Không để thủ tục làm chậm bước doanh nghiệp

Hàng tấn rau quả đã phải tiêu hủy vì không thể chờ đến lúc có hướng dẫn để xuất khẩu qua châu Âu theo kế hoạch. Đáng nói, đã hơn nửa tháng trôi qua đến nay, các doanh nghiệp vẫn như ngồi trên đống lửa vì chưa biết đến lúc nào có hướng dẫn.
Đó là tình trạng hàng thực phẩm xuất khẩu sang châu Âu tại TP.HCM hiện nay. Nguyên nhân là ngày 1.7, EU bắt buộc giấy chứng nhận phải do cơ quan nhà nước của VN cấp, thay vì doanh nghiệp tự thực hiện hoặc thông qua bên thứ ba như trước. Việc cấp giấy trước đây thuộc chức năng của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, nhưng hiện tại thẩm quyền này đã được chuyển giao cho chủ tịch UBND cấp tỉnh, cụ thể là Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Trong công văn gửi doanh nghiệp và Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Cục khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Sở hoàn thành thủ tục này. Sở cũng thừa nhận đã nhận được công văn của Cục và cũng đã có công văn khẩn đề nghị hướng dẫn... Mới nhất, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị VN đã gửi công văn tới Bộ Nông nghiệp - Môi trường, kiến nghị Bộ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; sửa đổi, bổ sung các quy định trong phân cấp, phân quyền các thủ tục hành chính để đảm bảo phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Bên sẵn sàng, bên thì khẩn mà không hiểu sao đến giờ "giấy thông hành" cho ớt, thanh long, đậu bắp và mới nhất là hồ tiêu... vẫn tắc. Đáng nói, trong khi các cơ quan chờ nhau, hay hồ tiêu cũng có thể "rốn" thêm được thì thanh long và nhiều loại trái cây, rau quả khác lại không thể, cứ tới ngày là chín, không xuất kịp thì chỉ có hư hỏng và đổ bỏ. Chuyện này đã xảy ra và nếu còn kéo dài thì có thể còn nhiều tấn hàng có nguy cơ bị loại vì chờ... hướng dẫn. Đáng lo hơn, không chỉ rau quả không chờ được hướng dẫn, các đối tác cũng không chờ ta. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thị trường, về đơn hàng hiện nay, chậm trễ là mất lượt, chậm hơn nữa là mất bạn hàng, thậm chí là thị trường. Vậy ai chịu trách nhiệm cho những thiệt hại này?
Vẫn biết trong quá trình chuyển giao công việc, sắp xếp bộ máy... có rất nhiều bối rối, vướng mắc. Những quy trình, quy chuẩn liên quan đến an toàn thực phẩm càng phải thận trọng, nhưng rõ ràng việc phối hợp giải quyết cấp giấy "thông hành" cho nông sản xuất khẩu đang lòng vòng, chậm trễ và doanh nghiệp đang hết sức sốt ruột, hết sức lo lắng.
Cũng cần phải nhắc thêm là các loại nông sản đang tắc đường sang châu Âu toàn lĩnh vực tỉ USD. Đơn cử hồ tiêu năm 2024 mang về kim ngạch hơn 1,3 tỉ USD. Còn rau quả là điểm sáng trong bản đồ xuất khẩu năm 2024 khi lần đầu tiên về đích với doanh số 7,12 tỉ USD, tăng 27,1% so với năm 2023. Đây là thành quả cho nỗ lực không ngừng của nông dân và doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước trong việc đàm phán mở cửa thị trường, tổ chức sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe của thị trường quốc tế.
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 8%, chúng ta cũng nỗ lực tinh gọn bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí trung gian, nâng cao hiệu quả để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Lẽ nào chỉ vì thủ tục, chỉ vì quá trình chuyển giao mà làm chậm bước cả một ngành hàng xuất khẩu?