Lafufu đang càn quét thị trường

Ngoài Lafufu, Lababa và Lagogo cũng xuất hiện.
Khi giá cổ phiếu tiếp tục tăng và hàng nhái xuất hiện ngày càng nhiều, nhà sản xuất búp bê "xấu xí dễ thương", gã khổng lồ đồ chơi Trung Quốc Pop Mart đang thực hiện các bước để khẳng định lại quyền kiểm soát thương hiệu và khả năng kiếm tiền từ các sản phẩm phụ của nhân vật của mình.
Lafufu trở thành hiện tượng
"Lafufu", một phiên bản nhái Labubu do người hâm mộ và những người sản xuất hàng nhái sáng tạo đang ngày càng phổ biến. Trước tình hình đó, pháp nhân của Pop Mart, Công ty TNHH Văn hóa & Sáng tạo Pop Mart Bắc Kinh, đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho cái tên này vào ngày 7 tháng 7 vừa qua. Được đăng ký trong danh mục "thiết bị thể dục", đơn đăng ký hiện đang được xem xét, theo nền tảng thông tin doanh nghiệp Tianyancha.
“Lafufu” là sự kết hợp giữa “fake” (giả) (theo chữ f) và Labubu. Tên gọi này ban đầu là biệt danh đùa cợt của fan Labubu dành cho các phiên bản sao chép lậu của món đồ chơi này.
Nhưng khi "sự xấu xí" của Lafufu trở nên phổ biến và trở thành một hiện tượng văn hóa phụ riêng, Pop Mart không thể tiếp tục bỏ qua nó nữa.
Hu Jiamin, một luật sư tại Công ty luật Hunan Guochu, phát biểu với giới truyền thông địa phương rằng: "Về cơ bản, loại 'tự làm giả' này là một đòn tấn công phủ đầu".
Hu cho biết thêm rằng bằng cách đăng ký các từ ngữ hoặc hình ảnh có khả năng bị sao chép hoặc sử dụng trong các hành vi vi phạm bản quyền, các thương hiệu có thể hành động để bảo vệ mình khỏi tình trạng chiếm dụng nhãn hiệu và ăn theo nhãn hiệu, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi quyền trong tương lai.
Labubu - chú yêu tinh tinh nghịch, mắt to tròn lấy cảm hứng từ truyện tranh "Quái Vật" của họa sĩ Hồng Kông Kasing Lung đã thu hút một lượng fan hâm mộ cuồng nhiệt trên toàn cầu.
Tuy nhiên, bất chấp việc các cửa hàng mở cửa tại các thành phố lớn như Tokyo, London và Los Angeles, cùng mức giá bán lẻ chính thức tương đối thấp của Labubu từ 99 nhân dân tệ (350 ngàn đồng) trở lên, món đồ chơi này vẫn khó tìm do chiến lược tiếp thị "hộp mù" đầy mưu mẹo của Pop Mart. Sự khan hiếm này đã thúc đẩy nhu cầu, đến mức Labubu được nhắc đến ngang hàng với túi Birkin, và một thị trường thứ cấp bùng nổ đã phát triển.
Sự khan hiếm hàng cũng dẫn đến sự gia tăng hàng giả, phục vụ cho những người tiêu dùng mong muốn sở hữu đồ chơi nhưng không có đủ khả năng mua hàng thật.
Đến hàng giả cũng sản xuất không kịp
Nghĩa Ô, ở phía đông tỉnh Chiết Giang, nổi tiếng là trung tâm sản xuất toàn cầu về các mặt hàng nhỏ, nhanh chóng nổi lên như một thị trường chợ đen lớn cho các sản phẩm Lafufu, hay Labubu giả.
Nhưng vào ngày 9 tháng 6, Cục Giám sát Thị trường Thành phố Nghĩa Ô đã phát động chiến dịch truy quét trên toàn thành phố và buộc tất cả các sản phẩm Labubu giả phải rời khỏi kệ hàng. Sự thay đổi này đã thúc đẩy một số nhà cung cấp chuyển hướng sản xuất, chẳng hạn như sản xuất quần áo in hình Labubu.
“Labubu đang hot đến mức ngay cả các xưởng sản xuất hàng giả cũng không thể theo kịp. Đơn hàng bị tồn đọng hai tháng nay”, một nhà cung cấp ở Nghĩa Ô chia sẻ với truyền thông địa phương. “Nhưng sau cuộc thanh tra bất ngờ ngày 9 tháng 6 của cơ quan quản lý thị trường, mọi thứ đã bị hủy bỏ chỉ sau một đêm. Giờ đây, chúng tôi chỉ bán quần áo búp bê chính hãng - hợp pháp và tuân thủ quy định. Chúng tôi sẽ không vi phạm pháp luật nữa.”
Ngoài ra, dữ liệu do Hải quan Thượng Hải công bố cho thấy trong nửa đầu năm nay, thanh tra đã thu giữ tổng cộng 63.000 mặt hàng vi phạm nhãn hiệu và bản quyền của Pop Mart. Giá trị xuất khẩu đồ chơi qua cảng Thượng Hải từ tháng 1 đến tháng 5 vượt quá 8 tỷ nhân dân tệ, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàng giả Labubu thường được chia thành hai loại. Loại thứ nhất là hàng nhái chất lượng cao, giống hệt hàng thật về cả hình thức lẫn bao bì - một số thậm chí còn vượt qua được kiểm tra xác thực bằng mã QR. Những sản phẩm này thường có giá rẻ hơn một chút so với hàng thật, khoảng 60 nhân dân tệ (hơn 200 ngàn đồng) mỗi chiếc.
Loại thứ hai có đặc điểm là tay nghề thô hơn và giá thấp hơn đáng kể, thường từ 20 đến 30 nhân dân tệ (70 đến 110 ngàn đồng).
Được người dùng internet gọi một cách hài hước là "Lafufu", "Lababa" và "Lagogo", những phiên bản nhại lại này, đặc biệt là những phiên bản cấp thấp hơn, đã tự trở thành meme - không phải bất chấp vẻ ngoài xấu xí thái quá của chúng, mà chính là vì vẻ ngoài đó.
Một biến thể phổ biến là một chú chó robot bốn chân có thể đi lại, mặt cúi xuống và vẫy đuôi. Những biến thể khác có các đặc điểm không cân xứng khiến chúng có nụ cười kỳ quặc, cùng với việc thiếu tay hoặc chân, hoặc thậm chí là trọc hoàn toàn. Theo người hâm mộ, những khiếm khuyết này càng làm tăng thêm nét quyến rũ độc đáo của mỗi con búp bê và củng cố vị trí được yêu thích của chúng.
Trong những năm qua, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã tăng cường giám sát lĩnh vực sở hữu trí tuệ thông qua việc thực thi chặt chẽ hơn luật sở hữu trí tuệ, các cuộc trấn áp mạnh tay đối với hàng giả và các chiến dịch phối hợp có sự tham gia của cơ quan hải quan, cơ quan quản lý thị trường và các nền tảng thương mại điện tử. Những nỗ lực này không chỉ nhằm bảo vệ sự đổi mới và quyền lợi của người tiêu dùng mà còn thúc đẩy sự phát triển của các thương hiệu trong nước trên thị trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh.
Nguồn: Sixth Tone