Nhảy đến nội dung
 

"Khi có bão, giông lốc, tốt nhất hãy tắt điều hòa ngay": Chuyên gia giải thích lý do

Không phải ai cũng biết lý do cho việc cần tắt điều hòa ngay khi thời tiết có bão lớn, giông lốc.

Trong bối cảnh cơn bão số 3 - báo Wipha đã và đang quét qua nhiều quốc gia châu Á và sắp tới là đổ bộ vào Việt Nam, người dân được khuyến khích chủ động có các phương án ứng phó với bão để bảo vệ tài sản. Trong đó, có một việc làm không phải ai cũng biết, đó là: Khi xảy ra giông lốc hay bão lớn, tốt nhất các gia đình hãy tắt ngay chiếc điều hòa nhà mình.

Vậy tại sao cần thực hiện công việc này, nó mang ý nghĩa thế nào? Nếu không thực hiện, hậu quả để lại sẽ là gì? Dưới đây là giải thích từ các chuyên gia.

Vì sao cần tắt điều hòa khi có giông bão?

Nhiều người cho rằng điều hòa lắp trong nhà, sử dụng điện dân dụng, không liên quan gì đến nguy cơ từ giông sét. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế đã chỉ ra điều ngược lại. Trên trang The Spruce (Mỹ), Anthony Weinburg – giảng viên hệ thống điều hòa tại Trường Cao đẳng Fortis – nhấn mạnh rằng việc để điều hòa hoạt động trong lúc sấm sét có thể gây thiệt hại nặng.

Theo ông, các đợt sét đánh gần nhà có thể tạo ra dòng điện tăng áp đột ngột, lan truyền qua hệ thống dây điện và làm hỏng máy nén, tụ điện hoặc bảng mạch điều khiển của máy lạnh. Dù có lắp thiết bị chống sét, người dùng vẫn được khuyên nên tắt hoàn toàn điều hòa – không chỉ bằng điều khiển mà cả qua cầu dao – để cách ly thiết bị khỏi nguồn điện.

HVAC.com - một chuyên trang chia sẻ các vấn đề về điều hòa cũng đồng tình với quan điểm này - khi cho biết rằng sét đánh vào đường điện trong khu vực có thể tạo ra "cú sốc điện" đủ mạnh để làm cháy toàn bộ bảng mạch của điều hòa. Thậm chí, nhiều công ty kỹ thuật như GenZ-Ryan, Watkins Heating & Cooling tại Mỹ còn ghi nhận các trường hợp sét đánh làm cháy nổ thiết bị điện tử trong nhà dù không có va chạm trực tiếp.

Lý do cho những hậu quả nặng nề nếu người dùng không tắt điều hòa trong trường hợp giông bão, đó là thiết bị làm mát này dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, do có bộ phận cục nóng được đặt ngoài trời. Khi thời tiết có mưa giông, cục nóng sẽ tiếp xúc trực tiếp với nước mưa, gió và dòng điện lan truyền từ môi trường.

Nếu hoạt động trong điều kiện điện chập chờn lúc trời có giông bão, thiết bị còn đối mặt với nguy cơ thủy kích, hỏng bo mạch và cháy tụ điện – những lỗi có thể khiến gia chủ tốn một khoản chi phí lớn để sửa chữa, thậm chí gây mất an toàn cho thiết bị và chính người dùng.

Chính vì vậy tốt hơn hết, để bảo vệ điều hòa một cách tối ưu, khi thời tiết xuất hiện giông bão lớn, hãy tắt thiết bị bằng cách ngắt cầu dao, aptomat. Đến khi thời tiết ổn định, người dùng có thể sử dụng lại bình thường.

Thiết bị điện khác cũng cần được bảo vệ

Trong thời tiết cực đoan, ngoài điều hòa thì tất cả thiết bị điện trong nhà đều đối mặt với nguy cơ bị hư hỏng nếu người dùng không chủ động ngắt nguồn. Các chuyên gia từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhiều lần khuyến cáo: Người dân nên rút phích cắm hoặc ngắt cầu dao toàn bộ các thiết bị quan trọng khi mưa giông, bão lớn xuất hiện.

Tivi, máy tính, tủ lạnh, lò vi sóng, máy bơm nước hay router Wi-Fi – tất cả đều là những thiết bị có bảng mạch nhạy cảm, dễ bị hỏng nếu gặp cú sốc điện. Đặc biệt, các thiết bị như bếp từ, máy giặt hay bình nóng lạnh có công suất lớn và đặt gần khu vực ẩm thấp càng dễ gặp nguy cơ chập cháy nếu nước mưa lọt vào hoặc dây điện bị rò.

Không ít người vẫn chủ quan chỉ tắt bằng công tắc mà quên rằng dòng điện vẫn có thể chạy trong mạch khi phích cắm còn kết nối với ổ điện. Vì vậy, biện pháp an toàn nhất vẫn là rút hẳn phích cắm ra khỏi ổ, hoặc nếu có thể, ngắt cầu dao điện dành riêng cho từng khu vực. Với những thiết bị không thể tháo ra dễ dàng, việc lắp thêm ổ chống sét lan truyền hoặc bộ ổn áp có thể phần nào giảm nhẹ rủi ro.

Việc bảo vệ thiết bị điện không chỉ nhằm tránh thiệt hại tài sản mà còn giúp giảm nguy cơ chập cháy điện trong lúc sơ tán hoặc khi không có người lớn ở nhà. Trong nhiều trường hợp, một tia sét đánh trúng cột điện ngoài đường cũng đủ để khiến dòng điện lan truyền vào nhà và gây chập nổ trong vài giây.

Kiểm tra hệ thống điện sau bão thế nào?

Khi giông bão đi qua, điều đầu tiên người dùng nên làm không phải là bật lại tất cả thiết bị điện, mà là kiểm tra kỹ toàn bộ hệ thống. Ngay cả khi nhà không bị ngập nước, các ổ cắm, công tắc và dây điện vẫn có thể bị ẩm do mưa tạt hoặc rò rỉ trong tường. Việc bật lại điện quá sớm có thể gây chập cháy, điện giật hoặc làm hỏng thiết bị vừa được bảo vệ trước đó.

Quy trình kiểm tra nên bắt đầu từ việc ngắt toàn bộ cầu dao, sau đó quan sát kỹ từng khu vực ổ cắm, thiết bị xem có dấu hiệu ẩm ướt, cháy khét hay tia lửa nhỏ không. Nếu có bất kỳ hiện tượng bất thường nào, cần gọi thợ điện có chuyên môn thay vì tự ý xử lý. Trong trường hợp thiết bị bị nghi ngờ dính nước, cần lau khô bằng khăn sạch, hong khô bằng quạt mát rồi chờ ít nhất vài giờ mới thử cắm điện trở lại.

Sau khi kiểm tra xong các ổ cắm và thiết bị, người dùng có thể bật lại cầu dao tổng, rồi lần lượt bật từng nhánh riêng biệt để kiểm tra hoạt động của từng nhóm thiết bị. Nếu phát hiện CB bị sập, có mùi lạ hoặc thiết bị không khởi động, cần tắt ngay và tiếp tục kiểm tra nguyên nhân.

Ngoài ra, nếu nhà có hệ thống chống sét, dây tiếp đất hoặc bảng điện tổng đặt ngoài trời, việc kiểm tra các điểm nối, khả năng ăn mòn và độ an toàn của hệ thống này cũng rất quan trọng. Một dây tiếp đất bị đứt có thể khiến toàn bộ hệ thống điện trở nên mất an toàn trong đợt mưa giông tiếp theo.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn