Nhảy đến nội dung
 

Làm sao tránh bị trượt bánh khi lái xe máy vào cua?

Vào cua là kỹ thuật cơ bản khi điều khiển mô tô, xe máy nhưng đây cũng là tình huống dễ khiến người lái mất kiểm soát, nhất là khi bánh trước bị trượt, gây nguy hiểm và dẫn đến những tai nạn khó lường.

Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng xe máy cao hàng đầu thế giới. Dù vậy, không phải ai cũng được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe an toàn, đặc biệt trong những tình huống thường gặp như ôm cua. Điều khiển xe máy vào cua tưởng chừng là kỹ thuật đơn giản nhưng là một trong những tình huống dễ xảy ra tai nạn. 

Thực tế, không ít trường hợp xe máy bị trượt bánh trước, mất lái và ngã ngay khi vừa vào cua, điều này thường phổ biến đối với chị em, học sinh, sinh viên... những người còn "yếu" tay lái.

Việc hiểu rõ nguyên nhân và nắm được kỹ thuật xử lý đúng cách sẽ giúp người điều khiển xe máy an toàn hơn khi di chuyển qua các đoạn đường cong, trơn trượt hoặc khúc cua hẹp.

Phanh gấp khi xe đang nghiêng

Kỹ năng sử dụng phanh khi điều khiển xe máy đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong tình huống ôm cua. Nhiều người gặp tai nạn do phanh gấp khi xe đang nghiêng theo góc cua. Lúc này, bánh trước giữ vai trò dẫn hướng và chịu phần lớn tải trọng, nếu phanh đột ngột sẽ khiến bánh bị khóa, mất độ bám, dẫn đến trượt ngang.

Để tránh tình huống này, người điều khiển nên chủ động giảm tốc từ trước khi vào cua. Khi đã bắt đầu ôm cua, nên hạn chế bóp phanh trước, hoặc nếu cần thiết, chỉ nên rà nhẹ phanh trước và kết hợp với phanh sau để giữ độ ổn định.

Ôm cua quá với tốc độ quá nhanh

Việc vào cua ở tốc độ cao là nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc xòe bánh trước. Khi vào cua nhanh, lực ly tâm lớn khiến bánh xe khó giữ được ma sát với mặt đường, đặc biệt nếu xe đang nghiêng về một phía, rất dễ trượt khỏi quỹ đạo mong muốn.

Trước khi vào cua, người điều khiển nên giảm tốc độ phù hợp, giữ tay lái vững, tránh đánh lái gấp. Cần quan sát góc cua từ xa và điều chỉnh tốc độ cũng như tư thế ngồi để đảm bảo kiểm soát tốt quãng đường cần ôm cua.

Mặt đường trơn trượt

Không ít người bị trượt bánh trước khi vào cua chỉ vì đi đúng vào đoạn đường có cát, dầu loang hoặc trời mưa trơn trượt. Trong những điều kiện này, dù đi đúng kỹ thuật nhưng bánh xe vẫn có thể mất độ bám do ma sát giữa lốp và mặt đường rất ít.

Trong trường hợp gặp điều kiện mặt đường này, người điều khiển cần giảm tốc độ, không nên ôm cua với góc nghiêng lớn. Tốt hơn hết, nên giữ xe cân bằng, ổn định tay lái, tuyệt đối không sử dụng phanh trước, chỉ rà phanh sau khi cần thiết.

Lốp xe mòn

Một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến hiện tượng trượt bánh trước khi ôm cua, thường bị người đi xe máy bỏ qua là tình trạng lốp bị mòn, đặc biệt là phần hông lốp và các rãnh thoát nước. Khi gai lốp mòn không đều hoặc đã mòn sâu, độ bám đường sẽ giảm đáng kể.

Để đảm bảo an toàn, người dùng nên kiểm tra lốp định kỳ, thay mới khi lốp có dấu hiệu mòn. Bên cạnh đó, áp suất lốp cũng cần được duy trì đúng theo khuyến nghị của nhà sản xuất, bởi lốp quá non hơi dễ gây ì xe và mất ổn định, trong khi lốp quá căng lại làm giảm độ bám khi vào cua.

Việc bị xòe bánh trước khi ôm cua không phải là tình huống hiếm gặp, tiềm ẩn rủi ro rất lớn, nhất là khi lưu thông trên đường đông đúc. Hiểu rõ các nguyên nhân gây trượt bánh sẽ giúp người điều khiển chủ động phòng tránh và có cách xử lý phù hợp.


 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn