Mới 18 tuổi những đã phải chạy thận 3 năm: 'Thủ phạm' là 1 thói quen tưởng tốt

Mới 18 tuổi nhưng N.A đã phải chạy thận suốt ba năm qua vì suy thận giai đoạn cuối.
Một buổi sáng sớm tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), giữa những tiếng máy chạy thận đều đặn, bà L ngồi lặng bên cạnh con gái (em N.A) với đôi mắt đỏ hoe, thỉnh thoảng lại cúi xuống hỏi chuyện con. Ở tuổi 18, N.A đang sống phụ thuộc vào chiếc máy lọc máu, 3 buổi mỗi tuần.
“Giá như ngày ấy tôi hiểu hơn về sức khỏe, đừng cố bồi bổ cho con bằng mọi giá...”, bà L nói, nghẹn lại.
N.A là con thứ trong gia đình bà L. Từ nhỏ, em đã thường xuyên ốm vặt, cơ thể yếu ớt. Bố mẹ vì thương con nên luôn tìm cách bồi bổ bằng thực phẩm đến các loại thuốc tăng cường sức khỏe, ai mách gì tốt là mua. “Chỉ mong con không ốm nữa, không gầy yếu như trước”, bà L tâm sự.
Đỉnh điểm là vào năm 2022, khi dịch Covid-19 bùng phát, N.A không may mắc bệnh. Dù bệnh nhẹ và nhanh chóng hồi phục nhưng bố mẹ lại càng dồn sức bồi bổ hơn. Mỗi ngày, N.A phải uống tới gần chục loại thuốc – cả kê đơn, không kê đơn và các loại thực phẩm chức năng.
Sau đợt ốm, bà L để ý thấy con gái có vẻ mũm mĩm, mặt tròn, tay chân to lên. Nhưng thay vì lo lắng, bà lại mừng: “Tôi nghĩ con được chăm sóc, ăn uống đủ nên mới béo lên. Lúc đó còn vui, gọi cả họ hàng khoe ‘con bé lên cân rồi đấy’”.
Chỉ vài tháng sau, N.A bắt đầu kêu mệt, chán ăn, mất ngủ, mặt sưng to. Lúc này, gia đình mới vội vã đưa em đi khám. Kết quả như một cú sốc giáng thẳng vào gia đình: hai quả thận của N.A đã teo, gần như không còn chức năng lọc máu. Bác sĩ kết luận em mắc suy thận giai đoạn cuối.
Phương án được đưa ra là ghép thận hoặc chạy thận định kỳ. Nhưng chi phí ghép thận vượt quá khả năng của gia đình. “Chúng tôi làm lao động tự do, thu nhập chỉ đủ chi tiêu. Lúc đó, chỉ biết ôm con khóc. Cuối cùng, gia đình chọn cách duy trì sự sống cho con bằng lọc máu định kỳ, 3 lần mỗi tuần”, bà L chia sẻ.
Giờ đây, mỗi tuần ba lần, bà L lại tất tả đưa con đi chạy thận, nhìn con gái nhỏ gầy gò nằm im lặng trên giường bệnh, gương mặt nhợt nhạt, bà không khỏi nghẹn ngào.
“Mỗi lần nhìn cháu cắm kim vào tay là tôi như nghẹt thở. Giá như tôi tìm hiểu kỹ hơn, đừng chủ quan khi thấy con phù lên… thì đâu đến mức này”, bà L nói.
Tác hại của thói quen lạm dụng 'thuốc bổ'
Câu chuyện của mẹ con bà L là lời cảnh tỉnh cho không ít gia đình đang quá lạm dụng việc “bồi bổ” cho con trẻ. Không phải cứ nhiều dinh dưỡng, nhiều thuốc bổ là tốt. Cơ thể mỗi người có ngưỡng hấp thu riêng, và bất kỳ sự dư thừa nào cũng có thể trở thành gánh nặng cho gan, thận. Việc dùng thuốc bổ, thực phẩm chức năng không tuân theo chỉ định cũng là nguyên nhân tăng sức ép lên gan, thận.
ThS.BS Nguyễn Đăng Quốc, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, suy thận mạn tính ở người trẻ không phải hiếm và đang ngày một gia tăng. Một trong những yếu tố nguy cơ làm gia tăng suy thận ở người trẻ đó là chế độ ăn thiếu tiết chế (giàu đạm), ít vận động. Ngoài ra, việc lạm dụng các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng, dùng thuốc không tuân theo chỉ định… là một trong những yếu tố tăng áp lực cho thận, khiến thận phải làm việc qua mức, lâu ngày dẫn tới tổn thương.
Để phòng ngừa suy thận, người trẻ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Ăn uống lành mạnh, tăng cường vận động thể dục thể thao để tăng cường sức khoẻ;
- Ăn uống đảm bảo vệ sinh, tránh ăn những thức ăn có chứa chất bảo quản không tốt cho thận;
- Làm việc và học tập phải có thời gian nghỉ ngơi, tránh thức khuya;
- Cần đi khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện bất thường sớm.