Khơi thông mạch nguồn văn hóa để phát triển bản làng

Phát huy giá trị bản sắc văn hóa không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, mà còn tạo động lực cho sự phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Khi văn hóa được khơi đúng mạch nguồn, chính là lúc bản làng vươn lên mạnh mẽ, đầy bản sắc.
Đưa chính sách vào đời sống
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 17 trong đó nhấn mạnh, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần vững chắc mà còn là động lực nội sinh quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Nghị quyết chỉ rõ, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS được xem là trụ cột then chốt, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết và nâng cao sức mạnh con người Quảng Ninh.
Triển khai Nghị quyết 17 của Tỉnh ủy Quảng Ninh, các chính sách đặc thù, phù hợp với từng địa phương đã được ban hành nhằm khơi dậy, giữ gìn và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống. Nổi bật là đầu tư phục dựng và tôn tạo các di tích văn hóa lâu đời, tổ chức lễ hội, ngày hội văn hóa đặc sắc của các dân tộc...
Không dừng ở định hướng, nhiều địa phương đã cụ thể hóa thành hành động thiết thực. Tại huyện Bình Liêu, hàng loạt lễ hội truyền thống như hội Soóng cọ, hội Đình Lục Nà được khôi phục, tổ chức thường niên, trở thành không gian sinh hoạt cộng đồng, điểm đến thu hút du khách.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Hoàng Ngọc Ngò cho biết, với cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, trong năm 2025, huyện tập trung đẩy mạnh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa qua việc tổ chức các lễ hội, ngày hội đặc sắc; duy trì hoạt động 40 câu lạc bộ nghệ thuật dân gian...
“Xác định phát triển kinh tế dựa vào 3 trụ cột là thiên nhiên - văn hóa - con người, huyện Bình Liêu tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tình yêu của nhân dân với văn hóa truyền thống, huy động sức mạnh nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy các vốn quý về văn hóa, coi đây là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực cho du lịch phát triển bền vững”, ông Ngò nói.
Phát huy vai trò “người truyền lửa”
Trên hành trình gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, ngày càng có nhiều nghệ nhân, người có uy tín tình nguyện truyền dạy, phục dựng các giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ. Họ chính là “người giữ hồn” văn hóa – những người lặng thầm nối nhịp quá khứ với hiện tại.
Ông Triệu Thanh Xuân, nghệ nhân người Dao Thanh Phán ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, là một trong số ít người am hiểu sâu sắc các nghi lễ truyền thống như nhập đồng nhảy lửa, lễ cưới, lễ cấp sắc và hát Páo Dung. Ông đã miệt mài truyền dạy chữ Nôm Dao, biên soạn tài liệu, sưu tầm và sáng tác nhiều bài hát dân tộc.
Dù gặp nhiều khó khăn trong việc truyền dạy, ông luôn giữ vững tâm huyết gìn giữ vốn văn hóa quý báu cho thế hệ mai sau. Năm 2019, ông được vinh danh Nghệ nhân Dân gian Việt Nam.
“Nhiều học trò muốn và đã theo học nhưng không tiếp thu được, giờ cũng mới chỉ được mấy người thôi. Bằng kinh nghiệm, kiến thức vốn có của mình, tôi luôn tâm niệm sẽ cố gắng hết sức trao truyền các giá trị văn hóa mà mình biết cho thế hệ sau để giữ gìn", ông Xuân trải lòng.
Văn hóa không chỉ là niềm tự hào mà còn là sợi dây kết nối cộng đồng, tạo nền tảng vững bền cho phát triển. Kể từ khi Nghị quyết 17 được triển khai, nhiều địa phương đã có bước chuyển mình rõ nét.
Tại xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, nơi dân tộc Dao chiếm gần 60%, mô hình du lịch gắn liền với bảo tồn văn hóa đã phát huy hiệu quả.
Tổ hợp tác cộng đồng Dao Thanh Y ra đời đầu năm 2024 là điểm sáng tiêu biểu. Gia đình ông Trương Văn Dương ở xóm Gốc Đa đã góp phần đưa văn hóa Dao đến gần hơn với du khách, biến những giá trị truyền thống thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
“Chúng tôi đã được chính quyền địa phương tổ chức cho đi tham quan những bản làng của người DTTS biến văn hóa thành sản phẩm du lịch về học hỏi, đúc rút kinh nghiệm và làm nhiều dịch vụ như ngâm chân, tắm thảo dược của đồng bào Dao Thanh Y và phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách với những món ăn làm từ nguyên liệu tại chỗ, chế biến theo cách riêng của người Dao”, ông Dương chia sẻ.
Có thể khẳng định, Nghị quyết số 17 đã khơi dậy một mạch nguồn văn hóa bền bỉ từ trong lòng cộng đồng các DTTS. Việc phát huy giá trị bản sắc văn hóa không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, mà còn tạo động lực cho sự phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Khi văn hóa được khơi đúng mạch nguồn cũng chính là lúc bản làng “vươn lên” một cách mạnh mẽ, đầy bản sắc.
Mỹ Dung