Nhảy đến nội dung
 

Kinh nghiệm giải bài toán ‘sạc pin và đỗ xe’ của thủ phủ xe điện Nam Ninh

Nam Ninh - thành phố phía Nam Trung Quốc nổi tiếng với không gian xanh và khí hậu ôn hòa - đang trở thành biểu tượng mới cho cuộc cách mạng giao thông đô thị bằng xe điện hai bánh.

Xe máy điện 'phủ kín' thành phố Nam Ninh, Trung Quốc (Ảnh: Shutterstock)

Xe máy điện 'phủ kín' thành phố Nam Ninh, Trung Quốc (Ảnh: Shutterstock)

Với hơn 4,8 triệu xe điện lưu thông, vượt xa số lượng ô tô cá nhân, Nam Ninh được xem là "thủ phủ xe điện" của Trung Quốc, và có thể là hình mẫu cho các đô thị trên toàn cầu trong việc quản lý giao thông bền vững.

Thành phố "xanh" chuyển mình thành "vương quốc" xe điện

Nằm tại khu tự trị Quảng Tây, Nam Ninh từ lâu đã được mệnh danh là "thành phố xanh" nhờ hệ thống công viên, cây xanh và khí hậu cận nhiệt đới dễ chịu. Nhưng ít ai ngờ rằng, nơi đây đang dẫn đầu trong xu hướng phát triển và quản lý xe hai bánh điện, đặc biệt là dòng xe điện có tay ga - loại phương tiện đang dần thay thế xe máy xăng truyền thống tại nhiều thành phố Trung Quốc.

Theo số liệu mới nhất, tỷ lệ sở hữu xe điện ở Nam Ninh đã đạt mức đáng kinh ngạc: cứ 1,5 người dân thì có một chiếc xe điện. Thành phố này hiện có hơn 4,8 triệu xe điện đang lưu hành - con số vượt xa cả lượng ô tô cá nhân và xe máy chạy xăng.

Sự trỗi dậy của xe điện tại Nam Ninh không phải ngẫu nhiên. Từ những năm 1990, thành phố này đã nổi tiếng là "thành phố của xe máy", khi xe gắn máy truyền thống gần như là phương tiện chính của người dân. Tuy nhiên, hệ lụy về khí thải, an toàn giao thông và tắc nghẽn đã khiến chính quyền buộc phải cấm đăng ký mới xe máy từ năm 2002. Từ đó, xe điện trở thành lựa chọn thay thế lý tưởng: nhẹ hơn, rẻ hơn, thân thiện môi trường và linh hoạt trong đô thị.

Sự bùng nổ xe điện đặt ra yêu cầu cấp thiết về hạ tầng và quản lý giao thông mới. Nam Ninh đã tiên phong thiết kế lại mạng lưới giao thông để ưu tiên cho xe hai bánh và người đi xe đạp.

Trên các trục giao thông chính, thành phố xây dựng làn đường riêng cho xe không động cơ, rộng từ 3 mét trở lên, có dải phân cách và biển báo rõ ràng. Tại các điểm giao cắt đông đúc, hệ thống tín hiệu đèn giao thông được tối ưu để tránh xung đột giữa xe điện và xe ô tô. Các nhà chờ xe buýt cũng được thiết kế sao cho không ảnh hưởng đến luồng xe điện.

Thành phố còn đầu tư xây dựng hàng loạt đường hầm và cầu vượt dành riêng cho xe hai bánh, giúp tách biệt hoàn toàn dòng xe điện với phương tiện cơ giới, giảm nguy cơ va chạm và nâng cao an toàn cho người dân.

Với hàng triệu xe điện hoạt động mỗi ngày, việc tìm kiếm chỗ đỗ và sạc điện trở thành thách thức lớn. Nam Ninh đã nhanh chóng đưa ra giải pháp: xây dựng hệ thống trạm sạc công cộng tại các khu dân cư, đặc biệt là những khu phố cũ thiếu không gian, kết hợp với bãi đỗ xe điện bên ngoài.

Tại các khu chung cư mới, trạm sạc được tích hợp vào quy hoạch ban đầu. Ở các khu dân cư cũ, chính quyền phối hợp với doanh nghiệp và ban quản lý tòa nhà để lắp đặt trạm sạc hoặc các cột sạc di động. Đối với các tài xế giao hàng - nhóm sử dụng xe điện với tần suất cao, thành phố khuyến khích mở rộng mô hình trạm đổi pin nhanh để tiết kiệm thời gian và giảm tải áp lực lên lưới điện.

Đặc biệt, để tối ưu hóa không gian đường phố, nhiều nơi đã chuyển đổi bãi đỗ ô tô sang bãi đỗ xe hai bánh. Một chỗ đỗ ô tô có thể chứa tới 8 xe điện, giúp tiết kiệm diện tích và tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị.

Mô hình đáng học hỏi cho các thành phố toàn cầu

Không chỉ dừng lại ở hạ tầng, Nam Ninh còn xây dựng hệ thống pháp lý vững chắc để điều tiết sự phát triển của xe điện. Từ năm 2013, thành phố đã triển khai hệ thống đăng ký bắt buộc đối với xe điện. Đến năm 2020, "Quy định quản lý xe đạp điện thành phố Nam Ninh" chính thức có hiệu lực, điều chỉnh toàn diện việc sản xuất, lưu hành, sạc, đỗ xe và hành vi của người sử dụng.

Cảnh sát giao thông thành phố cũng triển khai các chiến dịch giáo dục cộng đồng, kiểm tra an toàn, phát mũ bảo hiểm miễn phí và xử phạt hành vi vi phạm. Tại các nút giao thông trọng điểm, cảnh sát thiết lập "điểm học tập" - nơi người vi phạm được hướng dẫn lại quy tắc giao thông. Nhờ đó, tỉ lệ đội mũ bảo hiểm và ý thức chấp hành luật đã cải thiện rõ rệt.

Nam Ninh còn chú trọng truyền thông, lắp đặt biển báo hướng dẫn thân thiện, tổ chức các chương trình giáo dục giao thông cho học sinh, sinh viên, và các nhóm cộng đồng.

Kinh nghiệm của Nam Ninh cho thấy, để phát triển xe điện bền vững, cần sự phối hợp đồng bộ giữa quy hoạch đô thị, pháp luật, công nghệ và giáo dục. Với chiến lược rõ ràng, thành phố đã đưa quyền ưu tiên của xe hai bánh lên hàng đầu trong thiết kế đô thị, đồng thời bảo đảm trật tự giao thông và an toàn cho người dân.

Nam Ninh đang dần trở thành mô hình mẫu cho các đô thị khác trên thế giới trong bối cảnh nhiều nước đang nỗ lực giảm khí thải, chống ô nhiễm và phát triển giao thông xanh. Các thành phố lớn như Jakarta, Hà Nội, hay New Delhi - nơi xe máy vẫn là phương tiện chủ đạo - có thể học hỏi Nam Ninh trong việc xây dựng mạng lưới hạ tầng riêng cho xe điện, đổi mới chính sách sạc pin và đỗ xe, cũng như cải cách pháp lý và giáo dục cộng đồng.


 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn