Kiểu bơi nào tăng cơ hội sống sót khi gặp sự cố ở sông, hồ, biển?

Bơi trên sông, hồ, biển vốn đã luôn khác xa so với việc bơi trong hồ nhân tạo. Và để đề phòng việc gặp phải sự cố ở biển, sông, hồ, bạn sẽ phải làm quen với khái niệm "bơi sinh tồn".
Bơi sinh tồn là gì?
"Survival swimming" (bơi sinh tồn) được xem là kỹ năng bơi lội cực kỳ quan trọng với những người làm việc trong ngành hàng hải hoặc cứu hộ. Mục đích của kỹ năng bơi này là giúp bạn có thể kịp thích nghi nhanh nhất một khi có sự cố xảy ra.
Trước tiên là nhóm kỹ thuật cốt lõi được đánh giá cao:
Drownproofing - nổi tĩnh sinh tồn: phương pháp này do Fred Lanoue - HLV nổi tiếng tại Học viện công nghệ Georgia Tech phát triển từ những năm 1940 và trở thành môn học bắt buộc tại đây.
Kỹ thuật này cho phép người bơi thả lỏng toàn thân, gập nhẹ như hình chữ “C”, giữ thân lơ lửng ngay dưới mặt nước chỉ chờ đến khi cần thở mới ngoi lên nhanh và lại chìm xuống. Nghiên cứu ghi nhận người bình thường giữ nổi bằng cách này trong hàng giờ, thậm chí hơn 24 giờ nếu tỉnh táo.
Survival breaststroke - bơi ếch đầu nổi: đây là biến thể của bơi ếch dùng trong huấn luyện của Bộ Quốc phòng Mỹ, giữ đầu trên mặt nước để quan sát và hít thở dễ dàng.
Không có nhiều khác biệt giữa kiểu bơi này so với bơi ếch truyền thống. Trọng tâm của kiểu bơi này là luôn giữ đầu trên mặt nước, thay vì ngoi lên ngụp xuống như bơi ếch truyền thống.
Sidestroke - bơi nghiêng: kỹ thuật này phổ biến trong huấn luyện quân sự nước Mỹ (US Army – TC 21‑21) và lực lượng lính thủy quân lục chiến.
Người bơi nghiêng cơ thể, dùng tay đá quạt và chân “cắt-kéo” (scissor kick), tay phía trên điều khiển hướng, tay phía dưới cung cấp lực đẩy.
Head-up front crawl - bơi sải giữ đầu nổi: kỹ thuật sải biến thể này tương tự với survival breaststroke, và vẫn đảm bảo tốc độ cao nhưng giữ đầu trên mặt, được khuyên dùng trong nhiều huấn luyện cứu hộ.
Quan trọng là tình huống
Ngay khi thuyền lật
Chuyên gia bơi sinh tồn Trev Hollenbeck (Mỹ) - chuyên gia về drownproofing - nhấn mạnh: "Khi bị lật thuyền, chìm tàu, và chưa xác định được hướng bờ gần đó, điều quan trọng nhất là bạn phải tuân theo nguyên tắc ở lại gần thuyền, bám vào một vật nổi, và chờ đợi khả năng cứu hộ.
Trong trường hợp này, drownproofing là lựa chọn tốt nhất. Hãy dùng phương pháp này để không bị chìm, chờ cơ hội tóm được một vật nổi gần nhất. Nếu buộc phải bơi đến một nơi nào gần đó, hãy dùng survival breaststroke hoặc sidestroke, bảo toàn năng lượng trong giai đoạn đầu".
Khi gặp mưa bão, dòng nước mạnh
Tình huống này thường được đưa ra trong chương trình huấn luyện hải quân Mỹ, chiến thuật hợp lý là sử dụng survival breaststroke và sidestroke để bơi trong điều kiện sóng, rác và dầu trôi nổi.
Nhưng hãy nhớ bắt đầu bằng drownproofing để ổn định hơi thở, giữ nhịp cho chân, sau đó chuyển sang survival breaststroke để di chuyển chậm mà ổn định. Khi cần tốc độ, có thể chuyển sang sidestroke.
Trong điều kiện thuận lợi và cần tự bơi đến bờ
Nếu thấy rõ hướng bờ, tốc độ là tiêu chí, chuyên gia Mỹ khuyến nghị dùng head-up front crawl - tốc độ cao mà vẫn giữ tầm nhìn.
Dù vậy, đây vẫn chỉ là hành động được khuyến khích cho nhân viên cứu hộ hoặc thủy thủ - những người đã quá quen với việc đối phó các tình huống trên sông nước.
Trong trường hợp đang bơi và cảm thấy mệt, bạn có thể chuyên sang kiểu drownproofing để kéo dài sức lực.
Sau tất cả, có 2 yếu tố tiên quyết cần nhớ khi gặp sự cố, đó là cố gắng bám vào một vật nổi; và nếu phải bơi - cần giữ đầu nổi.
Việc để đầu chìm, dù giúp giảm cản lực trong bơi thể thao, lại có thể gây lúc ngớp nước, nhầm lẫn hướng, va vào vật cản - cực kỳ rủi ro khi dòng nước lũ, sóng, rác tràn đều có khả năng gây khó dễ cho bạn.
Tất nhiên, những lời khuyên kể trên chỉ mới là huấn luyện cơ bản cho kỹ năng bơi sinh tồn. Khi bất trắc xảy ra ngoài đời thực, còn có vô vàn những yếu tố tác động đến như nhiệt độ, quần áo, sức gió...
Nhưng để đề phòng, nếu đã biết bơi - bạn nên đề phòng trường hợp xấu bằng cách trang bị thêm những kiểu bơi biến thể kể trên.