Ký ức về con tàu 'không số' ở Hòn Hèo

Giữa biển trời Hòn Hèo lộng gió, có một con tàu nằm lại trong lòng biển cả: tàu C235 và 14 người lính mãi mãi không trở về. Họ đã ngã xuống trong hành trình sinh tử trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, để giữ trọn bí mật và bảo vệ độc lập cho Tổ quốc.
Hành trình cuối cùng của tàu C235
Theo tài liệu của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, tháng 3.1968, tàu "không số" mật danh C235 thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam theo tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau khi đến Hòn Hèo và thả xong hàng, tàu C235 bị địch phát hiện. Nhằm bảo vệ bí mật vị trí thả hàng, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh lập tức cho tàu rút khỏi vùng "đỏ".
Lúc này, tàu C235 bị 7 tàu và 3 máy bay của địch liên tục rọi đèn và bắn đuổi. Quân địch nã đạn liên tục vào tàu C235 khiến 5 chiến sĩ hy sinh và nhiều người bị thương.
Khi cách mũi Bà Nam khoảng 100 m, tàu C235 bị hỏng máy hoàn toàn, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh ra lệnh cho các đồng đội còn lại rời tàu, bơi vào bờ. Còn ông cùng thợ máy Ngô Văn Thứ ở lại chiến đấu tới viên đạn cuối cùng, rồi kích nổ bộc phá để hủy tàu, tránh lọt vào tay địch.
Lúc 2 giờ 40 sáng 1.3.1968, một cột lửa bùng lên giữa biển khơi, tiếng nổ vang dội đến tận Nha Trang. Tàu C235 chìm xuống đáy biển, mang theo linh hồn của những người con đã chọn cái chết để giữ trọn bí mật cách mạng.
Người gác sử bên biển
Hướng đến ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7), chúng tôi có dịp trở lại Hòn Hèo, nơi đặt bia tưởng niệm 14 chiến sĩ tàu "không số" C235 đã hy sinh năm 1968. Trong không gian tĩnh lặng bên bờ biển, thấp thoáng bóng dáng một người đàn ông lặng lẽ thắp nhang như thường lệ, đó là ông Lê Đức Hương (71 tuổi, ở P.Đông Ninh Hòa, Khánh Hòa), người đã hơn nửa đời canh giữ ký ức thiêng liêng nơi này.
Gặp chúng tôi, ông Hương nhẹ nhàng dẫn vào khu tưởng niệm, tay vẫn chưa rời bó nhang cháy đỏ. "Tôi quen rồi, thấy có người đến viếng là tự nhiên thắp nhang, như một thói quen hằng ngày", ông nói.
Ông kể lại, năm 1985, trong lúc khai hoang rẫy gần bờ biển, ông phát hiện những mảnh vỡ kim loại cùng súng ống, mũ, dép bộ đội vương vãi. Với kinh nghiệm sống và sự nhạy cảm của mình, ông nhận định đây không phải là tàu buôn mà là một con tàu quân sự.
"Đa số bà con cứ nghĩ đây là tàu buôn chìm. Nhưng khi tôi phát hiện súng ống, áo quần, mũ, dép văng lên bờ, tôi biết đây là tàu quân sự. Lúc đó, tôi không biết có bao nhiêu người đã hy sinh nên tôi đã lập một cái miếu nhỏ để thờ cúng", ông Hương bồi hồi kể lại.
Theo ông Hương, hiện tại, bộ khung của con tàu vẫn nằm trong lòng biển cả, cách bờ khoảng hơn 100 m và có thể nhìn thấy khi thủy triều xuống. Một phần cabin tàu, sau khi nổ, đã bay văng lên núi và được người dân gom lại, đặt trong nhà kính để làm kỷ vật lưu niệm.
Suốt nhiều năm liền, không chờ đợi sự hỗ trợ từ chính quyền, ông Hương lặng lẽ làm người gìn giữ ký ức. Năm 1986, ông lập một miếu thờ nhỏ, ngày ngày thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh. "Tôi làm bằng tâm. Đâu có ai bảo mình phải làm", ông nói giản dị.
Mãi đến sau này, khi cán bộ Hải quân Vùng 4 mang tài liệu của Bộ Quốc phòng đến, xác nhận đây chính là tàu C235 từng thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, ông mới xúc động bật khóc: "Lúc đó tôi vỡ òa, biết rằng mình không lầm. Bao nhiêu năm thắc mắc, cuối cùng cũng có câu trả lời. Lòng tri ân càng thêm sâu sắc".
Không chỉ thờ cúng, mỗi năm đến ngày các chiến sĩ hy sinh, ông Hương đều tự tay tổ chức một lễ tưởng niệm nhỏ. Khi có đoàn học sinh, sinh viên hay thanh niên về viếng, ông sẵn lòng đứng ra làm "hướng dẫn viên" để kể lại lịch sử.
"Tôi chỉ mong thế hệ trẻ sẽ không quên. Các em được sống trong hòa bình, phải nhớ đó là nhờ những người như các anh trên con tàu này đã ngã xuống…", ông Hương nghẹn giọng, mắt rưng rưng hướng về biển.
Từ trận chiến đến di tích quốc gia
Sau sự kiện bi tráng ngày 1.3.1968, tàu C235 được ghi nhớ như một biểu tượng bất tử. Đây là một trong những con tàu "không số" thực hiện nhiệm vụ đặc biệt chi viện cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 theo chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân VN.
Tàu C235 thực hiện hai chuyến đi trên đường Hồ Chí Minh trên biển. Chuyến đi đầu tiên, tàu chở 16 tấn vũ khí rời cảng căn cứ đi Hòn Hèo (Khánh Hòa). Mặc dù, tàu bị địch phục kích nhưng đã an toàn quay trở lại căn cứ. Tàu C235 được sơn màu khác và thay biển tên mới, được kiểm tra sửa chữa máy móc và sẵn sàng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Chuyến đi thứ hai cũng là chuyến đi cuối cùng của con tàu "không số" với mật danh C235. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng 13 đồng đội đã hy sinh trên vùng biển Hòn Hèo.
Ngày ấy, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh mới ở tuổi 35. Sự hy sinh của anh và đồng đội đã trở thành bất tử trong lực lượng Hải quân và quân dân cả nước. Ngày 25.8.1970, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Một đảo thuộc quần đảo Trường Sa - đảo Phan Vinh (tên cũ là Hòn Sập), cách TP.HCM khoảng 430 hải lý, được đặt theo tên anh, như một biểu tượng bất tử của lòng quả cảm nơi biển đảo quê hương.
Năm 1993, Lữ đoàn 125 Hải quân đã dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ tàu C235 tại bờ biển Hòn Hèo. Năm 2014, Bộ VH-TT-DL công nhận khu vực này là di tích lịch sử cấp quốc gia: địa điểm lưu niệm tàu C235 - đường Hồ Chí Minh trên biển.
Theo thạc sĩ Hoàng Quý, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, nhiều mảnh vỡ của tàu C235, được cho là một nửa thân tàu bay văng lên núi Bà Nam. Thời kỳ sau giải phóng, người dân ở khu vực này đã gom sắt vụn tàu C235 để bán phế liệu. Sau này, họ biết đó là con tàu lịch sử C235 nên đã trao tặng lại để bảo tồn.
"Trước khu tưởng niệm, chếch về phía tây khoảng 100 m là nơi tàu C235 đã nổ tung. Theo nhiều tài liệu, một nửa thân tàu vẫn còn nằm dưới đại dương và chưa được trục vớt", thạc sĩ Hoàng Quý cho hay.
Sự chiến đấu và hy sinh của 14 cán bộ, chiến sĩ tàu C235 là biểu tượng sáng ngời của tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" giữa trùng khơi - nơi kẻ thù có ưu thế tuyệt đối về lực lượng, khí tài. Họ đã chọn cái chết để giữ bí mật, bảo vệ độc lập cho Tổ quốc thân yêu.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, tàu vẫn nằm lại giữa biển Hòn Hèo. Những mảnh kim loại hoen gỉ, những câu chuyện tưởng chừng đã ngủ quên, nhờ những con người như ông Hương mà sống lại như ngọn hải đăng bất tử, nhắc nhở thế hệ hôm nay rằng: Hòa bình là điều không bao giờ có được một cách ngẫu nhiên.