Khi 100 nhà báo tranh tài leo núi

TP - Giải leo núi “Bước chân trên mây năm 2025 - Chinh phục đỉnh Tà Xùa” do Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với UBND huyện Trạm Tấu, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt tổ chức là giải dành riêng cho các nhà báo, những người vốn quen với cây bút, bàn phím, chưa từng biết đến những cung đường hiểm trở như đèo núi.
![]() |
Hành trình vượt qua chính mình
Sau thành công của Giải leo núi mùa đầu tiên chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù năm 2024, ngọn núi cao thứ 7 trong TOP 10 đỉnh núi cao nhất trong dãy Hoàng Liên Sơn, đến năm 2025 số lượng “vận động viên” đăng ký tham gia tranh tài “Bước chân trên mây lần 2: Chinh phục đỉnh Tà Xùa” đông gấp bội và Ban Tổ chức khá vất vả để chọn ra 100 nhà báo tham gia nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2025).
Đoàn nhà báo đến từ Đài truyền hình Việt Nam có vẻ mạnh nhất, với hơn 10 nhà báo tham gia, trong số đó có Phạm Minh Thành, nhà vô địch của mùa giải trước. Anh Thành có thói quen chạy bộ mỗi ngày. Anh cho biết, đã thành thói quen, cứ hết giờ làm việc là anh ra đường chạy. Chính vì thế, khi bắt đầu hành trình leo núi, tôi thấy anh chạy băng băng lên núi như chạy marathon trên đường nhựa. Với Trần Thu Trang, nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam, cũng vậy. Cô gái nhỏ nhắn, mảnh khảnh này cũng có thói quen chạy bộ hàng ngày sau giờ làm việc. Trang cũng đoạt giải Nhất đối với nữ mùa giải trước và năm nay. Đoàn nhà báo của báo Tiền Phong có 4 người tham gia leo núi lần này (Đình Thắng, Dương Hưng, Lan Anh, Đỗ Hợp) đều là các thành viên của Câu lạc bộ chạy của Tiền Phong (Tiền phong Runners), trong đó nhà báo Đình Thắng đã từng chạy cự ly full marathon (42 km) và một số giải chạy leo núi.
![]() |
Tác giả lấm lem bùn đất khi leo núi |
Địa hình lên đỉnh Tà Xùa dốc cao, gió lớn, hai bên là vực sâu thăm thẳm, chỉ cần một phút lơ là là có thể nguy hiểm đến tính mạng. Có đoạn qua vách đá cheo leo, bọn trẻ con ở đây chạy nhảy thoăn thoắt qua, nhưng tôi phải leo từ từ bằng... mông. Có đoạn, chúng tôi phải leo với sự hỗ trợ của dây cáp vì đường chỉ rộng khoảng 50 cm, chỉ một người có thể đi qua, hai bên là vực sâu thăm thẳm. Tôi thấy đường đẹp mà nguy hiểm, bèn lấy điện thoại ra quay video. Khi tôi đăng đoạn này lên Facebook, một số người cùng đoàn đã thốt lên: “Đoạn đó em sợ chết khiếp, không dám lấy điện thoại ra mà chị còn dám dừng lại ghi hình”.
Thế nhưng, bù lại cho những đoạn đường hiểm trở, khi gần lên đỉnh, chúng tôi được đi qua khu rừng rêu ma mị, đẹp như cổ tích dù đường trơn trượt. Là người đam mê chinh phục các ngọn núi, nhà báo Trần Thị Phượng, báo Nông thôn ngày nay cho biết, hành trình “Bước chân trên mây” thực sự cho cô cảm xúc mạnh mẽ và ấn tượng.
Trình độ leo núi đã lên cao
![]() |
Đoàn nhà báo leo Sống lưng Rồng trời |
Nếu như năm ngoái “vận động viên” Phạm Minh Thành đến từ Đài truyền hình Việt Nam đoạt ngôi vô địch “Giải leo núi Bước chân trên mây-Chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù” thì năm nay anh chỉ giành giải Khuyến khích. Vượt lên anh là ba “vận động viên” Trịnh Hoàng Yên (Giải Nhất), Trần Quang Phát (Giải Nhì) và Phạm Tiến Minh (Giải Ba). Có đôi chút tiếc nuối cho Trịnh Hoàng Yên ở mùa giải năm ngoái khi anh bị lạc đường, chạy vọt sang ngọn núi bên cạnh nên sau khi vòng lại về đích thì Phạm Minh Thành đã về đích đầu tiên rồi. Năm nay, nhà báo của Hội nhà báo tỉnh Yên Bái này đi đúng đường và giành ngôi vô địch.
Đối với các vận động viên nữ, Trần Thu Trang đã giành chức vô địch lần 2 và rất nhiều người về sát nút. Điều này cho thấy, cuộc đua bắt đầu có tính cạnh tranh quyết liệt. Sau khi nhận quà từ Ban tổ chức, xúc động khi 2 lần giành chức Vô địch nữ, nhà báo Trần Thu Trang đã nhờ Ban tổ chức đấu giá phần thưởng của mình là viên kim cương nhân tạo để lấy tiền tặng lại người dân Trạm Tấu. Tại chương trình gala tổng kết Giải, Ban tổ chức đã đấu giá thành công viên kim cương do vận động viên Trần Thu Trang trao tặng cho người dân Trạm Tấu với mức giá 45 triệu đồng.
Vận động viên Trịnh Hoàng Yên chia sẻ: Khi chạy qua Rừng rêu, cách đỉnh Tà Xùa gần 1 km thì chân bị căng cơ rất đau, tôi đã phải lấy những giọt sương lạnh đọng trên những búi rêu và xoa vào hai bắp chân và cố gắng như thế cho đến khi chạm tay vào cột mốc 2.865 m”.
Ông Khang A Chua, Phó Chủ tịch huyện Trạm Tấu cho biết, du khách đến trekking Tà Xùa ngày một đông, có thời điểm đến gần 500 lượt khách/ngày. Quả thật, từ ngày có Giải leo núi, huyện Trạm Tấu đã thay da đổi thịt nhờ du lịch. Vốn là một một huyện nghèo vùng cao của tỉnh Yên Bái, Trạm Tấu đã đổi thay từng ngày. Năm 2025, huyện Trạm Tấu phấn đấu đón 160 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có 35 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu từ du lịch ước đạt 128 tỷ đồng.
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 200km, đỉnh Tà Xùa ở mạn huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái (hay còn gọi là Phu Sa Phìn ở mạn tỉnh Sơn La) nằm ở độ cao 2.865 m so với mực nước biển. Dãy Phu Sa Phìn là phần cuối của dãy Hoàng Liên Sơn trải dài từ Lai Châu xuống tới đèo Lũng Lô và là ngọn núi ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La. Đây là một trong 3 “thiên đường săn mây” đẹp nhất vùng Tây Bắc.