Ngôi đền cổ nơi đụng độ biên giới Campuchia - Thái Lan bùng phát

Thủ tướng Campuchia Hun Manet ngày 24/7 gửi thư lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đề nghị họp khẩn để tìm biện pháp giải quyết cuộc xung đột ở biên giới Campuchia - Thái Lan, bắt nguồn từ vụ nổ súng gần đền Ta Moan Thom ở khu vực tranh chấp.
Thủ tướng Campuchia cũng chỉ ra căng thẳng có lịch sử từ lâu dọc biên giới Thái Lan, viện dẫn Hiệp ước Pháp - Xiêm năm 1904 và năm 1907. Giới quan sát cũng nhận định tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia hiện nay khởi nguồn từ bản đồ Campuchia được vẽ dưới thời Pháp thuộc.
Campuchia sử dụng bản đồ này để đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với một số khu vực biên giới, song Thái Lan phản đối vì cho rằng thông tin trên đó mơ hồ.
Hai nước đã nỗ lực giải quyết tranh chấp trên biên giới dài hơn 800 km bằng biện pháp ngoại giao, song chưa triệt để. Tại các khu vực tranh chấp giữa hai nước có nhiều tổ hợp đền thờ, nổi bật nhất là Preah Vihear hơn 1.000 năm tuổi, nơi từng diễn ra những vụ đụng độ dữ dội nhất giữa Campuchia và Thái Lan.
Tuy nhiên, xung đột lần này lại xoay quanh ngôi đền có tên trong tiếng Khmer là Ta Moan Thom, tiếng Thái là Ta Muen Thom, cách Preah Vihear khoảng 110 km. Công trình này nằm trên dãy Dangrek, được xây dựng dưới thời vua Udayadityavarman II, người cầm quyền năm 1050-1066, và dành riêng để thờ thần Shiva trong đạo Hindu.
Công trình này là một phần của quần thể đền lớn hơn với ít nhất hai ngôi đền thờ cổ khác, nằm trên con đường nối giữa Angkor, Campuchia và Phimai, Thái Lan. Campuchia tuyên bố chủ quyền đối với ngôi đền dựa trên biên giới lịch sử từ thời Đế quốc Khmer, song Thái Lan cho rằng công trình thuộc tỉnh Surin của nước này.
Ta Moan Thom được đánh giá là một trong những ngôi đền tiêu biểu nhất trong thời kỳ thịnh vượng của Đế quốc Khmer. Công trình bị hư hại trong giai đoạn lực lượng Khmer Đỏ kiểm soát khu vực vào những năm 1980-1990. Hoạt động tái thiết công trình đã bắt đầu từ nhiều năm trước, song gặp nhiều khó khăn và chưa hoàn tất.
Trong đền có một linga là khối đá tự nhiên, tượng trưng cho năng lực sáng tạo của thần Shiva, cùng tượng con bò thiêng Nandi quay mặt về hướng này. Ngoài ra, đền có hệ thống dẫn nước thánh từ linga ra ngoài, cho thấy công trình từng là nơi cử hành các nghi lễ quan trọng.
Ta Moan Thom được xây dựng bằng đá ong và sa thạch, bố trí theo hình chữ nhật và quay mặt về hướng nam, điều hiếm gặp trong kiến trúc Khmer, vì các công trình thường quay về hướng đông. Đền có các tòa nhà phụ và nơi nghỉ cho người hành hương, cho thấy công trình có chức năng đa dạng.
Đền nằm trên đất Campuchia, nhưng một phần lối vào Ta Moan Thom do Thái Lan quản lý.
Trong tranh chấp biên giới quanh đền Preah Vihear giữa Campuchia và Thái Lan năm 2008-2013, đụng độ đã lan sang khu vực Ta Moan Thom và lối vào đền bị đóng cửa. Căng thẳng vẫn ở mức cao trong thời gian dài sau đó, khiến khách thăm đền không được phép đi quá vài mét từ phía cổng chính trên đất Thái Lan.
Đường tới đền Ta Moan Thom từ phía Campuchia trở nên dễ dàng hơn từ năm 2010 nhờ các tuyến đường gần đó được mở hoặc nâng cấp, trong đó có một con đường dài khoảng 24 km đã được trải nhựa và khoảng 500 m đường bê tông dẫn lên đền với một số đoạn tương đối dốc.
Căng thẳng giữa hai nước leo thang sau vụ đụng độ hồi tháng 5 khiến một lính Campuchia thiệt mạng. Thái Lan và Campuchia sau đó tổ chức nhiều cuộc đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng. Quân đội hai nước ngày 16/7 đạt thỏa thuận ba điểm về quản lý du lịch tại Ta Moan Thom.
Theo thỏa thuận này, lực lượng Thái Lan và Campuchia chịu trách nhiệm xử lý du khách gây rối từ nước mình, kiểm tra du khách trước khi cho phép họ vào tham quan, lập đội điều phối 7 người để giải quyết các vấn đề phát sinh mà không huy động thêm lực lượng để ngăn xung đột giữa hai bên.
Tuy nhiên, phát ngôn viên quân đội Campuchia Maly Socheata ngày 24/7 cáo buộc binh sĩ Thái Lan đã vi phạm thỏa thuận khi tiến vào đền và rải dây thép gai xung quanh, ngăn du khách tiếp cận.
Socheata cho rằng binh sĩ Thái Lan sau đó đã bắn nhiều phát đạn chỉ thiên, rồi nổ súng vào lực lượng Campuchia đóng quân xung quanh đền. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Thái Lan cáo buộc binh sĩ Campuchia đã nổ súng trước, châm ngòi đụng độ.
Hai bên sau đó sử dụng nhiều loại vũ khí tấn công nhau, giao tranh cũng lan ra nhiều khu vực dọc theo biên giới hai nước. Giới chức Thái Lan cho biết 11 dân thường và một binh sĩ nước này thiệt mạng. Campuchia chưa công bố thiệt hại và thương vong liên quan.
Quân đội Thái Lan thông báo điều tiêm kích F-16 tấn công các đơn vị bộ binh Campuchia đóng gần biên giới. Bộ Quốc phòng Campuchia xác nhận tiêm kích Thái Lan đã thả hai quả bom xuống khu vực do Phnom Penh kiểm soát, nhưng không nêu thiệt hại.
Nguyễn Tiến (Theo Hindustan Times, AFP, AP)