Khu đô thị ở TPHCM la liệt biệt thự bỏ hoang, tràn ngập biển rao bán 'nhà ngộp'

Gần 20 năm sau khởi công, khu đô thị Đông Tăng Long phía đông TPHCM vẫn vắng bóng cư dân, biệt thự hoang hóa dù giá nhà không ngừng tăng.
"Mua bán, cho thuê nhà đất", "Nhà ngộp cần bán gấp", "Có nhà rẻ nhất khu vực"... là nội dung các bảng quảng cáo treo la liệt trước những căn biệt thự, nhà phố ở Khu đô thị Đông Tăng Long (phường Long Phước, TPHCM).
Khu đô thị Đông Tăng Long được khởi công từ năm 2005, do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Dự án nằm bên đường Nguyễn Duy Trinh, cách trung tâm TPHCM khoảng 20 km. Với quy mô gần 160 ha, dự án được quy hoạch thành nhiều phân khu chức năng như khu căn hộ phức hợp, chung cư, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí và thể thao.
Ngay từ khi khởi động, dự án từng được kỳ vọng sẽ trở thành khu đô thị hiện đại ở cửa ngõ phía Đông TPHCM, góp phần giãn dân cho nội thành. Tuy nhiên, sau gần hai thập kỷ, nơi đây vẫn trong tình trạng hoang vắng, thưa thớt cư dân.
Khảo sát của VietNamNet tháng 7/2025 cho thấy chưa đến 1/10 số bất động sản đã có người ở. Dù tỷ lệ cư dân rất thấp, giá bất động sản tại dự án vẫn tăng đều. Theo một trang chuyên về BĐS, giá rao bán từ tháng 6/2024 đến 6/2025 tăng 11,3%, hiện phổ biến ở mức 77,9 triệu đồng/m². So với năm 2020, giá tăng 59,6% – tức một căn nhà 5 tỷ đồng nay đã gần 8 tỷ.
Dữ liệu cho thấy, đất nền đang được rao bán giá 55-65 triệu đồng/m², nhà phố liền kề khoảng 75 triệu đồng/m², biệt thự từ 70-80 triệu đồng/m². Một căn biệt thự 400 m² hiện được chào giá 31 tỷ đồng.
Hàng loạt biệt thự, nhà phố xây xong bị bỏ hoang, cỏ dại mọc kín lối đi.
Nhiều căn nhà được cho thuê tầng trệt để buôn bán nhỏ lẻ, hoặc tận dụng làm nơi chứa đồ. Một số khu vực xung quanh xuất hiện rác thải, cỏ mọc um tùm. Hàng rào, tủ điện, lớp sơn tường tại nhiều dãy nhà đã xuống cấp, hoen ố theo thời gian.
Phần lớn các căn nhà không người ở tại đây đều treo bảng cho thuê nhưng khá vắng khách.
Nhiều hộ dân còn tận dụng đất trống để chăn bò, buộc đơn vị quản lý phải dựng biển “Cấm chăn, thả gia súc”.
Một căn nhà cắt ngang tuyến đường trong khu vực dự án. Theo Quyết định 2042 năm 2007 của UBND TPHCM, dự án còn có 3.000 căn hộ chung cư cao 12-25 tầng. Tuy nhiên đến nay, chưa một khối chung cư nào được triển khai, nhiều khu đất quy hoạch vẫn để trống.
Bên trong khu vực dự án, hàng chục sàn giao dịch bất động sản lớn nhỏ hoạt động, treo bảng rao bán đất nền, nhà phố cùng sơ đồ quy hoạch dày đặc. Tuy nhiên, giao dịch tại đây khá trầm lắng. Môi giới tại khu vực này cho biết, phần lớn người mua là nhà đầu tư, chủ yếu nhằm mục đích sang nhượng, khiến tỷ lệ cư dân thực sự đến sinh sống rất thấp.
Khu đô thị nằm ở cửa ngõ Đông Nam TPHCM, tiếp giáp các trục đường chính như Vành đai 3, Nguyễn Duy Trinh, Lã Xuân Oai, Liên Phường. Tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 1,23 triệu m², gồm 1.255 nền nhà liền kề có sân vườn, 1.145 nền nhà vườn liền kề, 268 biệt thự và 44 đơn nguyên chung cư.
Tháng 4/2020, HUD thông báo chuyển nhượng hơn 64.000 m² đất tại 7 ô đất công cộng trong dự án, gồm 4 ô đất xây trường mầm non, 2 ô đất trường tiểu học và 1 ô đất hành chính - văn hóa - y tế - bưu điện.