Ngành học từng “hot”, hơn 90% sinh viên ra trường có việc làm nay lại được ít thí sinh điểm cao lựa chọn

Từng được xem là ngành học giàu tiềm năng, với cơ hội nghề nghiệp rộng mở, sinh viên theo học chuyên ngành ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ Anh, giờ đây đang đối mặt với những tác động sâu rộng từ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo Asia News Network, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI không chỉ làm đảo lộn thị trường lao động mà còn kéo theo những thay đổi căn bản trong phương thức đào tạo của các trường đại học.
Từng là ngành học “hot”
Giai đoạn từ 1999 đến 2010 được xem là thời kỳ hoàng kim của chuyên ngành ngôn ngữ tại Trung Quốc, đặc biệt sau khi nước này gia nhập WTO vào năm 2001. Theo cổng thông tin giáo dục EOL, số trường đào tạo ngành ngôn ngữ trong giai đoạn này tăng từ 200 lên hơn 600 trường.
Đến năm 2010, Trung Quốc có khoảng 850.000 sinh viên đang theo học chuyên ngành ngôn ngữ Anh tại các trường đại học và cao đẳng, với tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp luôn vượt mốc 90%.
Vào năm 2005, mức lương khởi điểm của sinh viên ngành này cao hơn mặt bằng chung tới 15%.
Tuy nhiên, từ năm 2018 trở lại đây, sự phát triển nhanh chóng của các công cụ dịch tự động, với độ chính xác lên đến 95% nhưng chi phí chỉ bằng 1% so với thuê ,đã khiến AI chiếm khoảng 40% thị phần ngành dịch thuật.
Điều này dẫn đến sự suy giảm rõ rệt nhu cầu đối với các vị trí dịch thuật cơ bản.
Theo công ty tư vấn giáo dục MyCOS, năm 2023, tỷ lệ việc làm của sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ chỉ đạt 76,8%, thấp hơn 5,6 điểm phần trăm so với mức trung bình toàn quốc. Chỉ 52% sinh viên làm đúng chuyên ngành, phần còn lại buộc phải chuyển hướng.
Cũng vì vậy, mức độ hài lòng với chuyên ngành cũng giảm từ 78% (năm 2010) xuống còn 67% (năm 2023).
Chỉ giỏi ngôn ngữ thôi là chưa đủ
Trường hợp của Zhao Xincheng, sinh viên ngành ngôn ngữ Anh tốt nghiệp từ Đại học Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), là ví dụ điển hình cho những khó khăn mà sinh viên ngành ngôn ngữ đang phải đối mặt.
Sau khi nhận việc làm gia sư, Zhao bất ngờ bị thông báo chấm dứt hợp đồng chỉ hai tháng trước khi tốt nghiệp, mà không nhận được bất kỳ lý do cụ thể nào. Dòng thông báo “Vị trí bị loại” là tất cả những gì anh nhận được.
Dù tiếp tục tham gia nhiều buổi phỏng vấn, Zhao vẫn không thể tìm được công việc phù hợp.
Anh cho rằng bản thân không thua kém về năng lực hay kỹ năng giao tiếp, nhưng vẫn bị từ chối.
“Tôi tin mình đủ năng lực, nên khá sốc và thất vọng”, Zhao chia sẻ.
Ông Wu Peng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giáo dục Quốc tế, Đại học Giang Tô cho biết, ngôn ngữ Anh đang dần đánh mất vị thế chủ lực trong các ngành học.
Theo ông Wu, kể từ năm 2022, số lượng sinh viên quan tâm đến ngành ngôn ngữ Anh đã sụt giảm đáng kể. Không chỉ giảm về số lượng, chất lượng đầu vào của ngành này cũng không còn như trước.
Ngày càng ít sinh viên đạt điểm cao lựa chọn học ngành ngôn ngữ Anh, trong khi nhiều sinh viên đang theo học lại có xu hướng chuyển hướng sang các ngành kỹ thuật.
Tuy nhiên, ông Wu nhận định, sự thoái trào này không chỉ là vấn đề riêng của ngành ngôn ngữ Anh.
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra ở nhiều ngành thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn trên toàn cầu, cũng như đối với các ngành kỹ thuật được đánh giá là kém thiết thực hơn trong bối cảnh hiện nay.
Lý giải về nguyên nhân khiến cho ngành ngôn ngữ Anh dần đánh mất sức hút, ông Wu Peng cho rằng điều này xuất phát từ ba yếu tố chính đó là sự thay đổi về chính sách, tác động của công nghệ và chương trình đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Mỗi năm, các cơ sở giáo dục tại Trung Quốc đào tạo hơn 100.000 sinh viên tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh, nhưng phần lớn chỉ tập trung vào rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ thuần túy. Trong khi thị trường lao động ngày càng đòi hỏi năng lực liên ngành ở trình độ cao.
Trái với quan điểm trên, bà Dai Jiangwen, Trưởng Khoa ngôn ngữ Anh tại Đại học Giao thông Bắc Kinh, cho rằng không nên vội vàng kết luận ngành ngôn ngữ Anh đang thoái trào.
Theo bà, vấn đề nằm ở chỗ ngành học này chưa được điều chỉnh kịp thời để thích ứng với bối cảnh mới của thời đại.
Thay vì chỉ tập trung vào dạy ngôn ngữ, cần được tái cấu trúc để phù hợp với nhu cầu phát triển quốc gia và những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng thời, bà cũng nhấn mạnh vai trò của chiến lược của ngoại ngữ trong việc bảo vệ chủ quyền thông tin, phát triển công nghệ ngôn ngữ như dịch máy, và bảo tồn sự đa dạng văn hóa.
AI không thay thế mà đang tái định hình
Dù có quan điểm khác nhau về hiện trạng của ngành, cả hai học giả đều đồng thuận rằng vấn đề cốt lõi nằm ở cơ cấu.
Bà Dai chỉ ra hàng loạt bất cập trong hệ thống đào tạo hiện nay như chương trình giảng dạy lỗi thời, đội ngũ giảng viên chưa theo kịp nhu cầu ngành nghề, cách phân loại chuyên ngành cứng nhắc và mô hình đào tạo lạc hậu.
Trong khi đó, ông Wu cảnh báo rằng sinh viên ngành ngôn ngữ Anh đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các ngành khác, các sinh viên đó không chỉ có năng lực chuyên môn mà còn sở hữu trình độ ngoại ngữ không kém.
Bà Dai Jiangwen khuyến nghị sinh viên ngành ngôn ngữ đặc biệt là ngôn ngữ Anh nên tích hợp các chương trình trí tuệ ngôn ngữ vào quá trình học tập.
Trong khi đó, ông Wu Peng cho rằng sinh viên cần chủ động trang bị thêm các kỹ năng bổ trợ như hiểu biết về luật quốc tế, kiến thức cơ bản về khoa học dữ liệu và khả năng sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ.
Những kỹ năng này sẽ mở ra cơ hội ở các lĩnh vực ngách đang phát triển, chẳng hạn như dịch thuật chuyên ngành hoặc thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ông chỉ khuyến khích học ngành này nếu sinh viên có định hướng liên ngành rõ ràng, đồng thời ưu tiên lựa chọn các chương trình song bằng.
Cả Dai và Wu đều cho rằng AI sẽ tái định hình chứ không thay thế hoàn toàn ngành ngôn ngữ. Bà Dai khẳng định máy móc không thể bắt chước hoàn toàn sự tinh tế trong giao tiếp và khả năng thích nghi văn hóa của con người.
Ông Wu dự báo AI sẽ tự động hóa các tác vụ dịch thuật đơn giản, nhưng đồng thời tạo ra những nghề mới. Theo ông, sự hợp tác giữa con người và máy móc sẽ định hình tương lai, trong đó khoa học nhân văn có vai trò then chốt để xác định ranh giới của công nghệ.
“AI sẽ buộc khoa học nhân văn phải thay đổi để thích nghi, chứ không biến mất và từ đó tạo ra những con người hiểu AI nhưng cũng hiểu con người hơn cả AI”, ông kết luận.
Theo Asia news network, China Daily