Ngành game Việt: Từ giấc mơ tỷ USD đến 'cứ điểm' toàn cầu - Báo VnExpress - Báo VnExpress

Trước những nhận định, chia sẻ từ lãnh đạo đơn vị trong và ngoài nước, Cục trưởng Lê Quang Tự Do tâm đắc và nghĩ về tương lai rực rỡ của ngành công nghiệp giải trí tiềm năng nhất hiện nay. Từ một lĩnh vực mang nhiều định kiến, bị cấm cản, game dần "phá rào", hình thành nên một ngành kinh tế có giá trị lớn hơn cả điện ảnh và âm nhạc cộng lại.
Ông Lê Quang Tự Do cho rằng có nhiều yếu tố để tin vào tương lai của ngành công nghiệp không khói này. Việt Nam đang tiến vào kỷ nguyên mới - nơi khoa học công nghệ và kinh tế số đóng vai trò động lực cho phát triển. Game hàm chứa rất nhiều "chất xám" về công nghệ. Nhân sự Việt rất năng động, sáng tạo và nhạy bén với thời đại 4.0. Họ cũng ham học hỏi cái mới và có năng lực hội nhập rất cao.
Ngành này cũng dễ thu ngoại tệ. Trong năm 2024, doanh thu game toàn cầu đạt 188 tỷ USD, phân nửa đến từ mobile. Dự báo đến 2030 có thể đạt 300-400 tỷ USD. Việt Nam có lượt tải lớn nhưng doanh thu chưa cao, chỉ chiếm phần nhỏ trong "miếng bánh", do đó, dư địa được đánh giá "khổng lồ". Bài toán đặt ra là tìm cách mang về Việt Nam miếng bánh lớn hơn qua từng năm.
Theo Cục trưởng, "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" gần như đã có đủ. Yếu tố cần thiết là Nhà nước phải đứng ra, liên kết các "vũ trụ" riêng lẻ thành một hệ sinh thái chung sức - đồng lòng. Vietnam GameVerse là "chuyến tàu" nơi tất cả mắt xích ngồi cùng nhau, thẳng tiến đến giấc mơ chung.
Bản sắc Việt dần định hình trên trường quốc tế
Liên kết "đa vũ trụ" - Nhà nước, nhà phát hành, nhà sản xuất, nhà đầu tư, nhà trường, thành một thể thống nhất trước đây là điều không tưởng, bởi ngành game vốn có mức độ cạnh tranh cao. Chỉ vài năm trước, không doanh nghiệp nào chịu ngồi "chung mâm" với nhau. Mỗi đơn vị luôn cố gắng tìm những con đường phát triển riêng biệt.
"Cạnh tranh nhưng không hợp tác là thực trạng của nhiều năm trước. Nhưng Vietnam GameVerse qua ba mùa đã dần đảo ngược cục diện này", ông Lê Quang Tự Do nhận định.
Với việc 5 "vũ trụ" tìm thấy cánh cửa liên kết thông qua Ngày hội Game Việt Nam, các bên đã cùng thảo luận về việc tạo dựng dấu ấn Việt trên toàn cầu. "Giá trị văn hóa" là điều được nhiều đơn vị nhắc đến xuyên suốt hai ngày tổ chức sự kiện. Theo các lãnh đạo, chuyên gia, nhà phát hành, bên cạnh các sản phẩm mang tính thị trường, kinh doanh, việc tạo dựng được những sản phẩm mang hàm lượng văn hóa đặc sắc mới có thể giúp xây dựng vị thế "không trộn lẫn" của Việt Nam trên bản đồ toàn cầu - để mỗi khi khởi động, người chơi sẽ biết ngay "quốc tịch" của sản phẩm.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc VTC, nêu ví dụ về tác động của Black Myth Wukong đến sự hiểu biết của thế giới về văn hóa Trung Quốc hay Assassin's Creed giúp hàng triệu người biết đến, ghé thăm Kim Tự Tháp. Các trò chơi này lồng ghép yếu tố văn hóa thông qua trải nghiệm nhập vai, tương tác, kết hợp hình ảnh, âm nhạc và tác động đến suy nghĩ của người chơi xuyên suốt vòng đời sản phẩm - dài hơn bất kỳ sản phẩm âm nhạc hay phim ảnh nào.
Với Việt Nam, 4.000 năm lịch sử cùng hàng nghìn điển tích, truyền thuyết là kho tàng văn hóa khổng lồ mà các nhà làm game cần khai thác tốt hơn. Nếu làm được, thế giới sẽ biết về lịch sử, văn hóa đẹp của người Việt, đồng thời đây cũng là "cây cầu số" giúp thế hệ tương lai hiểu và giữ gìn, bảo tồn giá trị truyền thống.
Về phía cơ quan quản lý, chính sách hiện tại đã cởi mở cho game. Các chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu thêm Chiến lược quốc gia về game văn hóa nhằm xây dựng những IP Việt nổi tiếng toàn cầu. Các đơn vị, cơ quan quản lý đều nhìn nhận cần có những quỹ hỗ trợ để phát triển trò chơi hấp dẫn, gắn liền với quảng bá văn hóa Việt.