Nhảy đến nội dung
 

Mới mua xe máy trăm triệu, người Hà Nội lo cuộc sống đảo lộn vì cấm xe xăng

(Dân trí) - Lộ trình cấm xe máy chạy xăng tại Vành đai 1 từ 1/7/2026 khiến nhiều người dân Hà Nội lo lắng, nhất là những gia đình mới mua xe hoặc phụ thuộc vào xe máy để mưu sinh.

Nhà ở Vành đai 1, loay hoay với 6 xe máy xăng

Sinh sống trên đường Xã Đàn (TP Hà Nội) - con phố thuộc Vành đai 1 - gia đình chị Trần Minh Hồng có 8 thành viên, trong đó 6 thành viên là người lớn hằng ngày đều di chuyển bằng xe máy chạy xăng.

Khi nghe tin từ 1/7/2026, Hà Nội sẽ không cho xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu) lưu thông trong Vành đai 1, cả gia đình không khỏi lo lắng.

“Điều đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là không biết xử lý thế nào với 6 xe máy chạy xăng  trong nhà. Nếu bán lại thì chắc chắn sẽ rất mất giá, có xe mới mua 1-2 năm, mà đem đổi xe xăng lấy xe điện thì định giá cũng không cao. Đồng loạt chuyển sang xe điện, gia đình sẽ phải bỏ ra khoản tiền không dưới 100 triệu đồng”, chị Hồng cho hay.

Chị Hồng chưa hình dung ra cảnh 6 chiếc xe cùng lúc sạc qua đêm trong sân nhà. Nếu chuyển hết sang xe điện, gia đình chị Hồng sẽ phải thiết kế lại khu vực sân, bố trí hệ thống ổ cắm. Việc từng xảy ra những vụ hỏa hoạn liên quan đến xe điện khiến chị không khỏi lo lắng về nguy cơ cháy nổ tại nhà.

Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường Vành đai 1 sau khi hoàn thành sẽ khép kín khu vực nội đô, vùng lõi của Thủ đô.

Các tuyến đường, phố này gồm Trần Khát Chân (ngã ba Trần Khát Chân Nguyễn Khoái) - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Đê La Thành - Cầu Giấy - đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái.

Vành đai 1 chạy qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa (cũ). 

Nhà ở phường Phú Lương nhưng đi làm tại công ty thuộc phường Cửa Nam, chị Lê Thị Hoa lo lắng không biết 1 năm nữa, việc di chuyển sẽ ra sao.

Phương án chị nghĩ tới là đi xe máy vào gần khu vực trung tâm rồi sử dụng phương tiện công cộng. Tuy nhiên, điều này cũng không tránh khỏi bất tiện, chị sẽ phải đi làm sớm hơn, những hôm có công việc cần ra ngoài xử lý, chắc chắn chị phải mất tiền để di chuyển.

Anh Nguyễn Tuấn Hưng (phường Cầu Giấy) cho biết, vừa mua một chiếc xe máy SH có giá gần 100 triệu đồng cách đây hơn 1 tháng. Đọc thông tin xe máy chạy xăng sẽ bị cấm chạy vào các tuyến đường Vành đai 1, anh Hưng không khỏi bất ngờ và nuối tiếc nếu phải bán chiếc xe mình dành dụm cả năm mới dám mua.

“Vợ tôi đã đi xe máy điện 2 năm nay, còn tôi vẫn giữ thói quen đi xe máy xăng vì công việc của tôi phải di chuyển khá nhiều. Tôi nghĩ xe điện chỉ phù hợp với những người đi lại gần, có lộ trình cố định.

Giờ nếu cả nhà chuyển sang đi xe điện, đêm sạc mấy chiếc xe cùng lúc rất sợ chập cháy. Xe của vợ tôi đã bị chập điện bốc khói 2 lần, may mà sạc ban ngày nên có người phát hiện kịp thời”, anh Hưng kể.

Thấy sáng suốt khi mua xe điện từ 7 năm trước

Những ngày qua, nội dung cấm xe máy xăng vào các tuyến phố Vành đai 1 trở thành chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn. Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, việc thay thế xe xăng bằng xe điện là hướng đi cần thiết. Dù ngắn hạn có thể ảnh hưởng đến một số người mưu sinh bằng xe xăng, song về lâu dài, xe điện mang lại nhiều lợi ích hơn.

“Cách đây 4 tháng, tôi bán chiếc xe tay ga mua năm 2016 được 20 triệu và mua chiếc xe điện đi thấy nhẹ nhàng hẳn, mỗi lần sạc đi được hơn 100km", anh Nguyễn Văn Huy (phường Đống Đa) cho hay.

Chuyển sang đi xe máy điện từ năm 2018, chị Nguyễn Hường (phường Phú Diễn) nhận ra nhiều ưu điểm của phương tiện này như di chuyển nhẹ nhàng, không phải xếp hàng chờ đổ xăng, tiết kiệm chi phí vì tiền sạc điện không đáng kể.

“Trên xe có bảng điều khiển hiện lượng phần trăm pin nên người dùng có thể theo dõi để sạc pin. Chỉ khoảng 4 tiếng sạc là đi được 60-70km, để pin bền và hoạt động hiệu quả thì không nên để xe còn dưới 20% pin mới sạc”, chị Hường cho hay.

 Chị Hường sử dụng xe máy điện từ năm 2018, gia đình chị cũng có 2 chiếc ô tô điện (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhận ra những lợi ích của xe điện, năm 2023, gia đình chị Hường quyết định bán ô tô chạy xăng để mua ô tô điện. Hiện tại vợ chồng chị Hường sở hữu 2 chiếc ô tô điện, 1 chiếc xe máy điện. “Ô tô nhỏ sạc 1 lần có thể đi được 170km, ô tô 5 chỗ 1 lần sạc có thể đi được 400km”, người phụ nữ này cho hay.

Gia đình chị Nguyễn Bích (phường Tây Mỗ) cũng sở hữu 2 chiếc xe điện (1 ô tô, 1 xe máy). "Trước đó, tôi đi xe xăng nhưng khi đi thử xe điện của bạn thấy rất thích, sạch sẽ, êm ái nên chuyển mua xe điện dùng", chị Bích nói. Người phụ nữ cho biết không bất ngờ trước kế hoạch cấm xe máy xăng vào Vành đai 1.

Sau khi đi thử xe điện của bạn, chị Bích bán xe xăng chuyển sang sử dụng xe điện (Ảnh: Hồng Anh).

Bên cạnh những ý kiến đồng tình có không ít người bày tỏ sự lo lắng cho rằng điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của rất nhiều người.

Theo anh Vũ Ngọc Hải (phường Tây Hồ), tàu điện mới chỉ có ở một số trục chính, xe buýt không phủ khắp, trạm sạc cho xe điện gần như không có… nên việc cấm xe máy chạy xăng vào Vành đai 1 trong 1 năm tới sẽ gây đảo lộn cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là những người mưu sinh gắn với xe máy xăng.

Đại diện ban quản lý một chung cư có gần 1.000 hộ dân ở xã An Khánh cho biết, khu vực hầm để xe của chung cư này có gần 100 xe điện (bao gồm xe đạp điện và xe máy điện). Chung cư xây dựng từ năm 2014-2015, hoàn toàn không có thiết kế khu vực sạc xe điện.

Mấy năm gần đây, do nhu cầu của cư dân phát sinh, ban quản lý buộc phải bố trí một khu vực riêng cho xe điện, bổ sung ổ cắm, thiết bị phòng cháy chữa cháy, cắt cử người trực, quy định chỉ được sạc ban ngày và trước 24h. Đến đêm, bảo vệ sẽ rút hết các phích sạc để đảm bảo an toàn.

Theo vị đại diện này, vì lo ngại vấn đề an toàn cháy nổ, nhiều cư dân trong khu chung cư phản đối không cho để xe điện dưới hầm. Tuy nhiên, vì quỹ đất không có, thiếu hụt nhân sự nên ban quản lý không thể tính phương án quây một khu trông coi xe điện riêng trên mặt đất.

Liên quan đến việc Hà Nội cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026, vị đại diện cho rằng, đây sẽ là bài toán khó với các chung cư bởi không có nhiều nơi tính toán xây dựng hệ thống sạc xe điện ngay từ đầu. Nếu tăng từ 100-200 chiếc xe điện lên số lượng hàng nghìn xe sạc cùng lúc thì các chung cư phải tính toán lại hệ thống điện tại tầng hầm, điều này kéo theo khoản chi phí lớn.

“Hiện tại mới chỉ có chưa tới 100 chiếc xe điện mà người dân đã phải tranh nhau sạc, tôi cũng chưa hình dung ra khi số lượng xe điện tăng lên hàng nghìn chiếc thì sẽ ra sao”, vị này nói.

Lộ trình gấp gáp, cần tích cực hỗ trợ người dân

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia giao thông quy hoạch cho rằng, đây là một lộ trình gấp gáp và sẽ ảnh hưởng lớn cuộc sống người dân, đặc biệt là nhóm những người dùng xe máy xăng để mưu sinh.

Tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, xe máy chạy xăng vẫn là phương tiện mưu sinh của nhiều người lao động, từ người bán hàng, shipper (giao hàng), xe ôm, công chức đến sinh viên, bà nội trợ... Vì vậy, cần có phương án tính toán đến việc hỗ trợ người dân khi chuyển từ xe xăng sang xe điện, đảm bảo hệ thống điện, an toàn cháy nổ…

PGS.TS Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) đánh giá chủ trương này là hợp lý, liên quan đến nhiều mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng.

Theo bà An, Hà Nội, Chính phủ cần hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Thành phố cần xây dựng cơ sở hạ tầng cho giao thông xanh như các trạm sạc điện đủ để đáp ứng nhu cầu khi người dân chuyển đổi phương tiện, không độc quyền cổng sạc điện để khuyến khích người dân có thêm cơ hội lựa chọn phương tiện.

Vị chuyên gia cũng cho rằng thành phố cần phát triển phương tiện công cộng xanh nhằm đảm bảo người dân không bị ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, đặc biệt tại các điểm trung chuyển như bến xe, ga metro, trường học, chợ dân sinh...

TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường, cho rằng Hà Nội, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, trợ giá xe điện cho người thu nhập thấp, chính sách đổi xe cũ lấy xe mới, ưu đãi về thuế - phí cho nhà sản xuất, xây dựng mạng lưới trạm sạc phân tán hợp lý, bảo đảm dịch vụ bảo trì tốt.

Vấn đề an toàn phòng cháy, chữa cháy và khả năng đáp ứng của hệ thống điện quốc gia cũng cần được tính đến từ đầu; nhất là trong điều kiện nắng nóng hoặc sạc trong không gian chật hẹp, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy nếu không được giám sát kỹ lưỡng.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn