Mô hình trung tâm dữ liệu giúp Việt Nam đón sóng AI

Dù đang vươn lên mạnh mẽ trên bản đồ trung tâm dữ liệu toàn cầu, Việt Nam phải xử lý một vấn đề cấp thiết là không thể xây trung tâm dữ liệu theo cách cũ trong kỷ nguyên AI (trí tuệ nhân tạo).
Việt Nam - Thị trường trung tâm dữ liệu màu mỡ
Hồi đầu tháng 7, CMC được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án trung tâm dữ liệu siêu quy mô tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Dự án có tổng mức đầu tư 6.260 tỉ đồng (250 triệu USD), quy mô hơn 30.203 m2, 3.000 tủ rack, tổng công suất 30 MW. CMC dự kiến nâng tổng công suất các trung tâm dữ liệu do công ty vận hành trên cả nước lên 100 MW vào năm 2028.
Trước đó vào tháng 4.2024, Viettel khai trương trung tâm dữ liệu thứ 14 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), được thiết kế với 60.000 máy chủ, hơn 2.400 tủ rack, tổng công suất điện tiêu thụ 30 MW. Đây là trung tâm dữ liệu có công suất điện lớn nhất Việt Nam tới nay. Viettel đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng mức đầu tư cho các trung tâm dữ liệu lên 40.000 tỉ đồng, với tổng quy mô 34.000 rack.
Những diễn biến trên cho thấy cuộc đua trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn “nóng lên” rõ rệt. Theo Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam được định giá 654 triệu USD vào năm 2024, dự kiến tới năm 2030 cán mốc 1.750 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) 17,93%.
Việt Nam là một trong những nước mới nổi trên bản đồ trung tâm dữ liệu toàn cầu nhờ hàng loạt lợi thế như quỹ đất, nhu cầu nội địa, nỗ lực của Chính phủ, chi phí tối ưu hơn. Theo báo cáo năm 2025 của Cushman & Wakefield, chi phí xây trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn trung bình tại Việt Nam là hơn 6,9 triệu USD/MW, trong đó giá đất chỉ chiếm 5% tổng chi phí. Xét trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phí xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam thấp gần nhất, chỉ cao hơn Đài Loan (Trung Quốc).
Từ các tập đoàn trong nước như Viettel, CMC, FPT, VNPT đến những tên tuổi quốc tế như Alibaba, Hyosung hay Google, làn sóng đầu tư vào trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng.
Rõ ràng đây là thị trường màu mỡ, mở ra hướng phát triển mạnh mẽ cho Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội là bài toán hạ tầng, khi cơn sốt AI đặt ra những yêu cầu hoàn toàn mới về công suất, hiệu năng và tốc độ triển khai trung tâm dữ liệu.
Mô hình trung tâm dữ liệu tối ưu cho kỷ nguyên AI
Theo nghiên cứu của Schneider Electric, quản lý năng lượng và tự động hóa, AI sẽ chiếm tới 36% tổng khối lượng xử lý của các trung tâm dữ liệu trên toàn cầu vào năm 2030, với mật độ rack trung bình lên đến 40 - 100 kW. Đây là mức mà các trung tâm dữ liệu truyền thống gần như không thể đáp ứng. Như vậy, nếu tiếp tục phát triển trung tâm dữ liệu theo cách cũ, doanh nghiệp sẽ đối mặt tình trạng quá tải, chi phí làm mát tăng vọt, hiệu suất sụt giảm, thậm chí xây lại từ đầu bởi không đáp ứng nhu cầu thực tế
Trước những thách thức trên, mô hình trung tâm dữ liệu thiết kế sẵn theo mô-đun đang trở thành giải pháp tối ưu. Thay vì xây dựng theo kiểu truyền thống mất nhiều năm, các thành phần như tủ rack, hệ thống điện, làm mát sẽ được sản xuất tại nhà máy, sau đó lắp ghép và đưa vào vận hành chỉ sau vài tháng.
Một trong những lợi ích hàng đầu của trung tâm dữ liệu thiết kế sẵn là tốc độ lắp đặt. Công ty nghiên cứu Arizton của Mỹ tính toán mô hình này giúp tiết kiệm tới 30% thời gian triển khai. Tiếp đó là khả năng mở rộng khi nhu cầu tăng lên, đồng thời giúp dự tính hiệu suất và chi phí chính xác hơn, giảm thiểu những phát sinh thường gặp trong xây dựng truyền thống.
Các trung tâm dữ liệu được thiết kế sẵn còn đặc biệt thân thiện với môi trường. Nhờ phương pháp xây dựng theo mô-đun, mô hình này giúp giảm đáng kể lượng phát thải trong quá trình thi công, tối ưu hóa diện tích và hạn chế lãng phí năng lượng so với việc xây dư công suất. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát từ xa cho phép vận hành hiệu quả hơn về điện năng và làm mát. Khi cần nâng cấp, các mô-đun có thể được tháo rời và tái sử dụng, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Chia sẻ thêm về giải pháp trung tâm dữ liệu mô-đun sẵn sàng cho AI, Schneider Electric vừa qua cũng đã đồng phát triển cùng NVIDIA một loạt thiết kế tham chiếu hoàn chỉnh dựa trên hệ thống điện và làm mát bằng chất lỏng, với Schneider Electric là nhà cung cấp CDU (Cooling Distribution Unit) được NVIDIA phê duyệt. Nhiều thiết kế trong số này còn tích hợp các giải pháp làm mát bằng chất lỏng từ Motivair.
Nhìn chung, mô hình trung tâm dữ liệu thiết kế sẵn theo mô-đun sẽ là một trong những giải pháp mà các tập đoàn công nghệ có thể hướng tới để linh hoạt thích ứng với những thách thức trong kỷ nguyên AI.