Làm điều này mỗi sáng, cơ thể khỏe như uống thuốc bổ

![]() |
Thức dậy sớm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ảnh: Freepik. |
Thức dậy sớm vào buổi sáng có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng. Nó giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể và thiết lập lịch trình ngủ đều đặn. Điều này có thể dẫn đến chất lượng giấc ngủ tốt hơn và cơ thể phục hồi hiệu quả hơn.
Nhiều người nhận thấy họ làm việc hiệu quả hơn vào buổi sáng nhờ tinh thần sảng khoái và minh mẫn. Điều này có thể cải thiện hiệu suất và khả năng tập trung vào công việc. Bên cạnh đó, việc thức dậy sớm giúp bạn có thêm thời gian để bắt đầu ngày mới và góp phần mang lại tâm trạng tích cực hơn.
Dưới đây là những lợi ích mà bạn nên biết để bắt đầu tạo thói quen dậy sớm mỗi ngày.
Có thêm thời gian tập thể dục
Theo Hiệp hội Giấc ngủ Mỹ, việc chuyển sang lịch trình ngủ - thức sớm hơn có thể giúp bạn có thêm thời gian tập thể dục buổi sáng. Tập thể dục ngay từ sáng sớm sẽ giúp bạn loại bỏ cảm giác muốn bỏ tập vào cuối ngày sau thời gian dài làm việc mệt mỏi.
Tập luyện kích thích sản sinh endorphin, hormone giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng, lo âu và tăng cường năng lượng. Tập luyện buổi sáng đồng nghĩa với việc bạn có thể tận hưởng những lợi ích đó trong suốt cả ngày.
Tập thể dục thường xuyên thường được khuyến nghị như phương pháp điều trị ít tốn kém để có được giấc ngủ ngon và chất lượng hơn. Các nghiên cứu cho thấy so với tập thể dục buổi tối, tập thể dục buổi sáng cải thiện chất lượng giấc ngủ ở những người khó ngủ.
Ăn sáng thường xuyên
Thức dậy sớm hơn vào buổi sáng giúp bạn có thêm thời gian để chuẩn bị và thưởng thức bữa sáng lành mạnh, giàu dinh dưỡng, thay vì vội vã mua một tách cà phê và bánh mì ăn nhanh, thậm chí không ăn sáng.
Bắt đầu ngày mới với một bữa ăn bổ dưỡng có thể giúp bạn no lâu hơn, tràn đầy năng lượng cho cả ngày dài. Ngoài ra, những người ăn sáng thường cảm thấy tỉnh táo hơn vào buổi sáng và có xu hướng có tâm trạng tốt hơn những người bỏ bữa sáng.
Giúp bạn tập trung và giàu năng lượng
Theo Healthline, não bộ không thể thức dậy ngay lập tức, đó là lý do bạn có thể cảm thấy uể oải và mất phương hướng khi vừa thức dậy. Hiện tượng này được gọi là quán tính giấc ngủ. Quán tính giấc ngủ này là một phần thường xuyên của quá trình thức dậy.
Tuy nhiên, nó có thể kéo dài khoảng một giờ hoặc hơn, khiến bạn khó tập trung và hoàn thành công việc hơn nếu thức dậy quá gần giờ cần ra khỏi cửa. Vì vậy, thức dậy sớm hơn cho bạn thời gian để hoàn toàn tỉnh táo và tập trung hơn.
Ngoài ra, chất lượng giấc ngủ cao đồng nghĩa với năng lượng dồi dào hơn. Nếu đi ngủ sớm và có giấc ngủ ngon hơn, bạn có thể thức dậy với cảm giác sảng khoái và tươi mới hơn cho ngày mới.
![]() |
Dậy sớm vào buổi sáng giúp bạn giàu năng lượng và cải thiện sự tập trung. Ảnh: Sleep Foundation. |
Làn da khỏe mạnh hơn
Làn da của chúng ta trông đẹp nhất vào buổi sáng và việc ngủ đủ giấc vào ban đêm là rất quan trọng. Người dậy sớm có thêm lợi thế là đảm bảo làn da trông trẻ trung và năng động. Những người thức dậy sớm cũng có xu hướng có thói quen ngủ đều đặn, giúp đảm bảo làn da có đủ thời gian để tái tạo.
Giấc ngủ ngon có thể giúp duy trì làn da khỏe mạnh. Căng thẳng oxy hóa do thiếu ngủ có thể góp phần gây ra: mụn trứng cá, bệnh vẩy nến, viêm da dị ứng, lão hóa da. Đi ngủ và thức dậy sớm hơn cũng giúp bạn có nhiều thời gian hơn để chăm sóc da đúng cách, chẳng hạn rửa mặt, bôi kem dưỡng...
Tâm trạng tích cực hơn
Theo nhiều nghiên cứu, những người dậy sớm và đi ngủ đúng giờ sẽ thức dậy với tâm trạng và quan điểm sống tích cực, theo Only My Health. Nếu bạn ngủ ít nhất 7-9 tiếng mỗi ngày, điều này có thể giúp cải thiện tâm trạng. Việc ngủ không đủ giấc và dậy muộn có thể gây căng thẳng, khiến bạn có tâm trạng không tốt và cáu kỉnh vào buổi sáng.
Vì vậy, bạn nên thức dậy sớm vào buổi sáng để có cuộc sống ít căng thẳng và tích cực hơn.
Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học, mang tới kiến thức dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và đối phó với các bệnh trạng về tâm lý.