Nhảy đến nội dung
 

Mưa dồn, bão dập trong những tháng tới

Sau bão số 3, trên Biển Đông lại xuất hiện bão số 4 gây ra nhiều đợt mưa lớn lũ quét, sạt lở đất trong tháng 7. Theo dự báo, những đợt mưa bão dồn dập sẽ tiếp tục xuất hiện thường xuyên trong giai đoạn từ nay đến cuối tháng 10 và trực tiếp ảnh hưởng đến mùa nước nổi miền Tây.

3 tháng cao điểm mưa bão

Ngày 27.7, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (NCHMF) cho biết khu vực từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, cao nguyên Trung bộ và Nam bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Một số nơi có lượng mưa lớn như Kỳ Đồng (Hà Tĩnh) là 50,8 mm, Khe Sanh (Quảng Trị) 42,8 mm, Phương Thịnh (Đồng Tháp) 42,2 mm, Giang Thành (Kiên Giang cũ, nay thuộc An Giang) 41,6 mm… Trong khi đó, nhiều nơi ở các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Nghệ An có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất trên sườn dốc, suối nhỏ.

Ngược lại, ở khu vực Bắc bộ xuất hiện nắng nóng cục bộ với nhiệt độ lúc 13 giờ có nơi trên 35 độ C như tại Bắc Mê (Tuyên Quang) là 36,7 độ C, Chợ Rã (Thái Nguyên) 35,8 độ C. Còn tại TP.HCM, nhiều người cảm thấy trời oi nóng dù nắng không quá gay gắt. Ở khu vực trung tâm thành phố, nhiệt độ cao nhất phổ biến 32 - 34 độ C.

Tình trạng thời tiết dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới khi mưa bão xuất hiện thường xuyên hơn trên Biển Đông, gây ra các đợt mưa lớn trên đất liền VN. Xen giữa những đợt mưa lớn, miền Bắc và miền Trung sẽ có một số đợt nắng nóng. Theo NCHMF, hiện tượng ENSO tiếp tục trong điều kiện trung tính, với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 8 - 10, ENSO có khả năng duy trì trạng thái trung tính với xác suất từ 70 - 90%. Từ nay đến tháng 10, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện đến 7 cơn bão (áp thấp nhiệt đới). Trong đó, có khoảng 3 cơn đổ bộ vào đất liền nước ta. Các đợt bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa tây nam hoạt động mạnh gây gió lớn, sóng to ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền trên biển. Số lượng các cơn bão này tương đương với trung bình nhiều năm. Do ảnh hưởng của bão kéo theo khả năng gây ra các đợt mưa vừa, mưa to xuất hiện ở các khu vực trên cả nước.

Dù mưa bão xuất hiện thường xuyên nhưng trong tháng 8, tiếp tục xuất hiện một số đợt nắng nóng, chủ yếu tại khu vực Bắc bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Huế và duyên hải nam Trung bộ; số ngày nắng nóng có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Mùa nước nổi miền Tây lên nhanh

Tình trạng mưa dồn bão dập trong tháng 7 không chỉ ảnh hưởng đến thời tiết trên đất liền VN mà còn tác động đến các nước đầu nguồn sông Cửu Long khiến mùa nước nổi miền Tây lên nhanh. Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) cho biết hình thái thời tiết chủ đạo ảnh hưởng đến lưu vực hạ lưu sông Mê Kông trong tuần qua là gió mùa tây nam hoạt động mạnh và hoàn lưu cơn bão số 3 (Wipha) gây mưa ở mức khá cao trên lưu vực. Qua đó khiến nước và lưu lượng tại trạm Kratie (Campuchia) trong tuần qua tăng mạnh. Hiện, dù mực nước cao hơn trung bình nhiều năm nhưng vẫn thấp hơn năm 2024 và 2011.

Đối với ĐBSCL, mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc trong tuần qua cũng cao hơn trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn năm 2024 và năm 2000. Ngược lại, mực nước nội đồng trên ĐBSCL trong tuần qua ở mức thấp và biến đổi mạnh theo triều. Mực nước vùng thượng, vùng giữa và ven Biển Đông đều có xu thế giảm đến ngày 21 - 22.7, sau đó tăng trở lại đến nay, chỉ riêng vùng ven biển Tây có xu thế tăng.

Dự báo, mực nước tại các trạm trên dòng chính sông Mê Kông, chẳng hạn trên địa bàn Campuchia tại trạm Kratie và trạm Prek Kdam trong 5 ngày tới có xu thế tăng, kéo theo mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu và Châu Đốc trong 5 ngày tới cũng tăng. Mưa trên lưu vực hạ lưu sông Mê Kông trong tuần tới ở mức cao trong các ngày đầu tuần và giảm mạnh ở mức thấp trong các ngày cuối tuần. Ở ĐBSCL, trong tuần tới, mưa ở mức rất thấp và có xu thế tăng nhẹ; thủy triều dự báo trong tuần tới ở mức trung bình và có xu thế tăng trong 1 đến 2 ngày tới, sau đó giảm trở lại.

Trong 10 ngày tới, mực nước nội đồng trên vùng ĐBSCL ở mức thấp và biến đổi mạnh theo triều. Mực nước trên vùng ven biển có xu thế tăng theo thủy triều sau đó giảm trở lại.

SIWRP khuyến cáo từ nay đến cuối mùa lũ năm 2025, đặc biệt trong giai đoạn từ nay đến tháng 9 sẽ còn xuất hiện nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có nguy cơ gây mưa lớn trên lưu vực hạ lưu sông Mê Kông, khiến mực nước lũ trên dòng chính sông Mê Kông và lũ đầu nguồn sông Cửu Long tăng cao. Do vậy, người dân và chính quyền địa phương cần chủ động theo dõi các bản tin thời tiết và cập nhật diễn biến lũ để chủ động ứng phó, giảm thiểu rủi ro do thiên tai.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn