Israel cho phép thả hàng viện trợ xuống Gaza sau làn sóng chỉ trích quốc tế

Israel sẽ cho phép Jordan và UAE thả hàng viện trợ nhân đạo bằng đường không vào Gaza - nơi người dân đang tuyệt vọng vì thiếu lương thực và nhiều trẻ em đã tử vong do suy dinh dưỡng.
Làn sóng chỉ trích của quốc tế với Israel
Theo ABC News, hôm 25-7, Anh, Đức và Pháp đồng loạt kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Dải Gaza, sau cuộc điện đàm khẩn cấp để thảo luận về cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng ở dải đất này.
"Thảm họa nhân đạo mà chúng ta đang chứng kiến ở Gaza phải chấm dứt ngay. Những nhu cầu cơ bản nhất của dân thường, bao gồm nước và lương thực, phải được đáp ứng mà không bị trì hoãn thêm nữa.
Việc cố tình ngăn cản viện trợ nhân đạo thiết yếu cho dân thường là điều không thể chấp nhận được", thông cáo chung của Anh, Pháp và Đức nhấn mạnh.
Ba quốc gia này cũng kêu gọi quân đội Israel rút khỏi Gaza và loại bỏ sự lãnh đạo của Hamas, coi đây là "những bước đi quan trọng" hướng tới giải pháp hai nhà nước.
"Chúng tôi kiên quyết phản đối mọi nỗ lực áp đặt chủ quyền của Israel lên các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Các mối đe dọa về việc sáp nhập, xây dựng khu định cư và các hành động bạo lực của người định cư chống lại người Palestine đang làm xói mòn triển vọng của một giải pháp hai nhà nước qua đàm phán.
Chúng tôi cam kết hợp tác với các đối tác quốc tế, bao gồm tại Liên hợp quốc, để xây dựng một kế hoạch cụ thể và đáng tin cậy cho giai đoạn tiếp theo ở Gaza, bao gồm thiết lập cơ chế quản trị và an ninh chuyển tiếp, đồng thời bảo đảm việc cung cấp viện trợ nhân đạo quy mô lớn", tuyên bố nêu rõ.
Sau làn sóng lên án ngày càng gay gắt từ quốc tế về tình hình nhân đạo ở Gaza, trong đó có cả từ một số nước đồng minh truyền thống của Israel, Tel Aviv hôm 25-7 đã thông báo việc cho phép thả hàng cứu trợ xuống Gaza.
Israel nhấn mạnh đang làm tất cả những gì có thể để cho phép viện trợ vào Gaza.
Theo tờ New York Times, COGAT - cơ quan quân sự điều phối các vấn đề nhân đạo Gaza của Israel - cho biết Jordan và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) sẽ bắt đầu các đợt thả hàng viện trợ xuống Gaza trong vài ngày tới.
Tối cùng ngày, Thủ tướng Anh Keir Starmer thông báo nước này đang khẩn trương phối hợp với phía Jordan để đưa viện trợ lên máy bay và vào Gaza. Ông cũng thông báo đẩy nhanh kế hoạch sơ tán những trẻ em cần điều trị y tế khẩn cấp ra khỏi Gaza để đưa sang Anh điều trị chuyên sâu.
Khó đáp ứng nhu cầu của người Palestine
Các chuyên gia cho rằng việc thả hàng viện trợ phần lớn chỉ mang tính biểu tượng. Họ cảnh báo việc này khó đáp ứng nhu cầu cho khoảng 2 triệu người Palestine đang sống trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt sau 2 năm xung đột.
Kể từ xung đột Israel - Hamas nổ ra ở Dải Gaza vào tháng 10-2023, Israel đã cho phép một số đợt thả hàng viện trợ xuống dải đất này.
Tuy nhiên Liên hợp quốc khẳng định đường bộ là cách hiệu quả nhất để đưa đủ lương thực vào Gaza, thông qua các cửa khẩu do Israel và Ai Cập kiểm soát.
Trong thời gian ngừng bắn từ tháng 1 đến tháng 3-2025, hàng trăm xe tải viện trợ được cấp phép vào Gaza mỗi ngày. Nhưng sau khi đàm phán thất bại, Israel gần như phong tỏa hoàn toàn Gaza hơn hai tháng. Đến tháng 5, viện trợ được nối lại nhưng số lượng trong tháng 6 vẫn rất hạn chế.
Theo Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc, gần 1/3 dân số tại Gaza phải nhịn ăn trong nhiều ngày. Các cơ quan y tế Gaza báo cáo tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính đang gia tăng và trẻ em đã tử vong.
Người dân Gaza kể rằng các mặt hàng cơ bản như bột mì bị đội giá cắt cổ, hoặc hoàn toàn không có. Nhân viên y tế nói rằng họ cũng đang đói và phải vật lộn để tiếp tục công việc. Ngay cả các hãng thông tấn lớn cũng cho biết nhân viên của họ ở Gaza ngày càng không đủ ăn.
Hôm 25-7, Liên hợp quốc cáo buộc Israel dựng lên "rào cản hành chính, hậu cần và vận hành" trong việc phân phối hàng viện trợ, khiến tình hình thêm tồi tệ. Văn phòng Các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết các đoàn xe cứu trợ còn bị tấn công bởi các nhóm có vũ trang trong nội địa Gaza.
Phía Israel nói rằng họ không hạn chế số lượng xe tải vào Gaza, và cho rằng Liên hợp quốc không phân phối được hàng cứu trợ đã từ các cửa khẩu vào sâu bên trong Dải Gaza.