Nhảy đến nội dung
 

Lê Thiết Cương thong dong về cõi đẹp

Cả một đời Lê Thiết Cương yêu cái đẹp, sống vì cái đẹp và trong cái đẹp. Và giờ anh thong dong đi về cõi đẹp, cõi thiện, cõi sáng, như cách anh từng thong dong đạp xe loanh quanh khu phố cổ.

Tin Lê Thiết Cương qua đời tối 17-7 tại nhà riêng ở Hà Nội tuổi 63, sau thời gian chiến đấu với bệnh ung thư khiến anh em văn nghệ sĩ cả nước, không chỉ giới họa sĩ mà đủ mặt anh tài từ văn chương, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc..., cùng bày tỏ tiếc thương một người tài năng và hào sảng.

Lê Thiết Cương: Người "ăn thịt mình" mà vẽ

Khi Lê Thiết Cương ra mắt lần đầu khoảng đầu những năm 1990 ở phòng triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam trên phố Ngô Quyền, những bức tranh chỉ vài ba màu với tối giản hình trên chất liệu rẻ tiền thời nghèo khó là bột màu vẽ trên vải màn bồi giấy dó đã lập tức khiến Lê Thiết Cương được nhận ra.

Vừa bước vào hội họa chuyên nghiệp, Lê Thiết Cương đã tìm được "dấu vân tay" của mình, theo cách gọi của anh, bằng hội họa tối giản. Và cả đời Lê Thiết Cương chỉ trung thành với một lối đi ấy, một lối đi riêng biệt trong cánh đồng hội họa Việt.

Những bức tranh tối giản của Lê Thiết Cương xem qua tưởng chẳng có gì, nhiều người nhìn thấy chúng thực ra là chất chứa nhiều suy tư, tình cảm của một người đa sự, đa mang.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhắc nhớ ngay từ triển lãm đầu tiên với Đào Hải Phong khoảng năm 1990, Lê Thiết Cương đã theo đuổi phong cách tối giản, vẽ trên chất liệu vải màn bồi giấy. Tranh chỉ có ít nét và vài ba màu: xanh nhạt, trắng, vàng.

Sau này khi đã thành đạt, Lê Thiết Cương vẽ trên nhiều chất liệu như sơn dầu, sơn mài, gốm và vẽ minh họa sách. Tất cả đều nhất quán cùng phong cách tối giản.

Thực ra phong cách này không liên quan đến nghệ thuật tối giản, mà do họa sĩ theo đuổi tính chất giản đơn, biểu hiện ý của Thiền học, là cái mà Lê Thiết Cương say mê. Ông muốn một lối vẽ ít hình, màu nhất nhưng nói được nhiều ý niệm nhất.

Sinh thời, Nguyễn Huy Thiệp - một nhà văn có khiếu hội họa - từng viết rất thấm thía về con đường của người bạn thân thiết.

Ông cho rằng đạt được sự thành công với hội họa tối giản như Lê Thiết Cương không dễ. Lối vẽ này đòi hỏi sự tự tin và minh triết trong ý thức của người vẽ. Và nghiệt ngã hơn, lối vẽ ấy đòi hỏi người nghệ sĩ phải "ăn thịt mình" mà vẽ.

Bởi để đạt được trạng thái bình tĩnh, bình thản, chủ động trong hưng phấn sáng tạo, để "tiết chế thái quá" những nét những hình như Lê Thiết Cương đã làm, người vẽ bắt buộc phải đa dạng mình bằng một nội tâm phong phú, bằng tri thức hiểu biết, bằng một đời sống thực.

"Anh ta phải "ăn thịt mình", anh ta buộc phải nạp điện liên tục cho các "khoang ắc quy" trong tinh thần và tình cảm, anh ta buộc phải dấn thân, phải chấp nhận một số phận không dễ dàng. Đấy chính là những bức tranh có giá của máu".

Cái vẽ của Lê Thiết Cương trong cái nhìn sâu sắc của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là như thế, là những bức tranh có giá của máu.

Tấm lòng của người văn hóa

Với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Lê Thiết Cương là một nghệ sĩ đúng nghĩa thực chất của từ này. Tài năng hội họa và cả thái độ làm nghề trân trọng và thận trọng đã làm lên tên tuổi của Lê Thiết Cương.

Không chỉ những bức tranh, tượng, bình gốm... những cuộc triển lãm anh làm giám tuyển, những lời anh viết cho họa sĩ khác, dù là bài báo nhỏ mà anh vừa tập hợp trong cuốn Trò chuyện với hội họa đã nói lên đầy đủ tư chất nghệ sĩ, tư chất làm nghề, thái độ với nghề của Lê Thiết Cương.

Nhưng Lê Thiết Cương trong mắt Phạm Xuân Nguyên còn là một con người văn hóa. Ở anh in đậm văn hóa của kẻ sĩ Hà thành và đầy chất văn chương. Là một họa sĩ viết báo, viết văn, viết nghiên cứu, Lê Thiết Cương tạo cho mình một giọng rất riêng.

Thế nên, anh không chỉ thân thiết với anh em trong giới hội họa mà còn có những mối thâm tình với giới văn chương.

Vì yêu quý văn tài của các bậc tiền bối, của bạn bè, Lê Thiết Cương đã đứng ra làm rất nhiều cuốn sách cho các bậc thầy như Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Lê Đạt, sau này có thêm Đào Trọng Khánh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thụy Kha, Hà Tường...

"Trò chuyện với anh, đọc sách anh nghĩ mình rất lâu mới có được chất văn hóa Tràng An, chất nghệ sĩ ấy của anh. Với tôi, Lê Thiết Cương là bậc đàn em nhưng tầm vóc văn hóa, Lê Thiết Cương là anh của tôi", ông Nguyên nói.

Người ta yêu tranh Lê Thiết Cương vì cái tình thắm thiết. Và người ta yêu họa sĩ cũng vì chữ tình mà anh sống.

Lê Thiết Cương nổi tiếng "đanh đá" nhưng yêu bạn, quý bạn, yêu chiều và nâng đỡ người trẻ, những nghệ sĩ trẻ thì ít người bằng.

Những gì Lê Thiết Cương đóng góp cho mỹ thuật không chỉ là con đường hội họa tối giản của anh, mà còn là những chăm chút của anh cho các họa sĩ trẻ thông qua biết bao triển lãm anh góp sức tổ chức cho họ, bao nhiêu là bài viết giới thiệu, và nữa, bao nhiêu là cuộc vui ấm tình nghệ sĩ.

Một đời vẽ, viết, đều vì/cho cái đẹp. Đến mặc cũng phải đẹp, phải rực rỡ. Lúc ra đi, Lê Thiết Cương lại được đi thong rong trong rất nhiều tình cảm đẹp của gia đình, bạn bè muôn phương. Anh xứng đáng với điều đó.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn