Nghỉ việc giá cao

TP - B áo chí gần đây hay đăng tin vị cán bộ này công chức nọ địa phương kia được nhận đến vài ba tỷ đồng cho một suất... nghỉ việc sớm. Gần đây nhất là một phó trưởng phòng thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam nghỉ hưu trước tuổi gần 7 năm, được nhận hơn 3,2 tỷ đồng tiền hỗ trợ.
Đợt này, tỉnh Quảng Nam cấp bổ sung hơn 41,2 tỷ đồng để chi trả chế độ, chính sách cho 32 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc diện nghỉ hưu hoặc nghỉ thôi việc trước tuổi theo Nghị định 178 và 67 của Chính phủ.
Dư luận đem khoản tiền này nhân chia cho thời gian nghỉ sớm, thường là khoảng 5-7 năm, rồi bình bàn về cao thấp, nhiều ít. Vài, ba tỷ đồng, hẳn là một khoản tiền không nhỏ nếu không muốn nói là lớn với những cán bộ công chức trong sạch chỉ sống nhờ vào đồng lương. Với họ, chắt bóp, tích lũy cả một đời có khi cũng chưa chắc có được “một cục” như vậy.
Tất nhiên để cho ra đời chính sách, chế độ đối với người nghỉ việc, thôi việc, thôi giữ chức vụ lãnh đạo,... nhằm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị như Nghị định 178, chắc chắn các bộ ngành, cơ quan liên quan đã tính toán kỹ càng. Để làm sao vừa đảm bảo quyền lợi và tính chất nhân văn cho những người tình nguyện sớm rời khỏi bộ máy nhà nước, mà nhà nước vẫn không bị “hớ” (về chi phí hỗ trợ). Trên thực tế, Nghị định 178 dù mới ban hành ngày 31/12/2024, nhưng đến 15/3/2025 cũng đã được sửa đổi, bổ sung với Nghị định 67.
Có thể nói cán bộ nhà nước xin nghỉ việc sớm đã và đang trở thành một làn sóng khá đặc biệt, mà khoản tiền hỗ trợ chỉ là một trong những động lực. Trong khi mới chỉ mấy năm trước, đây vẫn là việc hết sức nặng nề, chất chứa tâm tư. Bộ Tài chính đợt này có tới 10.400 cán bộ, công chức nghỉ hưu trước tuổi. Tại tỉnh Phú Yên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tới 118 người xin nghỉ hưu sớm và thôi việc. Cũng sở này của tỉnh Hà Tĩnh có 91 người xin nghỉ việc. Trên cả nước, bình quân mỗi sở, ban ngành, quận, huyện có vài chục đến hàng trăm người xin nghỉ là bình thường.
Điều này trở thành một cuộc cách mạng quy mô rất lớn về nhân sự và bộ máy, nâng cao và chuẩn hóa trình độ, chất lượng cán bộ, công chức viên chức; tạo ra một cơ chế vận hành hiệu quả, tiết kiệm ngân sách, phục vụ tốt hơn cho nhân dân. Một số địa phương như Đắk Lắk, và mới đây là Hà Nội có chủ trương không xem xét cho nghỉ hưu/thôi việc trước tuổi theo các Nghị định 178 và 67 đối với những người được đánh giá “có phẩm chất, năng lực nổi trội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, có thành tích tiêu biểu, mang lại lợi ích cho cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Để thấy ở đây không chỉ thanh lọc nhân sự không còn phù hợp, mà còn bảo tồn gìn giữ người tốt, người tài để có thể tiếp tục cống hiến.
Với những người tình nguyện sớm rời khỏi bộ máy nhà nước, giữa hai khái niệm là “hy sinh” và “trách nhiệm”, tôi thiên về vế sau hơn. Đó là những người có tinh thần trách nhiệm với sự nghiệp chung của đất nước. Cái được với họ không chỉ là một khoản tiền, mà là cảm giác thanh thản với công việc đã qua, để tiếp tục với những dự định chưa kịp thực hiện. Đời sống vẫn luôn tiếp tục, bất tận...