Mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ công được đo lường ra sao?

(Dân trí) - Bộ, ngành, địa phương phải tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ công trực tuyến, gửi kết quả về Bộ Khoa học và Công nghệ và công bố định kỳ.
Theo Kế hoạch ban hành kèm Quyết định số 1565/QĐ-TTg ngày 18/7 của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đặt ra yêu cầu rõ ràng về trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong việc bảo đảm chất lượng trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Cụ thể, mỗi cơ quan sẽ tự tổ chức đánh giá mức độ hài lòng của người dùng đối với các dịch vụ công trực tuyến thuộc phạm vi quản lý. Thời hạn hoàn thành đánh giá cho năm 2025 là vào tháng 11 và cho năm 2026 là tháng 11. Các kết quả này phải gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, phân tích và công bố.
Để phục vụ việc khảo sát, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao phát triển và hoàn thiện nền tảng khảo sát VNForm. Đây là công cụ nhằm tăng cường tương tác giữa người dân với cơ quan nhà nước, thu thập ý kiến phản hồi định kỳ theo quý để cải tiến chất lượng dịch vụ. Các phản hồi từ người dân sẽ được công bố công khai, đồng thời tích hợp với Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp của Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Kết quả đánh giá sẽ được sử dụng làm căn cứ để Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo điều chỉnh và nâng cao chất lượng phục vụ. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ tiêu bắt buộc, với mục tiêu đạt tối thiểu 90% trong năm 2025 và 95% trong năm 2026.
Các địa phương được khuyến khích huy động lực lượng như Tổ công nghệ số cộng đồng, Đoàn Thanh niên, các tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội người tiêu dùng để hỗ trợ việc khảo sát và thu thập ý kiến. Các bộ, ngành trung ương cũng được đề nghị triển khai các hình thức tương tự để đảm bảo tính khách quan và toàn diện.
Ngoài ra, Kế hoạch cũng quy định rõ các tiêu chí kỹ thuật liên quan đến trải nghiệm người dùng, bao gồm thời gian xử lý hồ sơ, khả năng khai thác dữ liệu tự động để điền vào biểu mẫu điện tử và mức độ hài lòng thực tế. Tất cả các nội dung này sẽ được đo lường, theo dõi và công bố thường xuyên, tạo sức ép trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan trong việc cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.