Làm gì để tránh bị công an dỏm 'bắt cóc online'?

Thời gian gần đây, hàng loạt học sinh, sinh viên bị 'bắt cóc online' nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với cùng thủ đoạn giả danh công an để đe dọa.
Những dấu hiệu nhận biết có thể đang xảy ra "bắt cóc online"
- Học sinh, sinh viên đột nhiên biến mất không rõ lý do, không liên lạc được.
- Giao dịch chuyển khoản bất thường.
- Có người lạ tự xưng công an gọi điện, nhắn tin với nội dung đe dọa.
- Nạn nhân thể hiện tâm lý lo sợ, tránh tiếp xúc, lén lút sử dụng điện thoại.
Thủ đoạn lừa đảo được dàn dựng bài bản gồm 3 giai đoạn
Giai đoạn 1: Mạo danh cơ quan công quyền để tạo áp lực
- Các đối tượng sử dụng số điện thoại lạ, gọi trực tiếp cho nạn nhân.
- Tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án…
- Đưa ra cáo buộc bịa đặt như: liên quan đường dây rửa tiền, buôn ma túy, bị truy nã, có lệnh bắt giữ...
- Tạo tâm lý hoảng loạn, mất bình tĩnh cho nạn nhân.
Giai đoạn 2: Thao túng tâm lý, cô lập nạn nhân và moi tiền
- Yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật, không được kể với người thân
- Yêu cầu nạn nhân xoay sở và chuyển tiền
- Nếu nạn nhân không có tiền hoặc đã chuyển và không còn khả năng thì các đối tượng hướng dẫn thuê khách sạn một mình
- Cắt đứt liên lạc chỉ nghe điện thoại từ nhóm lừa đảo
- Nạn nhân lúc này rơi vào trạng thái sợ hãi, mất phương hướng, phụ thuộc hoàn toàn vào hướng dẫn của nhóm lừa đảo.
Giai đoạn 3: Lừa tiền từ gia đình
- Dựng kịch bản giả: bị bắt cóc, cần tiền xác minh tài chính, thi quốc tế…
- Ép nạn nhân gọi/video về nhà, diễn đúng vai diễn để tăng độ tin cậy
- Yêu cầu chuyển tiền: có thể yêu cầu chuyển vào tài khoản của chính nạn nhân để đánh lừa sự nghi ngờ. Sau đó, ép nạn nhân tiếp tục chuyển lại toàn bộ số tiền cho chúng.
- Khi nhận được tiền, cắt đứt liên lạc, để lại nạn nhân hoảng loạn, gia đình mất tài sản lớn.