Loạt tỉnh tạm dừng tàu du lịch, cáp treo, tour biển đảo tránh bão số 3
|
Nhiều tàu du lịch bị đánh chìm sau khi bão Yagi càn quét qua cảng Tuần Châu (Quảng Ninh) hồi tháng 9/2024. Ảnh: Việt Linh. |
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (bão Wipha), TP Hải Phòng đã ra lệnh cấm biển từ 17h ngày 20/7, yêu cầu tạm dừng các hoạt động du lịch tại khu vực ven biển, đảo và vịnh. Lệnh cấm áp dụng cả với tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long và các hoạt động tham quan, giải trí tại khu vực biển, đảo. Việc neo đậu, trú tránh phải hoàn tất trước 21h cùng ngày.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị du lịch khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó, không tổ chức tour tham quan trong điều kiện thời tiết xấu, không bố trí du khách lưu trú tại khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, nhất là tại biển, đảo và trên vịnh.
Đối với 67 tàu du lịch lưu trú trên vịnh, thành phố lên phương án di dời khỏi vùng nguy hiểm. Các cơ sở lưu trú được yêu cầu bố trí lực lượng trực 24/24, kích hoạt phương án "4 tại chỗ", chủ động hỗ trợ du khách khi bị ảnh hưởng do bão, như giảm giá dịch vụ hoặc cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu trong trường hợp bị cô lập.
Hải Phòng cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động tại nhiều bến phà, trong đó phà Đồng Bài - Cái Viềng và bến Gia Luận (Cát Bà) cấm hoạt động từ cấp 4, khi sóng cao trên 0,8 m.
![]() |
Hải Phòng cấm biển từ 17h ngày 20/7, yêu cầu tạm dừng các hoạt động du lịch tại khu vực ven biển, đảo và vịnh. Ảnh: Haiphong.gov. |
Tại Ninh Bình, Sở Du lịch tỉnh yêu cầu các khu, điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ chủ động triển khai các phương án phòng chống bão, đặt an toàn của du khách và người dân lên hàng đầu. Các hoạt động tham quan phải tạm dừng ngay khi thời tiết chuyển biến xấu, thông báo kịp thời cho du khách, đơn vị lữ hành và cơ quan chức năng.
Các điểm trọng yếu cần bố trí sẵn lực lượng, phương tiện cứu hộ; lắp đặt biển cảnh báo, công khai số điện thoại đường dây nóng và tổ chức tập huấn kỹ năng sơ cứu, ứng phó khẩn cấp cho nhân viên. Các khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú cũng được yêu cầu chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, gia cố hạ tầng, đảm bảo an toàn cho khách và nhân viên.
Các đơn vị phải chuẩn bị sẵn nhu yếu phẩm, trực 24/24 trong thời gian bão đổ bộ và thường xuyên cập nhật thông tin cho du khách.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch đề nghị UBND các xã, phường tăng cường phối hợp với các khu, điểm du lịch để triển khai hiệu quả các phương án phòng chống bão, chỉ đạo dừng hoạt động du lịch khi cần thiết và sẵn sàng lực lượng cứu hộ khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
![]() |
Du khách thường chọn đi thuyền trên sông ngắm cảnh Tam Cốc (Ninh Bình). Ảnh: Linh Huỳnh. |
Tại Quảng Ninh, toàn bộ 111 tàu khách và 375 tàu du lịch trên địa bàn tỉnh đã được thông báo, cập nhật tình hình bão. Các phương tiện này đang khẩn trương trở về bến, hoàn tất công tác neo đậu an toàn trước 18h.
Để tăng cường cảnh báo và nâng cao nhận thức cộng đồng tại các xã đảo, lực lượng biên phòng tại Cô Tô và Ngọc Vừng đã bắn 12 quả pháo hiệu báo bão vào tối 19/7, đồng thời sẽ tiếp tục thực hiện trong những ngày tới.
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cập nhật, nắm chắc số lượng khách đang lưu trú, đặc biệt tại các khu du lịch biển, đảo. Đồng thời, cơ quan chức năng phải thông tin kịp thời tới các doanh nghiệp lữ hành về diễn biến cơn bão để chủ động phương án đón khách, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách có nhu cầu ở lại đảo trong thời gian bão đổ bộ.
Sáng cùng ngày, Cảng vụ Đường thủy nội địa và Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tạm dừng cấp phép rời cảng, bến đối với tất cả tàu chở khách du lịch trên địa bàn. Riêng các tàu đang trên hành trình đưa khách từ đảo về đất liền vẫn được phép tiếp tục di chuyển theo kế hoạch.
Tính đến 19h ngày 20/7, tâm bão số 3 cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 473 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 20-25km/h.
Travel blogger truyền cảm hứng du lịch qua những câu chuyện đầy màu sắc về những điểm đến mới lạ, những trải nghiệm độc đáo mà họ khám phá được trong hành trình. Những bài viết, video hay hình ảnh của họ không chỉ mang lại kiến thức về địa lý, mà còn khơi gợi niềm đam mê khám phá thế giới. Đọc sách là một phần không thể thiếu trong hành trình này, giúp họ tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và con người ở mỗi nơi.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu chân dung travel blogger kiêm tác sách, những con người lan tỏa nguồn cảm hứng xê dịch và tiếp nạp tri thức.
> Xem thêm: Travel blogger Đinh Hằng: Thật khó để cô đơn khi du lịch một mình