Nâng tầm cán bộ xã để vận hành bộ máy thông suốt

Lãnh đạo Bộ Nội vụ, các địa phương và chuyên gia đều nhấn mạnh việc tập trung xây dựng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp xã, phường (gọi chung là cấp xã) là yêu cầu rất quan trọng khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Lãnh đạo nhiều Sở Nội vụ tỉnh thành thừa nhận đâu đó vẫn còn sự lúng túng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã khi đảm nhiệm khối lượng công việc mới. Từ đó, các ý kiến đều đề xuất cần sớm nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã để mô hình chính quyền 2 cấp vận hành thông suốt.
Một số cán bộ cấp xã còn lúng túng
Nêu ý kiến tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Nội vụ vừa tổ chức, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Phan Văn Bình cho hay hiện nay cán bộ cấp xã trên địa bàn còn rất thiếu ở các vị trí như tài chính, công nghệ thông tin, địa chính - xây dựng... Một số cán bộ từ cấp huyện điều động về xã chưa được đào tạo chuyên môn phù hợp.
Ông Bình nhấn mạnh yếu tố cốt lõi để chính quyền cơ sở vận hành hiệu lực, hiệu quả là con người. Tuy nhiên có tình trạng không đồng đều giữa các khối Đảng, chính quyền, Mặt trận... Ông dẫn chứng có cán bộ từ khối Đảng chuyển sang chính quyền gặp nhiều khó khăn, không điều hành được công việc.
Theo ông Bình hiện Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch tập huấn theo từng chức danh cụ thể. Song đề nghị Bộ Nội vụ sớm có chương trình đào tạo sát thực tế. Ông nhấn mạnh việc phải đào tạo theo hướng cầm tay chỉ việc, cán bộ mới làm được. Nếu chỉ học lý luận chung chung sẽ rất khó triển khai. "Bây giờ mới là lúc tổ chức bộ máy hiệu quả. Cốt lõi vẫn là con người. Vì vậy, cần sớm nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã để mô hình chính quyền 2 cấp vận hành thuận lợi hơn", ông Bình nêu.
Lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh Nghệ An, Lâm Đồng... cũng nêu việc nhiều nhiệm vụ trước đây thuộc cấp huyện, nay được phân cấp về cấp xã, nhưng đội ngũ công chức xã mới chưa được đào tạo bài bản nên gặp nhiều lúng túng trong xử lý.
Còn Phó giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Nguyễn Thị Liễu cũng nêu một số khó khăn, bất cập cần tháo gỡ ngay. Như hiện nay, nhiều phòng chuyên môn của xã, phường của Hà Nội có khối lượng công việc rất lớn, quá tải. Như phòng kinh tế - hạ tầng và đô thị phụ trách cả lĩnh vực tài chính - kế hoạch; xây dựng và công thương; nông nghiệp và môi trường dẫn đến quá tải, áp lực cho trưởng phòng và công chức thực thi nhiệm vụ.
Từ đó, đề xuất Bộ Nội vụ nghiên cứu cho phép Hà Nội và một số tỉnh, thành phố đặc thù, có quy mô lớn được thành lập thêm một phòng chuyên môn tại cấp xã, vừa giảm áp lực cho địa phương vừa khai thác được tiềm năng, lợi thế để phát triển.
Lãnh đạo một số sở cũng đề nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành hướng dẫn xét tuyển, sát hạch để bổ sung công chức từ nguồn người hoạt động không chuyên trách cấp xã, đội viên, thanh niên trí thức trẻ có hợp đồng.
Bổ sung cán bộ chuyên trách cho cấp xã
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ trong bối cảnh vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là công chức cấp xã có năng lực, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm là nhiệm vụ then chốt, cấp thiết. Để giải quyết các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, bà Trà đề nghị trước mắt các địa phương tạm thời tăng cường, bổ sung cán bộ chuyên ngành, đặc biệt là các vị trí chuyên sâu đang thiếu hụt.
Đồng thời, địa phương phải khẩn trương rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ cấp xã một cách công khai, dân chủ, đúng quy định. Trên cơ sở đó sắp xếp lại cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ, gắn với việc giữ chân người có năng lực. Bà Trà lưu ý nếu không kịp thời ban hành chính sách phù hợp, đội ngũ cán bộ sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Vì vậy, Bộ Nội vụ dự kiến sớm ban hành nghị định mới, trong đó áp dụng hệ thống KPI để đánh giá cán bộ, công chức. Tuy nhiên, các tiêu chí đánh giá phải xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Cùng với đó, bà Trà cho rằng công tác tư tưởng, động viên, bố trí nơi ăn ở ổn định cho cán bộ khi chuyển về trung tâm hành chính mới cũng phải được quan tâm đúng mức. Các địa phương cần chủ động tham mưu chính sách phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng cấp chính quyền. Ngoài ra, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các đơn vị liên quan để xác định biên chế hợp lý trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quy mô dân số, diện tích, địa lý và đặc thù từng nơi.
Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Quang Dũng cho hay hiện nay nhiều địa phương như Đà Nẵng, Lâm Đồng thiếu cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực như kế toán, công nghệ thông tin, địa chính - xây dựng. Nguyên nhân là do trước đây cán bộ cấp xã chủ yếu đảm nhiệm các công việc hành chính, ít được đào tạo bài bản.
Ông nói Bộ Nội vụ đề xuất các địa phương áp dụng một số giải pháp như luân chuyển cán bộ chuyên môn từ tỉnh về xã để hỗ trợ trực tiếp, tổ chức đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch tập huấn. Đối với lĩnh vực chuyên sâu như công nghệ thông tin, có thể ký hợp đồng để đáp ứng kịp thời yêu cầu công việc.
Theo ông Dũng, hiện Bộ Nội vụ đang xây dựng quy định thay thế nghị định 62/2020 về vị trí việc làm và biên chế công chức theo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi năm 2025. Trong đó sẽ trao quyền chủ động hơn cho các địa phương trong sử dụng, quản lý công chức phù hợp với thực tiễn. Trong thời gian chờ quy định mới, các địa phương vẫn căn cứ vào nghị định 62, thông tư 12 và các hướng dẫn chuyên ngành để thực hiện.