Nhảy đến nội dung
 

Không chỉ TP.HCM hay Hà Nội, chợ truyền thống cả nước đều cần kiểu bán hàng qua livestream

Mô hình bán hàng online tại chợ truyền thống đã có ở một số tỉnh thành. Việc này cần được nhân rộng nhanh, không chỉ vì giữ khách cho chợ mà chính là cách bảo vệ người tiêu dùng, chống thất thu thuế.

Kinh doanh online phát triển mạnh như một hệ quả tất yếu của làn sóng số hóa và thói quen tiêu dùng thay đổi. Không cần thuê mặt bằng, không cần đăng ký kinh doanh, chỉ với một chiếc điện thoại và vài chục phút livestream, hàng triệu người đã có thể bán hàng và thu lợi nhuận lớn.

Tuy nhiên phía sau sự tiện lợi và phát triển này lại là một khoảng trống ngày càng lớn trong công tác quản lý thuế, kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo vệ người tiêu dùng và bảo đảm sự công bằng trong môi trường kinh doanh.

Chợ chịu thua shop "chui"

Trong khi đó, những ngôi chợ truyền thống tồn tại trong cảnh ngày càng đìu hiu, trống trơn, tiểu thương bỏ sạp ngày càng nhiều, không thể cạnh tranh được với giá rẻ từ các shop online "chui".

Đã đến lúc cần mở ra một hướng đi mới, tái thiết mô hình thương mại nhỏ lẻ theo hướng bền vững và trách nhiệm hơn. Trong đó mô hình chợ truyền thống ứng dụng công nghệ số đang là lựa chọn được nhiều địa phương và nhà quản lý tính đến.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thuế, trong năm 2024 cả nước ghi nhận hơn 300.000 cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với số thu thuế ước đạt khoảng 2.500 tỉ đồng, tức chỉ bằng khoảng 2% so với tổng doanh thu ước tính từ thương mại điện tử cả năm là 116.000 tỉ đồng. Đáng chú ý cả nước hiện chỉ có hơn 76.000 cá nhân chính thức được ghi nhận hoạt động kinh doanh qua nền tảng số.

Qua rà soát, hơn 30.000 trường hợp bị phát hiện có vi phạm nghĩa vụ thuế, với tổng số thuế truy thu và xử phạt lên tới hơn 1.225 tỉ đồng. 

Thực tế cho thấy nhiều người bán hàng online qua Facebook, TikTok, Zalo... không đăng ký hộ kinh doanh, không phát hành hóa đơn, không sử dụng tài khoản ngân hàng doanh nghiệp mà giao dịch hoàn toàn bằng hình thức chuyển khoản cá nhân hoặc COD.

Điều này tạo ra tình trạng thất thu thuế trầm trọng, gây mất bình đẳng trong cạnh tranh với các tiểu thương đang tuân thủ quy định pháp luật tại các chợ, trung tâm thương mại. Nhiều địa phương đã lên tiếng về hiện tượng này.

Kinh doanh online tự phát còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Chất lượng hàng hóa không kiểm soát được, người tiêu dùng không biết khiếu nại ở đâu khi bị lừa, hàng giả hàng nhái tràn lan. Những vụ việc "livestream lừa đảo", hàng kém chất lượng nhưng được tẩy trắng bằng người nổi tiếng ngày càng xuất hiện dày trên báo chí.

Thương mại điện tử đáng lẽ phải là cú hích cho sự minh bạch nhưng trong bối cảnh luật chơi chưa đồng bộ, nó đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự trốn tránh trách nhiệm.

"Sân chơi" mới, công bằng hơn

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến đã đề xuất một hướng tiếp cận mới: khuyến khích mô hình chợ truyền thống có ứng dụng công nghệ số. Đây là một mô hình kết hợp giữa thương mại truyền thống và công nghệ số.

Mô hình này được xem như là sự điều chỉnh để đưa hoạt động thương mại nhỏ lẻ trở lại quỹ đạo quản lý, giữ được nét văn hóa giao thương trăm năm gắn bó với người dân Việt Nam.

Thực tế, mô hình chợ truyền thống ứng dụng công nghệ đã manh nha hình thành ở một số nơi như TP.HCM, Cần Thơ, Hà Nội...

Thay vì để tiểu thương đơn độc chuyển sang môi trường online, chính quyền địa phương đã tổ chức các phiên chợ livestream tại chỗ, hỗ trợ sạp hàng được lắp camera, đèn chiếu sáng, đường truyền Internet mạnh, nhân viên kỹ thuật hướng dẫn cách quay video, phát trực tiếp.

Mỗi gian hàng được cấp mã số định danh, liên kết với hệ thống hóa đơn điện tử, ví điện tử và tài khoản ngân hàng chính danh.

Tiểu thương có thể livestream ngay tại sạp hàng vẫn bán được cho khách hàng ở xa mà không rơi vào tình trạng "vô hình" trước cơ quan quản lý. Đây là bước tiến thực tế, khả thi và cho thấy chợ không hề lỗi thời. Chợ chỉ cần một chiếc áo mới để đồng hành với khách trong thời đại số.

Điểm sáng của mô hình này là khả năng tạo ra một không gian thương mại "có địa chỉ" cho hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ. Khi có địa chỉ thì có thể giám sát, có thể bảo vệ, có thể hỗ trợ. Tiểu thương nếu tuân thủ tốt sẽ được cấp tín chỉ tích lũy, từ đó có cơ hội tiếp cận vốn vay, bảo hiểm xã hội tự nguyện, các chương trình khuyến mãi công.

Người tiêu dùng khi mua hàng online qua sạp livestream tại chợ sẽ nhận được hóa đơn, đảm bảo quyền lợi khi phát sinh tranh chấp. Nhà nước có thể thu được thuế, nâng cao kỷ cương thương mại và giảm gánh nặng kiểm tra thủ công.

Quan trọng hơn, mô hình này tạo ra một "sân chơi" công bằng giữa online và offline, giữa tự phát và chính danh.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn