Mỹ tính cấm công nghệ Trung Quốc trong cáp viễn thông dưới biển

(Dân trí) - Mỹ đề xuất cấm các tuyến cáp quang biển kết nối với nước này nếu sử dụng thiết bị Trung Quốc, lo ngại nguy cơ gián điệp và tấn công mạng.
Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cho biết đang chuẩn bị ban hành quy định mới nhằm ngăn chặn việc kết nối các tuyến cáp viễn thông dưới biển với Mỹ nếu những tuyến này sử dụng công nghệ hoặc thiết bị có nguồn gốc từ Trung Quốc. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Washington gia tăng cảnh giác trước nguy cơ an ninh mạng từ các đối thủ nước ngoài.
Chủ tịch FCC Brendan Carr nhấn mạnh rằng trong những năm gần đây, hệ thống cáp ngầm, vốn đóng vai trò then chốt trong hạ tầng internet toàn cầu, đã trở thành mục tiêu tiếp cận tiềm tàng của các thế lực đối thủ.
“Chúng tôi đang hành động để bảo vệ các tuyến cáp khỏi quyền sở hữu, quyền truy cập và các mối đe dọa cả về mặt vật lý lẫn an ninh mạng từ các đối thủ nước ngoài", ông Carr nói.
Hiện có hơn 400 tuyến cáp quang ngầm dưới biển đang xử lý đến 99% lưu lượng internet toàn cầu. Mỹ từ lâu đã lo ngại việc các công ty Trung Quốc tham gia vận hành các tuyến cáp này có thể mở ra nguy cơ thu thập dữ liệu.
Từ năm 2020, chính quyền Mỹ đã nhiều lần can thiệp và khiến ít nhất 4 dự án cáp biển dự kiến nối với Hong Kong bị hủy bỏ. Năm ngoái, FCC bắt đầu xem xét loạt quy định mới về cáp viễn thông dưới biển, đồng thời đưa ra đề xuất cấm sử dụng thiết bị từ những công ty bị liệt kê là nguy cơ an ninh quốc gia.
Không dừng lại ở đó, FCC cho biết cũng sẽ lấy ý kiến về những biện pháp bảo vệ bổ sung nhằm đảm bảo an toàn cho hạ tầng cáp biển, nhất là trong bối cảnh nhiều vụ nghi phá hoại gần đây làm dấy lên lo ngại.
Giới chức Mỹ cho rằng việc kiểm soát nghiêm ngặt nguồn gốc công nghệ trong các tuyến cáp này là cần thiết để bảo vệ dữ liệu và hạ tầng thông tin chiến lược của quốc gia.