Mưa nắng bất thường kéo dài

Sau một vài ngày nắng nóng, mưa lớn dị thường lại xuất hiện ở các tỉnh miền Bắc kéo theo cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại nhiều nơi. Dự báo, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp trong 30 ngày tới với bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Có nơi lượng mưa cao hơn 600%
Chỉ trong hơn 10 ngày qua, những đợt mưa - nắng dị thường liên tiếp nối nhau xuất hiện ở nhiều tỉnh thành. Mở đầu có thể kể đến ngày 11.6 khi áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông mạnh lên thành bão số 1 (bão Wutip), gây ra đợt mưa lớn trên khu vực bắc Trung bộ và cả các tỉnh thành miền Bắc. Ngay sau khi bão đi qua, nắng nóng đã xuất hiện trở lại ở các tỉnh thành Bắc và Trung bộ. Mới nắng nóng vài ngày thì lại có một đợt mưa lớn tiếp tục hoành hành ở nhiều tỉnh thành Bắc bộ.
Sáng qua 22.6, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (NCHMF) phát bản tin cảnh báo: Trong đêm 21.6 và sáng sớm qua, mưa to đến rất to đã xuất hiện ở nhiều nơi; đáng kể như Lập Chiêng (Hòa Bình) lượng mưa đo được trong 24 giờ là 224,8 mm, Chợ Cháy (Hà Nội) là 144 mm, Phương Giao (Thái Nguyên) là 139,6 mm, Phúc Ninh (Tuyên Quang) 120 mm, Lương Nhã (Phú Thọ) 120,8 mm… Mưa to tiếp tục kéo dài ở nhiều địa phương; đến đầu giờ chiều 22.6, lượng mưa tại Phương Giao (Thái Nguyên) là 162,8 mm, Nhất Hòa (Lạng Sơn) là 153,3 mm, Sơn Kim (Hòa Bình) là 275 mm… Dự báo, trong hôm nay 23.6, đợt mưa to trên diện rộng ở Bắc bộ sẽ giảm dần.
Mưa to diện rộng khiến lũ thượng lưu sông Cầu tại Gia Bảy (Thái Nguyên) đạt mức 27,43 m, trên mức báo động (BĐ) 3 là 0,43 cm (lúc 0 giờ ngày 22.6), mực nước hạ lưu sông Cầu tại Đáp Cầu vẫn đang lên. Mực nước các sông chính khác thuộc hệ thống sông Hồng - Thái Bình có dao động và ở dưới mức BĐ1. Trên một số sông nhỏ tại Bắc bộ như sông Bắc Giang, sông Trung (Lạng Sơn) xuất hiện một đợt lũ với mực nước đỉnh lũ từ xấp xỉ BĐ3 đến trên mức BĐ3. Dự báo ngày 23.6, thượng lưu các sông Thao, Lô, Thương và Lục Nam, hạ lưu sông Cầu, các sông nhỏ ở khu vực Bắc bộ có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 2 - 5 m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ có khả năng lên mức BĐ2 - 3. Bên cạnh đó, 15 tỉnh thành có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Đáng chú ý, trước đó theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, trong đêm ngày 20 - 21.6 nhiều khu vực tại địa phương ở tỉnh này ghi nhận lượng mưa cao kỷ lục. Cụ thể như Phúc Trìu (TP.Thái Nguyên) lên tới 742,7 mm; Núi Cốc (H.Đại Từ) 535 mm; Minh Lập (H.Đồng Hỷ) 313 mm... Mưa lớn khiến TP.Thái Nguyên bị ngập lụt diện rộng tại 19 xã, phường; một số nơi bị ngập sâu. "Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 23 - 25 độ vĩ bắc bị nén và dịch dần xuống phía nam, kết hợp với hội tụ gió trên cao", Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên giải thích nguyên nhân mưa to dị thường.
Cũng theo NCHMF, trong 30 ngày qua, tại khu vực Bắc bộ đã xuất hiện một số đợt nắng nóng như ngày 1 - 2.6 ghi nhận mức nhiệt độ phổ biến từ 38 - 40 độ C, cá biệt ở Sơn Tây (Hà Nội) lên đến 40,2 độ C và Láng 40,6 độ C. Các đợt sau đó vào ngày 6 - 8.6 và từ 14 - 15.6 với nhiệt độ phổ biến từ 35 - 38 độ C. Các tỉnh miền Trung cũng xuất hiện đến 4 đợt nắng nóng với mức nhiệt cao nhất phổ biến từ 35 - 38 độ C.
Xen giữa những đợt nắng nóng là một số đợt mưa lớn; tổng lượng mưa trên khu vực Bắc bộ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 50%, cá biệt có nơi trên 80%. "Đặc biệt, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 tại khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 250 - 550 mm, có nơi trên 600 mm. Tổng lượng mưa trong 30 ngày ở khu vực này cao hơn trung bình nhiều năm từ 300 - 600%. Có 18 lần ghi nhận lượng mưa trong 24 giờ vượt giá trị lịch sử; trong đó có những con số được ghi nhận cách đây 40 - 45 năm, cũng có một số giá trị lịch sử mới cao hơn gấp đôi số cũ", NCHMF cho biết.
Những cơn bão có khả năng ảnh hưởng đến đất liền
NCHMF cho biết: Hiện tượng ENSO tiếp tục trạng thái trung tính, với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm. Trạng thái này có thể duy trì đến tháng 9.2025, với xác suất từ 70 - 90%. Từ nay đến tháng 9.2025, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện từ 6 - 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong số này có khoảng 3 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta, tương đương trung bình nhiều năm.
Dự báo từ nay đến 20.7, trên Biển Đông có thể xuất hiện từ 1 - 2 cơn bão (bao gồm cả áp thấp nhiệt đới) và có khả năng ảnh hưởng đất liền nước ta. Cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa tây nam gây gió mạnh, sóng lớn trên biển và ảnh hưởng hoạt động của tàu thuyền. Trong thời kỳ dự báo, khu vực Bắc bộ và bắc Trung bộ có thể xuất hiện một số đợt mưa lớn diện rộng. Tại khu vực Tây nguyên và Nam bộ tiếp tục có nhiều ngày mưa giông, thời điểm mưa tập trung vào chiều tối và tối. Đặc biệt đề phòng mưa lớn cục bộ có thể gây ra lũ lụt, ngập úng ở các vùng trũng và sạt lở đất ở vùng núi.
Tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ thời kỳ này vẫn tiếp tục xuất hiện nắng nóng, riêng khu vực miền Trung kèm theo tình trạng ít mưa, đặc biệt tại khu vực trung và nam Trung bộ. Tuy nhiên cường độ không gay gắt như cùng kỳ năm 2024.