Nga cảnh báo học thuyết hạt nhân khi Mỹ công bố kế hoạch gửi vũ khí cho Ukraine

Điện Kremlin khẳng định học thuyết hạt nhân của Nga "vẫn có hiệu lực", chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ và các nước NATO sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Theo tờ Newsweek, trong cuộc họp báo hôm 16/7, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: "Học thuyết hạt nhân của Nga vẫn có hiệu lực, do đó tất cả các điều khoản của học thuyết này vẫn tiếp tục được áp dụng”.
Đây là câu trả lời của ông Peskov sau khi phóng viên của hãng thông tấn TASS đặt câu hỏi về tình trạng học thuyết hạt nhân, trong đó quy định một "cuộc tấn công" chống lại Nga hoặc các đồng minh của Moscow "đến từ bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào với sự tham gia hoặc hỗ trợ từ một quốc gia hạt nhân được coi là cuộc tấn công chung”.
Vào tháng 12/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cập nhật học thuyết hạt nhân và về cơ bản hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí này. Học thuyết bao gồm việc Nga "bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân" để đáp trả vũ khí hạt nhân hoặc "các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác" chống lại Nga hoặc các đồng minh.
Hôm 14/7, phát biểu tại Phòng Bầu dục, ông Trump cho hay, Mỹ sẽ sản xuất những vũ khí tối tân nhất gửi chúng cho tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo Tổng Thư ký NATO Mark Rutte, những vũ khí của Mỹ và NATO sẽ chuyển tới Ukraine bao gồm tên lửa, đạn dược và phòng không. Trong khi đó, ông Trump nhấn mạnh, tên lửa Patriot, vũ khí quan trọng giúp Ukraine phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa của Nga, "đã được chuyển đến" Ukraine. Song, các thiết bị quân sự được cung cấp cho Ukraine trong thời gian tới vẫn sẽ đến từ những kho dự trữ hiện có.
Nga hiện là nước sở hữu kho đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới, tiếp sau là Mỹ. Ông Trump đã có cách tiếp cận Nga và Ukraine khác người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Joe Biden. Vị tổng thống thứ 47 của Mỹ hướng tới đối thoại trực tiếp với Moscow, nhưng lại khiến mối quan hệ Washington - Kiev nhiều lần đứng trước bờ vực thẳm vì những tuyên bố mang tính thù địch và lời đe dọa dừng viện trợ quân sự. Tuy nhiên, đầu tuần này, ông Trump tuyên bố, các đồng minh châu Âu có thể mua hàng tỷ USD thiết bị quân sự của Mỹ và sau đó chuyển cho Ukraine.
Cũng trong ngày 16/7, phát ngôn viên Điện Kremlin kêu gọi Mỹ khuyến khích Ukraine nối lại đàm phán hòa bình với Nga. "Trong trường hợp này, những nỗ lực hòa giải chính đến từ Mỹ bao gồm Tổng thống Trump và đội ngũ của ông ấy. Nhiều tuyên bố đã được đưa ra, nhiều biểu hiện thất vọng cũng đã được công bố, nhưng chúng tôi hy vọng sẽ có áp lực cho phía Ukraine”, ông Peskov nói.
Cũng theo người phát ngôn Nga, các cuộc đàm phán giữa ông Putin và ông Trump "có thể được sắp xếp rất nhanh chóng", nhưng hiện chưa có kế hoạch nào được xác nhận.
Ông Trump đã ra tối hậu thư cho Moscow về việc áp dụng mức thuế quan "nghiêm khắc", nếu Nga không đồng ý ký kết một thỏa thuận hòa bình trong vòng 50 ngày để chấm dứt xung đột ở Ukraine.