Netflix lần đầu dùng AI sản xuất phim

Theo Guardian ngày 18/7, Netflix đưa AI tạo sinh (genAI) để tạo hiệu ứng hình ảnh cho duy nhất cảnh tòa nhà ở Buenos Aires (thủ đô Argentina) đổ sụp trong series khoa học viễn tưởng El Eternauta, do hãng sản xuất.
Phim gồm sáu tập, ra mắt cuối tháng 4, dựa trên truyện tranh cùng tên nổi tiếng của Héctor Germán Oesterheld và Francisco Solano López. Nội dung về câu chuyện sinh tồn của một nhóm người ở Buenos Aires sau trận tuyết độc do người ngoài hành tinh gây ra. Juan Salvo bất đắc dĩ trở thành thủ lĩnh của những người sống sót. Họ khám phá nguyên nhân của cuộc tấn công, tìm cách giải cứu thế giới.
Ông Ted Sarandos, đồng giám đốc điều hành Netflix, cho biết công nghệ này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc nền tảng này ứng dụng công nghệ mới, đồng thời cho phép các sản phẩm có ngân sách nhỏ tiếp cận kỹ xảo tiên tiến. Theo ông, AI không thay thế con người mà là công cụ tuyệt vời để giúp các nhà sáng tạo làm ra những bộ phim hay hơn.
Trong buổi thông báo kết quả kinh tài chính, Netflix cho biết doanh thu quý II năm nay đạt 11 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, theo Forbes, AI là một trong những nhân tố góp phần vào mức tăng trưởng vượt dự báo, bên cạnh việc phát sóng thể thao và các sự kiện trực tiếp.
Việc ứng dụng AI vào quá trình sản xuất điện ảnh không phải chưa có tiền lệ. Với giai đoạn viết kịch bản, các công cụ như ScriptBook có khả năng phân tích phác thảo, ước tính thành công của phim. 20th Century Fox đã sử dụng AI để phân tích kịch bản của Logan, giúp đưa ra quyết định về cốt truyện và chủ đề. Ở phần tiền kỳ, các hãng phim như Warner Bros dùng phần mềm Cinelytic đánh giá diễn viên, dự đoán doanh thu, sàng lọc hàng nghìn cảnh quay để tìm kiếm địa điểm lý tưởng, tiết kiệm thời gian và công sức.
Phần mềm FaceDirector của Disney có thể tạo ra các biểu cảm từ nhiều lần quay, cho phép đạo diễn điều chỉnh diễn xuất của diễn viên khi hậu kỳ. Công nghệ này được sử dụng trong Avengers: Infinity War để hoàn thiện biểu cảm trong những cảnh CGI phức tạp. Công nghệ deepfake do AI điều khiển, dù nhiều lần gây tranh cãi trong giới làm phim, tạo cảnh hoán đổi khuôn mặt trong phim. Ví dụ, trong The Irishman, deepfake hỗ trợ làm trẻ hóa hình ảnh diễn viên. AI còn là trợ thủ để các hãng làm phim phân phối sản phẩm, tiếp cận lượng người xem hiệu quả.
Tuy nhiên, vấn đề này vấp phải nhiều tranh cãi, là một trong những nguyên nhân diễn ra cuộc đình công Hollywood vào năm 2023. Trong đó, Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh và Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Mỹ (SAG-AFTRA) yêu cầu các quy định chặt chẽ hơn về việc sử dụng công nghệ này. Theo Forbes, nhiều người trong ngành chỉ trích việc dùng AI là "hạ thấp giá trị nghệ thuật". Tài tử Tyler Perry dừng kế hoạch mở rộng xưởng phim trị giá 800 triệu USD tại Atlanta vì lo ngại các video AI tạo ra ảnh hưởng đến việc làm.
Dù vậy, một số chuyên gia nhận định đây là bước tiến tất yếu. Davier Yoon, đồng sáng lập xưởng phim hoạt hình CraveFX (Singapore), cho rằng việc Netflix dùng AI hỗ trợ không có gì đáng ngạc nhiên. Ông xem AI là công cụ kỹ thuật số mới, mở ra cánh cửa cho các xưởng phim nhỏ hơn đạt chất lượng hình ảnh như "dự án bom tấn". Ông Yoon nói: "Cuối cùng, nghệ sĩ mới là người quyết định những gì có trong khung hình, chứ không phải AI".
Khánh Linh (theo Guardian, Forbes)