Ngọn lửa tình nguyện nơi mỗi công trình

'Ở dân thương - làm dân tin - đi dân nhớ' như kim chỉ nam qua bao mùa chiến dịch để mỗi chiến sĩ Mùa hè xanh tự nhắc mình trong khi làm nhiệm vụ, góp sức tạo nên những công trình thiết thực, phục vụ cộng đồng.
Mỗi bạn lên đường đến mặt trận không chỉ để được sống những ngày hè tình nguyện mà còn là hình ảnh đại diện cho TP.HCM văn minh, nghĩa tình đến với từng địa phương.
Nơi in dấu chân tình nguyện
Những ngày hè trên đất Đồng Tháp, chiến sĩ Phạm Thị Sương Mai (khoa kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng đồng đội miệt mài trên công trình bê tông hóa tuyến đường nội đồng bờ bắc kênh Cả Trấp 1 tại Tân Thành.
Ấy là tuyến đường quanh năm lầy lội mà mỗi lần đến trường trẻ phải xắn quần lội bùn.
Ngay khi đến mặt trận, các bạn tranh thủ phát quang, dọn cỏ hai bên đường rồi đào mương, hạ nền, đổ đất cấp phối, san lấp mặt bằng. Những mẻ bê tông được trộn đúng tỉ lệ và con đường bắt đầu thành hình dưới cái nắng gắt mùa hè.
Vậy mà có hôm vừa san bê tông xong trời lại đổ mưa lớn, thế là cả đội lại hò nhau lấy bạt, ván che từng mét đường vừa hoàn thành chưa kịp khô.
"Có bạn còn chưa kịp ăn cơm vẫn chạy ra giữ bạt vì sợ gió thổi bay. Mệt chứ, mặt mũi lấm lem hết nhưng ai cũng cố gắng vì công trình này rồi sẽ gắn bó ở lại với bà con lâu dài", Mai cười.
Con đường khác chừng 3km tại ấp Phú Hòa 2, xã Phú Hựu (tỉnh Đồng Tháp) vốn khá tối gây nguy hiểm cho bà con đi lại, nhất là ban đêm.
Tìm hiểu kỹ, 30 chiến sĩ từ các khoa, viện của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và 10 chiến sĩ chuyên ngành điện cùng nhau thực hiện công trình thắp sáng đường quê cho nơi này.
Trong năm ngày, các bạn đã phát quang, kéo dây điện, lắp bóng đèn, đấu nối và hoàn thiện công trình với kinh phí khoảng 40 triệu đồng. Khi những ánh đèn sáng lên, bà con vui lắm, mang trái cây, đồ ăn ra mời chiến sĩ tình nguyện để cảm ơn.
Có mặt trong đội hình, Nguyễn Gia Bảo cho biết mỗi bạn đều được tập huấn kỹ trước đó để đảm bảo an toàn suốt quá trình làm và chia sẻ: "Tụi mình góp sức song cũng chính là lúc được học thêm kỹ năng thực tế trong cuộc sống".
Đất đã hóa tâm hồn
Có bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ suốt một tháng chiến dịch song với Sương Mai sự cố cúp nước thật khó quên. Cả đội gọi tên là "kỷ niệm ướt át nhất chiến dịch". Vì chuyện cúp nước lan rộng cả khu vực nên cả nhóm đánh liều đi tìm nhà dân nào còn nước xin tắm ké bởi người lớp nào mồ hôi, lớp xi măng dính thiệt kinh khủng.
Bà con thân thiện vô cùng kêu "cứ vào tắm thoải mái đi tụi con" làm ai cũng nhẹ lòng. Cô nàng nhắc đề bà ngoại là cách các bạn gọi chủ nhà nơi mình ở.
Bà ngoại đã nuôi quân suốt ba mùa chiến dịch qua. Hầu như tối nào ăn cơm bà cũng bảo: "Thương tụi bây như con cháu trong nhà, toàn sinh viên chân ướt chân ráo mà xuống đây nắng nôi, cực khổ làm đường cho bà con dễ đi".
Với Gia Bảo, Mùa hè xanh là hành trình quý giá giúp gắn kết giữa các bạn của nhiều khoa, viện khác nhau cùng trường. Dẫu đến từ mọi miền đất nước, văn hóa vùng miền đôi chỗ khác nhau, cả tính cách cũng mỗi người một kiểu nhưng tất cả đều chung tinh thần cống hiến vì cộng đồng.
"Mỗi ngày đi qua, từng người lại học cách gạt bỏ cái tôi để biết lắng nghe, tôn trọng sự khác biệt nên đã tạo thành tập thể gắn kết", Gia Bảo bộc bạch.
Còn Lam Yên nói điều quý nhất mình cảm nhận rõ sau những ngày hè tình nguyện chính là mỗi khoảnh khắc cả đội lo cho nhau từng bữa ăn, nhắc nhau ngủ đúng giờ. Đó còn là những bữa cơm luôn đầy ắp tiếng cười, mỗi tối quây quần bên nhau với biết bao câu chuyện ở công trình, xuyên suốt chiến dịch...