Nhảy đến nội dung
 

Khi ba mẹ thích con đi làm công sở, con lại muốn làm nghề nghiệp tự do...

Một bên mong sự ổn định, một bên khao khát tự do. Mâu thuẫn nghề nghiệp giữa ba mẹ và con cái không chỉ là khoảng cách thế hệ, mà còn là bài toán niềm tin, sự lắng nghe và cách cùng nhau bước qua khác biệt.

"Ba mẹ không hiểu con đang làm nghề nghiệp gì"

Nguyễn Nhật Huy (26 tuổi, ngụ ở chung cư Ehome 3, P.An Lạc, TP.HCM; trước đây là P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM), cười như mếu khi kể về cuộc đối thoại gần nhất với mẹ: "Mẹ nói với tôi: Con ơi, giờ mẹ nói thật, hay là con xin vô ngân hàng nào làm ổn định đi, chứ cái kiểu làm việc sáng ở quán cà phê, chiều chạy đi họp khách, tối còn ngồi vẽ tới khuya, nghề nghiệp như vậy… ba mẹ lo quá".

Chỉ một câu nói, nam thanh niên làm nghề thiết kế tự do này cảm thấy nghẹn lòng. Huy chia sẻ: "Không phải vì bị ép, mà vì cảm thấy ba mẹ không thật sự hiểu đam mê và công việc của mình. Tôi làm freelance (làm nghề tự do) đã 2 năm, thu nhập ổn định, có thời gian chăm sóc bản thân, không gò bó. Nhưng với ba mẹ, "ngồi máy tính ở nhà" không được gọi là một nghề".

Từ khắp diễn đàn mạng đến đời sống thực tế, dễ thấy hàng loạt câu chuyện ba mẹ muốn con "làm công ty cho ổn định, làm công sở cho đỡ bấp bênh", còn con lại muốn "làm freelancer, làm sáng tạo, làm startup (khởi nghiệp). Không ít tranh cãi căng thẳng đã nổ ra, thậm chí dẫn đến rạn nứt quan hệ vì lựa chọn nghề nghiệp khác nhau.

Với những bậc phụ huynh thuộc thế hệ 6X, 7X, 8X, thời mà nghề nghiệp đồng nghĩa với "biên chế, lương tháng, đóng bảo hiểm", thì mong muốn con có một công việc công sở là điều dễ hiểu. Làm ngân hàng, trở thành giáo viên, làm nhân viên ở các công ty lớn… là hình ảnh của sự yên tâm, là niềm tin rằng con sẽ "được người ta trọng", không lang bạt, không phiêu lưu.

Bà Lê Thị Mai (47 tuổi, ngụ ở xã Bình Hưng Hòa, TP.HCM; trước đây thuộc P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, TP.HCM) thẳng thắn: "Làm công sở thì có người quản lý, có kỷ luật, có lương tháng đều. Làm nghề tự do thì thất thường, không ổn định. Cuộc sống bây giờ phức tạp, tôi lo con đi làm kiểu đó mấy năm rồi lại trắng tay".

Trong khi đó, người trẻ lớn lên giữa thời đại internet, tự học, khởi nghiệp, tự do nghề nghiệp… lại có một thế giới nghề nghiệp hoàn toàn khác. 

"Tôi biết mình không thể ngồi một chỗ 8 tiếng mỗi ngày, làm những việc lặp lại, vì vậy tôi chọn làm nội dung tự do, nhận viết cho nhiều nhãn hàng. Lúc đầu, ba mẹ gọi điện khóc rất nhiều", Đỗ Thị Trà My (26 tuổi, ngụ ở 79 đường số 8, P.Thủ Đức, TP.HCM; trước đây thuộc P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM) kể.

Cũng có không ít phụ huynh xem đam mê của con chỉ là "một cơn sốt". Hoặc tệ hơn, là sự lười biếng, ham chơi. "Ba mẹ tôi nói thẳng: Con đi học 4 năm đại học ra mà giờ lại đi làm clip TikTok với livestream bán sách? Người ta nhìn vào sẽ đánh giá gia đình", Vũ Trọng Hoàng (25 tuổi, người sáng tạo nội dung, ngụ ở 505/5 Nguyễn Kiệm, P.Đức Nhuận, TP.HCM; trước đây thuộc P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nói.

Thế nhưng, theo Tín, người trẻ không chọn con đường tự do chỉ vì ngẫu hứng, mà nhiều khi là do đã thử và biết rõ mình hợp gì. "Tôi từng làm văn phòng, từng bị stress vì áp lực KPI, cảm thấy mình như một cái máy. Tôi chọn làm nghề tự do vì tôi sống được với nó, thấy có ý nghĩa", Tín cho hay.

Khác biệt ở đây là người trẻ đề cao sự linh hoạt, tự do, thử thách và phát triển cá nhân, còn người lớn lại đặt nặng tính ổn định, danh tiếng và an toàn. Sự khác nhau này, nếu không có một "nhịp cầu thông cảm", rất dễ trở thành hố sâu chia cắt.

Trần Minh Thảo (27 tuổi, ngụ ở 719 Huỳnh Tấn Phát, P.Phú Thuận, TP.HCM; trước đây thuộc P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM), kể: "Ba tôi là kỹ sư xây dựng, ông muốn tôi nối nghiệp. Nhưng tôi mê viết, mê sáng tạo. Tôi từng học xây dựng đúng ý ba, rồi trầm cảm nhẹ, mất phương hướng".

Rất nhiều bạn trẻ khác cũng thừa nhận, vì không muốn ba mẹ buồn, đã từng cố gắng gồng mình học ngành không yêu thích, làm công việc không phù hợp, để rồi đến một lúc không chịu nổi. "Tôi từng nhận một công việc hành chính trong công ty vì mẹ nói "con gái nên làm chỗ mát mẻ". Nhưng ba tháng thôi là tôi chán nản, bế tắc", Nguyễn Vũ Minh Hằng (24 tuổi, làm thiết kế đồ họa tự do, ngụ ở 22 đường Số 30, P.Hiệp Bình, TP.HCM; trước đây thuộc P.Linh Đông, TP.Thủ Đức, TP.HCM) nói.

Làm sao để tháo gỡ?

Anh Lê Thành Tân (31 tuổi), nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý, Trường ĐH Newcastle (Úc), nhận định: "Khác biệt trong lựa chọn nghề nghiệp giữa ba mẹ và con cái là điều thường thấy. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: hai bên có chịu lắng nghe và tôn trọng nhau hay không? Thay vì tranh cãi, người trẻ cần chủ động chia sẻ với ba mẹ về nghề nghiệp mình chọn, những rủi ro và cả cách mình đang đối mặt với chúng. Đừng chỉ nói "con thích" mà hãy nói "con đã chuẩn bị những gì để sống được với nghề".

"Ngược lại, ba mẹ cũng cần học cách đặt câu hỏi lắng nghe hơn là chất vấn. Hãy hỏi: "Con thấy nghề đó có gì phù hợp với mình?", "Con có kế hoạch gì nếu thất bại?", thay vì "Sao không làm cái gì cho ổn định?", "Làm vậy rồi sống sao?", anh Tân chia sẻ.

Cũng theo anh Tân: "Người trẻ cần hiểu rằng, đam mê không đủ. Phải có hành động, có kế hoạch, có sự tiến bộ rõ ràng mới có thể thuyết phục được phụ huynh. Đừng chỉ viện cớ "con không hợp công sở" mà sống buông thả. Hãy chứng minh bằng công việc cụ thể, các dự án đã làm, thu nhập đã có. Có thể không nhiều ngay, nhưng sự kiên định và tiến bộ là thứ mà ba mẹ sẽ nhìn thấy và dần tin tưởng".

Theo chuyên gia kỹ năng sống Huỳnh Thanh Tú, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cần tạo "điểm chung" thay vì "kẻ thắng, người thua".

"Nghĩa là thay vì coi đây là "cuộc chiến chọn nghề", hãy biến nó thành hành trình cùng nhau khám phá. Đôi khi, giải pháp trung dung có thể xoa dịu cả hai bên. Ví dụ, người trẻ có thể vừa thử sức làm nghề tự do nhưng đồng thời nhận một công việc bán thời gian ổn định để ba mẹ yên tâm. Hoặc có thể đưa ba mẹ đến dự những sự kiện, hội thảo nghề để họ thấy nghề không "ảo" như tưởng tượng. Cũng có thể hẹn một thời gian: "Con xin thử sức với nghề này trong 6 tháng, nếu không ổn, con sẽ quay lại tìm việc công sở. Nhưng hãy để con thử".

"Hơn hết, cần phải xóa bỏ định kiến "làm văn phòng mới là nghề". Xã hội hiện đại đã thay đổi rất nhiều. Nhiều nghề nghiệp mới xuất hiện như: làm nội dung số, sáng tạo podcast (chương trình âm thanh hoặc video được phát sóng và phân phối qua internet), nghề tự do kỹ thuật số, viết sách, làm tư vấn từ xa, nghề chăm sóc sức khỏe tinh thần… không cần văn phòng cố định nhưng hoàn toàn nghiêm túc và có giá trị", anh Tú nói và cho rằng: "Cần làm mới lại khái niệm nghề nghiệp. Không phải cứ mặc sơ mi, đi làm 8 giờ sáng mới là "người đi làm". Những người làm việc tự do vẫn có thể tạo ra giá trị, miễn là họ nghiêm túc và có kế hoạch".

"Mỗi thế hệ có một góc nhìn khác nhau về nghề nghiệp. Nếu ba mẹ nhìn cuộc sống qua lăng kính an toàn, thì người trẻ lại hướng đến tự do, khám phá và cá tính. Không ai sai, chỉ là cách hiểu nhau chưa gặp nhau ở giữa. Và cũng giống như nghề nghiệp là hành trình dài, việc hiểu nhau giữa ba mẹ và con cái cũng cần thời gian, sự kiên nhẫn và rất nhiều tình yêu thương. Vì suy cho cùng, ba mẹ nào chẳng muốn con mình sống tốt. Và người trẻ nào cũng chỉ muốn được làm nghề theo cách mình thấy ý nghĩa", anh Tú chia sẻ.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn