Luật sư kiến nghị cho hiệu trưởng bị kết án 7 năm được tại ngoại

Pháp luật cần được thực thi với cả lý và tình, bảo đảm công lý nhân văn - luật sư Quách Trọng Phú nêu quan điểm trong vụ án thầy hiệu trưởng Trường THCS Tam Giang Tây vì làm đồ dùng trong trường mà bị kết án 7 năm.
Ngày 24-7, luật sư Quách Trọng Phú (chi nhánh Văn phòng luật sư Thành Hưng, Đoàn luật sư TP.HCM), người bào chữa cho ông Tâm, cho rằng việc tiếp tục tạm giam thân chủ là không cần thiết và không phù hợp với tính chất vụ án.
Kiến nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn
"Thầy Tâm bị bắt tạm giam từ ngày 15-8-2024, đến nay đã gần một năm. Với bản chất hành vi, hậu quả thực tế và việc gia đình đã có đơn bảo lãnh, tôi cho rằng cần thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho tại ngoại là phù hợp và chính đáng", luật sư Phú nói.
Ông viện dẫn điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự để đề xuất cơ quan tố tụng xem xét áp dụng biện pháp bảo lãnh thay thế tạm giam, đồng thời nhấn mạnh: "Ông Tâm có nơi cư trú rõ ràng, nhân thân tốt, tích cực khắc phục hậu quả, không có dấu hiệu bỏ trốn hay cản trở điều tra".
Sau khi bản án sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù với ông Trần Văn Tâm - nguyên hiệu trưởng Trường THCS Tam Giang Tây thuộc xã Tân Ân, tỉnh Cà Mau - vì tội "tham ô tài sản", nhiều quan điểm đã được đặt ra.
Tại phiên phúc thẩm vừa qua, luật sư bào chữa cho ông Tâm cho rằng cần đánh giá lại toàn bộ bản chất vụ việc và xem xét áp dụng biện pháp nhân đạo phù hợp với hoàn cảnh.
Đồng ý với quan điểm của luật sư Phú, luật sư Đoàn Công Thiện (nguyên chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang cũ) cho biết theo quy định tại điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2021, 2025) thì tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm tội nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù), tội ít nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất đến 3 năm tù) mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm thì có thể áp dụng biện pháp tạm giam khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp như đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội...
Trong trường hợp này, các cơ quan tố tụng truy tố xét xử ông Tâm là khoản 2 điều 353 Bộ luật Tố tụng hình sự (khung hình phạt từ 7 - 15 năm tù, thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng) nhưng ông Tâm có nơi cư trú rõ ràng, không có tình tiết tăng nặng, nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, không có ý định bỏ trốn hay tiếp tục phạm tội, đặc biệt ông Tâm có nhiều thành tích trong công tác.
Vì những lý do đó, ông Tâm có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp bảo lãnh để thay thế cho biện pháp tạm giam theo quy định tại điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Pháp luật không chỉ để trừng trị, mà còn để khai mở lối đi hướng thiện
Luật sư Phú dẫn lại phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành kiểm sát nhân dân, trong đó nhấn mạnh:
"Pháp luật không chỉ để trừng trị, mà còn để giáo dục, cảm hóa, bảo vệ và khai mở lối đi cho sự hướng thiện... Phải cân nhắc kỹ lưỡng cả lý và tình để người bị xử lý tâm phục khẩu phục, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào nền tư pháp".
Luật sư cho rằng từ chỉ đạo của Tổng Bí thư có thể được vận dụng trong vụ án của ông Tâm một cách nhân văn mà vẫn phù hợp quy định pháp luật.
Bởi hành vi sai phạm bắt nguồn từ hoàn cảnh thiếu thốn của trường học; tài sản làm ra được dùng cho lợi ích tập thể; cá nhân bị cáo có nhân thân tốt, tích cực khai báo, khắc phục hậu quả và không có biểu hiện trốn tránh.
"Thiết nghĩ, trong vụ án này, điều quan trọng là phải xác định đúng bản chất và hành vi phạm tội và xử lý sao cho vừa bảo đảm tính răn đe vừa thể hiện sự khoan dung hợp lý đối với người có thiện chí phục vụ cộng đồng", ông Phú nêu.
Hiện các cơ quan tố tụng vẫn đang xem xét điều tra lại vụ án theo chỉ đạo của tòa phúc thẩm. Gia đình ông Tâm tiếp tục đề nghị cho bảo lãnh tại ngoại.
Trong đơn cứu xét gửi các cơ quan chức năng, ông Tâm cho rằng tất cả số tiền chi làm sản phẩm cho nhà trường (hơn 10 triệu đồng) ông đã sử dụng chi cho công việc chung của tập thể; ngay cả tiền công làm, tiền phần trăm hóa đơn ông cũng đưa vào để sử dụng cho tập thể, thậm chí tạm ứng tiền cá nhân của ông để giải quyết công việc chung.
Ông Tâm cho rằng những sản phẩm do ông tự làm ra đều đúng giá. Có những số tiền dư ra ông đều sử dụng vào việc tập thể. Vì vậy bản thân ông không hề trục lợi, không có mục đích tham ô tài sản.
"Do nhà trường lúc bấy giờ rất nhiều việc, trường lại không có phó hiệu trưởng để phụ trách chuyên môn, thiếu giáo viên nên bản thân vừa dạy vừa quản lý.
Vì vậy tôi chưa kịp công khai trước tập thể các khoản chi tại thời điểm đó, nên thực hiện chưa đúng về nguyên tắc sử dụng tài chính của đơn vị", ông Tâm nêu trong đơn được viết từ trại tạm giam.