Lê Thiết Cương một đời đi tìm cái đẹp

Hơn một tuần trước khi qua đời, trên giường bệnh với giây phút sinh tử vì căn bệnh ung thư, Lê Thiết Cương chìm đắm trong giai điệu bình yên và khắc khoải của Mama, I'm coming Home (Mẹ ơi, con sắp về nhà) - bản rock ballad do Ozzy Osbourne thể hiện.
Người nghệ sĩ ấy vin vào câu thơ thiền, bài hát và tác phẩm hội họa làm liều "doping tinh thần", vượt cơn đau thể xác, để cảm nhận đến tận cùng vẻ đẹp của cuộc sống.
Chia sẻ cuối cùng của người nghệ sĩ Hà Nội gửi đến khán giả, bạn bè là dòng giản dị bộc lộ chiêm nghiệm về sự hữu hạn của đời người, nhưng cũng đầy khao khát sống và yêu: "Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không" (thiền sư Từ Đạo Hạnh).
Ngày 15/7, sau thời gian nhập viện với những hy vọng cuối cùng, phút hồi tỉnh hiếm hoi từ những cơn đau, Lê Thiết Cương nói muốn "Về nhà, về nhà với mẹ". Hai ngày sau, họa sĩ qua đời bình yên tại nhà riêng ở Hà Nội, trong căn phòng ấm áp thoảng hương thơm hoa hồng và trong vòng tay của mẹ. "Anh đã về nhìn ngắm nhà cửa, thấy yên lòng rồi yếu dần", chị Lê Hoa, em gái của họa sĩ cho biết.
Học vẽ từ năm 11 tuổi, hơn nửa thế kỷ gắn bó nghệ thuật, Lê Thiết Cương làm việc và sáng tạo không ngừng. Trước khi qua đời, ông phát hành cuốn phê bình Trò chuyện với hội họa, làm triển lãm các bức gốm về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
"Cuộc ra mắt sách, buổi triển lãm đó như cuộc chiến cuối cùng của anh. Anh còn tổ chức trọn vẹn, chu đáo tang lễ cho người anh thân như ruột thịt - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha. Để rồi, hôm nay, anh đi theo các bậc văn nhân mà anh kính trọng và gần gũi như thi sĩ Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng", nhà báo Trần Nhật Minh - một trong những người gần gũi ông, cho biết.
Cuộc đời nghệ thuật của Lê Thiết Cương in đậm dấu ấn hai từ "tối giản". Khởi điểm của Lê Thiết Cương với mỹ thuật tối giản bắt đầu từ năm 1984. Khi ấy, ông vừa rời quân ngũ, thất nghiệp nằm nhà, thường sang bên hàng xóm là nhà thi sĩ Đặng Đình Hưng. Tính đến khi Đặng Đình Hưng mất, Lê Thiết Cương thân thiết nhà thơ sáu năm, coi ông như người thầy lớn. Họa sĩ được học từ bậc cha chú về nghệ thuật nói chung, trong đó có hội họa. "Ông là người đã phát hiện ra hạt tối giản trong tôi và vun đắp tôi đi theo con đường này", Lê Thiết Cương từng nói.
Ở bài Thầy tôi trong cuốn Di cảo Đặng Đình Hưng, Lê Thiết Cương nhớ một lần chuẩn bị màu, bút cho nhà thơ, thấy ông rất nhanh đã vẽ lên mặt toan hai chữ, đọc thành ba âm tiết: ''Đêm Virgule'' (Đêm dấu phẩy). ''Đó là bài thơ, hay bức tranh vẽ về một bài thơ? Tôi không biết nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng gì vì nó chính là bài học đầu tiên ông dạy tôi để khai mở cho tôi quan niệm tối thiểu trong nghệ thuật mà tôi vẫn đang đi cho đến tận hôm nay'', Lê Thiết Cương viết.
Tranh của ông, dù là chất liệu nào, đều tiết chế tối đa từ bố cục, đường nét đến màu sắc. Nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha từng nhận xét: "Tranh Lê Thiết Cương mênh mang khó lường, mỗi bức tranh hầu như chỉ chọn một tông màu chính, rồi hòa tan màu sắc ấy trên một mặt phẳng tĩnh lặng ấy. Từ đó chính màu sắc và bố cục tranh sẽ gợi cho người xem suy tư về những gì thật sự đang diễn ra đằng sau mỗi phận người".
Vẽ tối giản tưởng đơn giản nhưng không hề dễ, theo nhiều người trong nghề. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng viết nhân triển lãm Chuyện của Lan của Lê Thiết Cương năm 2008: "Lối vẽ này đòi hỏi sự tự tin và minh triết trong ý thức của người vẽ. Sự gợi cảm chính là yếu tố quyết định cho những bức tranh có 'đứng' được hay không? Trong khi bệnh chung của nhiều họa sĩ ở ta là sự đa ngôn, rườm lời, không biết kết thúc thì Lê Thiết Cương đã xuất sắc ở chỗ luôn biết cách dừng lại đúng lúc cho những bức tranh của anh".
Chủ nghĩa tối giản của Lê Thiết Cương có liên quan mật thiết đến giáo lý nhà Phật, được ông chiêm nghiệm nhiều năm. Trong cuốn Trò chuyện với hội họa, ông viết: "Tối giản là thiền, là yên tĩnh, là vô ngôn kiệm hình, kiệm màu, kiệm nét là nói bằng im lặng, 'im lặng sấm sét'. Nhà Phật quan niệm, đi tu chính là trở về mình, tìm ra được cái 'bản lai diện mục' của mình, kiến tính thành Phật, "ngoái đầu là bờ" giống như nghề nghệ thuật, làm nghệ thuật chính là làm mình, tìm mình, trở về nội tâm của mình".
Bên cạnh các bức tranh độc lập, họa sĩ vẽ hàng trăm bìa sách, các bức vẽ cho thơ, truyện, tranh trên báo, trên gốm, điêu khắc. Theo ông, mỗi loại hình nghệ thuật đều có ngôn ngữ riêng. Bức tranh vẽ trên cảm hứng một bài thơ, một câu thơ là văn bản thứ hai của tác phẩm đó, cách cảm nhận khác về nó.
Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nói: "Từ những năm 1990 đến nay, với phong cách độc đáo, qua nhiều triển lãm chất lượng, Lê Thiết Cương liên tục tạo ra những dấu ấn đậm nét với mỹ thuật Việt Nam đương đại. Với vai trò giám tuyển, ông chắp cánh cho nhiều tài năng trẻ được đến với công chúng".
Ngoài hội họa, Lê Thiết Cương am hiểu nhiều lĩnh vực như nhiếp ảnh, âm nhạc, văn chương, phê bình. Sinh thời, họa sĩ xuất bản hai cuốn phê bình là Thấy (2017), Trò chuyện với hội họa (2025), tản văn Nhà và người (2024).
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhận xét Lê Thiết Cương đọc nhiều, hiểu sâu. "Anh viết phê bình ngắn nhưng chỉ ra được những vấn đề then chốt. Văn anh vẫn đi theo trường phái tối giản, tinh gọn và sâu xa", ông Nguyễn Quang Thiều nói.
Nhà thơ cảm nhận họa sĩ khắt khe trong đánh giá, sáng tạo nghệ thuật và nghiêm khắc với chính mình. Ông luôn khuyến khích bạn bè, đàn em dấn thân đổi mới, thử nghiệm và sáng tạo. Khi Nguyễn Quang Thiều mới cầm cọ, họa sĩ thẳng thắn chỉ ra cho ông điểm mạnh, điểm yếu và động viên: "Hãy vẽ những gì con người ông cảm nhận, bằng tinh thần thi ca của ông. Hãy học những họa sĩ đi trước về thái độ làm việc chứ đừng học lối vẽ của họ. Hãy làm những gì mà thế giới chưa làm".
Ngoài đời, Lê Thiết Cương được giới văn nghệ sĩ nể phục vì tính cách hào hiệp, trượng nghĩa. Khi bán được tranh, có đời sống vật chất sung túc, ông biến căn nhà 39 Lý Quốc Sư, Hà Nội của mình trở thành một gallery, địa chỉ tụ họp quen thuộc của nhiều người trong giới.
Với nhà thơ Nguyễn Anh Vũ, họa sĩ Lê Thiết Cương như người anh lớn, chỗ dựa tinh thần cho lớp đàn em: "Anh có sự tinh tế, hào hoa của một nghệ sĩ gốc Hà Nội. Anh thẳng tính, thậm chí nóng tính nhưng rất trượng nghĩa, khảng khái, rộng lòng với bạn bè anh em". Sinh thời, họa sĩ hay nhắc câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài Tình xa: "Còn thấy gì sáng mai đây thôi ta còn bạn bè".
Tiễn biệt bạn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: "Cuối cùng Cương đã được về nhà, nơi anh đã sống những tháng năm đẹp nhất, sáng tạo nhất, hạnh phúc nhất, nơi những người bạn chân thành nhất đã bên anh.
Cho dù đoạn đường đời Cương đi chưa phải dài, anh đã đi một cách trọn vẹn, sống đúng con người Cương ở nhiều nghĩa và không sợ hãi. Khi nhìn Cương, tôi biết thời gian của anh không còn nhiều nữa. Trong đôi mắt Cương nhìn bạn bè, tôi nhận ra ánh sáng của sự sống đang dần tắt nhưng tôi không nhìn thấy bất cứ một tia sợ hãi nào trong đó".
Hà Thu - Phương Linh