Mẫu giấy nằm sâu trong đường thở, cụ ông nguy kịch

Cụ ông 86 tuổi vừa được các bác sĩ cứu sống kịp thời, sau khi bị dị vật là mẫu giấy rơi sâu vào đường thở.
Ngày 26.5, tin từ Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa tiếp nhận và xử trí thành công trường hợp nguy kịch do dị vật đường thở là mẫu giấy nằm sâu trong phế quản bệnh nhân.
Trước đó, cụ H.T.T (86 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy cấp. Sau khi thăm khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cần thiết và hội chẩn đa chuyên khoa, bác sĩ ghi nhận cụ ông bị viêm phổi trên nền nhiều bệnh lý mạn tính nhưtiểu đường loại 2, rung nhĩ, suy tim và suy thận mạn.
Ngoài ra, hình ảnh chẩn đoán nghi ngờ có dị vật đường thở - yếu tố làm tình trạng viêm nặng hơn và tăng nguy cơ tắc nghẽn phế quản, xẹp phổi hoặc nhiễm trùng hô hấp nặng nếu không can thiệp kịp thời.
Vo giấy, đưa vào ống mở khí quản để hút đàm
Tìm hiểu thông tin từ người nhà, bác sĩ phát hiện trước đó, cụ ông đang sử dụng ống mở khí quản để hỗ trợ hô hấp, nhưng người thân đã vo giấy và đưa vào ống mở khí quản để hút đàm, khiến mẫu giấy rơi sâu vào đường thở. Đây chính là dị vật làm trầm trọng thêm tình trạng viêm phổi sẵn có.
Ngay lập tức, cụ ông được chỉ định nội soi phế quản để lấy dị vật; đồng thời điều trị tích cực bằng kháng sinh để kiểm soát tình trạng viêm. Sau khoảng 60 phút thực hiện, ê kíp nội soi đã gắp thành công 2 mẫu giấy to, đặc từ phế quản và thay mới ống mở khí quản cho người bệnh.
Sau can thiệp, sức khỏe cụ ông cải thiện rõ rệt, tình trạng viêm giảm và không còn cần thở ô xy hỗ trợ. Người bệnh được xuất viện sau 7 ngày điều trị và tiếp tục theo dõi tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ.
Không tự ý dùng giấy, tăm bông để lấy đàm hoặc làm sạch đường thở
Qua trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo các gia đình có người lớn tuổi, bệnh nền nặng, đang mở khí quản tuyệt đối không tự ý dùng các vật dụng như giấy, tăm bông… để lấy đàm hoặc làm sạch đường thở.
Khi nhận thấy người bệnh có dấu hiệu dị vật đường thở, tuyệt đối không cố gắng lấy dị vật ra ngoài vì nhiều khả năng dị vật sẽ rơi vào sâu hơn, gây nguy hiểm cho người bệnh.