộ rõ nhất qua chính phản ứng đầu tiên.
1. Tôi nói rồi mà bạn không nghe thì chịu
Một phản xạ rất thường gặp nhanh như bản năng, khi người ta muốn chứng minh rằng mình đã đúng từ trước.
Nhưng khoảnh khắc bạn thân mình vừa bị tai nạn không phải là lúc để khẳng định cái tôi. Người EQ thấp thường có xu hướng đặt bản thân vào trung tâm của câu chuyện, thay vì hướng đến sự sẻ chia.
Câu "Tao đã nói rồi", dù được nói ra với giọng thương xót, vẫn mang màu sắc trách móc. Nó giống như một lời đổ lỗi được ngụy trang, khiến người đang bị thương cảm thấy như thể tai nạn của mình là điều gì đó đã được cảnh báo, là hệ quả của việc "không nghe lời". Trong tình huống ấy, người ta không cần bị dạy dỗ thêm, chỉ cần được hỏi một câu rất đơn giản: "Giờ mày sao rồi?"
2. Giờ thì xong hết rồi, hỏng cả kế hoạch
Có một kiểu người luôn phản ứng với mọi biến cố bằng tổn thương cá nhân. Ngay cả khi bạn mình đang nằm viện, điều đầu tiên họ nghĩ đến lại là "vậy ai làm bài thuyết trình chung với tao đây?", "Vậy cái trip Đà Lạt giờ sao?".
Đây là ví dụ điển hình cho phản ứng EQ thấp. Có nghĩa là họ không thể tách rời cảm xúc cá nhân khỏi hoàn cảnh của người khác. Việc lo lắng cho kế hoạch, dĩ nhiên là bình thường. Nhưng ưu tiên nó lên trước cả sức khỏe của người đang gặp nạn lại là điều rất thiếu tinh tế. Người EQ cao sẽ biết đâu là chuyện cần gác lại, đâu là thời điểm cần đặt người khác lên trước bản thân mình.
3. Biết vậy tôi đã ngăn bạn lại rồi
Nghe thì có vẻ quan tâm, tiếc nuối đấy nhưng kỳ thực đây là một cách "quanh co" để đổ lỗi. Câu nói này thể hiện cảm xúc, nhưng lại không giúp ích gì trong tình huống thực tế.
Người EQ thấp có xu hướng bị cuốn vào những điều "giá như", "đáng lẽ", thay vì bình tĩnh tìm cách hỗ trợ bạn mình ngay lúc này.
Họ hay mắc kẹt trong việc "diễn lại" kịch bản trong đầu, mà quên mất người gặp nạn cần gì trong hiện tại. Việc nhấn mạnh "lẽ ra tôi đã ngăn rồi" chỉ khiến người nghe cảm thấy có thêm một gánh nặng tâm lý, như thể bản thân đã chọn sai, khiến người khác buồn phiền. Khi mà lúc này, một cái nắm tay, một cú điện thoại đến bệnh viện, một lời hỏi han thiết thực đôi khi có ích gấp trăm lần sự nuối tiếc.
4. Nằm viện lâu không?
Câu hỏi này nghe có vẻ hợp lý, khi ai mà không muốn biết tình hình cụ thể, đúng không?
Nhưng sự khác biệt nằm ở thời điểm và cách hỏi. Trong những phút đầu tiên khi vừa nghe tin, hỏi về thời gian nằm viện có thể bị hiểu thành sự tò mò, lạnh lùng, thậm chí thiếu tinh tế.
Người EQ thấp thường hỏi theo bản năng, không kịp cân nhắc xem người kia có đang ổn để nhận thêm thông tin không, hay câu hỏi này có vô tình khiến họ phải đối mặt với nỗi lo về tài chính, học hành, công việc,…
5. Ủa sao lại bất cẩn vậy?
Một câu hỏi nghe vô hại nhưng vô duyên một cách đáng sợ.
Nhiều người nghĩ rằng hỏi "sao lại bất cẩn vậy?" là cách thể hiện sự quan tâm. Nhưng thực chất, đây lại là câu nói cực kỳ thiếu tinh tế, nhất là khi người kia vừa gặp tai nạn, đang đau đớn về cả thể chất lẫn tinh thần.
Ở thời điểm đó, điều cuối cùng mà người ta cần nghe là một câu truy vấn kiểu "tại sao mày lại làm sai?". Câu hỏi này dễ khiến người bị nạn thấy xấu hổ, thấy mình tệ, và quan trọng hơn cả: thấy như đang bị đổ lỗi. EQ thấp không có nghĩa là vô cảm. Trái lại, nhiều người EQ thấp lại rất dễ xúc động, dễ buột miệng, nhưng vấn đề là họ thiếu khả năng đọc vị hoàn cảnh và kiểm soát phản ứng cảm xúc.
Trong trường hợp này, việc bạn vô thức bật ra một câu "Ủa sao bất cẩn vậy?" không giúp cải thiện tình hình, nó chỉ khiến người bị thương cảm thấy tệ hơn về bản thân, ngay cả khi họ hoàn toàn không cố ý.
Một người có EQ cao sẽ hiểu rằng: khi bạn mình đang khổ sở, điều quan trọng không phải là tìm ra lỗi, mà là làm sao để bạn ấy cảm thấy an toàn, được lắng nghe, được ở bên cạnh. Việc "mổ xẻ nguyên nhân" hay "phán xét lựa chọn" có thể chờ. Nhưng sự dịu dàng thì phải đúng lúc.
Quan tâm là tốt, nhưng để sự quan tâm đó trở nên tinh tế, người nói cần đặt cảm xúc của người nghe lên hàng đầu.