Lặng nghe các họa sĩ 'Kể chuyện sau ngày thống nhất'

Với 105 tác phẩm hội họa, điêu khắc, ký họa, cuộc trưng bày chuyên đề 'Kể chuyện sau ngày thống nhất' mang đến một không gian nghệ thuật giàu cảm xúc, tái hiện sống động những ký ức lịch sử và kết nối quá khứ với hiện tại.
Diễn ra từ nay đến hết ngày 8-6 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, trưng bày chuyên đề Kể chuyện sau ngày thống nhất là cuộc trò chuyện lặng lẽ mà xúc động với quá khứ, nơi những ký ức không quên được lưu giữ bằng chiều sâu cảm xúc của nghệ thuật.
Từ những bức ký họa chân thực tại chiến trường đến các sáng tác mới đong đầy suy tư thời hậu chiến, mỗi tác phẩm như một lát cắt thời gian, gợi mở không gian suy tưởng về một thời khói lửa và những hồi ức còn vang vọng.
Từ chiến trường khốc liệt đến khoảng lặng suy tư
Kể chuyện sau ngày thống nhất giới thiệu 105 tranh, tượng, ký họa, được sắp xếp thành bốn không gian: Ký họa chiến trường, Hồi ức bão lửa, Những khoảng lặng và Góc nhìn hôm nay.
Các tác phẩm được tuyển chọn từ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và sáng tác của các họa sĩ thuộc Câu lạc bộ Truyền thống Mỹ thuật Giải phóng, những người từng trực tiếp sống, chiến đấu và sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Kết hợp tác phẩm từ sưu tập và sáng tác mới của các nghệ sĩ đi qua thời chiến, triển lãm tạo nên một dòng chảy ký ức liền mạch từ hiện trường cuộc chiến đến những khoảng lặng sau tiếng súng, sau cùng là cuộc đối thoại giữa ký ức và hiện tại.
Không gian Ký họa chiến trường gồm 15 tác phẩm phác họa sống động từ chiến khu với các chất liệu như bút chì, than, màu nước.
Tác phẩm của các họa sĩ Nguyễn Thanh Châu, Mai Văn Hiến, Xuân Hồng, Nguyễn Thanh Minh, Nguyễn Xuân Hoàng... ghi lại chân dung người lính, cảnh hành quân, trận đánh… với cảm xúc trực diện và chân thực.
Những nét vẽ vội nơi tiền tuyến đã vượt lên vai trò ghi chép, trở thành biểu tượng sống động cho tinh thần kiên cường và niềm tin vào ngày toàn thắng.
Tiếp nối là Hồi ức bão lửa, gồm 22 tác phẩm đa chất liệu như sơn dầu, sơn mài, lụa… khắc họa mạnh mẽ những tháng ngày chiến tranh khốc liệt.
Những gam màu mạnh, những đường nét táo bạo như khắc sâu vết hằn thời đại. Nhưng trong tàn khốc vẫn lấp lánh tinh thần bất khuất và khát vọng độc lập.
Trái ngược với sự dữ dội của hai phần đầu, 31 tác phẩm trong Những khoảng lặng mang đến một không gian suy tưởng sâu lắng, không cần lời, chỉ cần cảm.
Những bức tranh Tình quân dân, Mừng chiến thắng, Lính kể chuyện, Nữ du kích... gợi vẻ đẹp đời thường dung dị nhưng đầy ấm áp của những ngày đầu hòa bình. Sau tất cả, điều đọng lại không phải chiến thắng, mà là con người.
Cuối cùng là Góc nhìn hôm nay, gồm 38 tác phẩm mới của các nghệ sĩ từng đi qua thời chiến và sáng tác trong thời bình.
Đó là những dấu vết ghi lại sâu trong nội tâm, những suy tư, hoài niệm như lời nhắn nhủ rằng ký ức chiến tranh vẫn còn đó, không gào thét bi lụy mà âm ỉ, đầy suy ngẫm.
Nghệ thuật lưu giữ ký ức và kết nối các thế hệ
Không chỉ kể chuyện bằng tranh, cuộc trưng bày lần này còn có buổi giao lưu với các họa sĩ, nhà điêu khắc từng là thành viên Phòng Hội họa Giải phóng (B11), đơn vị đã đào tạo, quản lý ngành mỹ thuật miền Nam trong kháng chiến.
Được nghe họ kể về những năm tháng vẽ dưới bom rơi, về lý tưởng của người nghệ sĩ trong chiến tranh cũng là cách để thế hệ hôm nay hiểu hơn về một quá khứ khốc liệt từng rất gần.
Dù trải qua bao mất mát, họ vẫn giữ được ngọn lửa sáng tạo và niềm tin vào nghệ thuật như một phương tiện lưu giữ lịch sử, tiếp nối lý tưởng và truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo.
Nói như tâm tình của họa sĩ Phan Hữu Thiện, đại diện CLB Truyền thống Mỹ thuật Giải phóng: “Sau 50 năm, chúng tôi hạnh phúc vì vẫn còn được sáng tác, vẫn đi theo lý tưởng nghệ thuật mà các thầy, các chú đi trước đã dày công vun đắp.
Các bậc tiền bối đã hy sinh để Tổ quốc được vẹn toàn, để ngành mỹ thuật được ghi dấu như hôm nay. Chúng tôi tiếp tục kể lại bằng tranh, bằng ký họa… để thế hệ sau không quên”.