Indonesia nói về quá trình đàm phán đạt thuế 19% với ông Trump, hé lộ mặt hàng quý có thể hưởng thuế 0%

Indonesia đã xác nhận đích thân Tổng thống Subianto đã đàm phán trực tiếp với Tổng thống Trump qua điện thoại, mô tả các cuộc đàm phán là một "cuộc đấu tranh phi thường".
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba cho biết Mỹ đã đạt được thỏa thuận thương mại với Indonesia. Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto cho biết việc đạt được thỏa thuận này là một quá trình đầy khó khăn.
Theo đó, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 19% đối với hàng xuất khẩu của Indonesia, giảm so với mức 32% đã tuyên bố vào tháng 4.
Sau khi công bố thỏa thuận trên Truth Social, Tổng thống Trump tuyên bố rằng Indonesia sẽ không áp bất kỳ mức thuế nào đối với hàng xuất khẩu của Mỹ và cam kết mua "15 tỷ đô la năng lượng Mỹ, 4,5 tỷ đô la nông sản Mỹ và 50 máy bay Boeing".
Gần 24 giờ sau khi ông Trump công bố thỏa thuận, chính phủ Indonesia đã xác nhận đích thân Tổng thống Subianto đã đàm phán trực tiếp với Tổng thống Trump qua điện thoại. Jakarta mô tả các cuộc đàm phán là một "cuộc đấu tranh phi thường".
“Đây là một cuộc đấu tranh phi thường của nhóm đàm phán do Bộ trưởng Điều phối Kinh tế dẫn đầu”, Hasan Nasbi, người phát ngôn của Tổng thống Indonesia, nói với Reuters.
Trước khi rời Nhà Trắng, ông Trump cho biết Indonesia nổi tiếng với đồng chất lượng cao, và Mỹ sẽ sử dụng loại đồng này. Điều đó có thể đồng nghĩa với việc đồng từ Indonesia có thể phải chịu mức thuế thấp hơn, hoặc không phải chịu thuế. Trước đó, ông Trump đe dọa áp thuế 50% đối với tất cả đồng nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 1/8.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, mặc dù Indonesia đã xuất khẩu 20 triệu USD đồng sang Mỹ vào năm ngoái, nhưng con số này vẫn còn kém xa các nhà cung cấp hàng đầu là Chile và Canada.
Đây là lần thứ 4 ông Trump công bố thỏa thuận thương mại trong vòng 3 tháng. Trước đó, ông tuyên bố sẽ đạt được hàng chục thỏa thuận với các đối tác thương mại của Mỹ trong khung thời gian đó.
Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 23 của Mỹ, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ. Mỹ đã nhập khẩu 28 tỷ USD hàng hóa từ quốc gia này vào năm ngoái. May mặc và giày dép là hai mặt hàng thị phần lớn nhất
Trong khi đó, Mỹ đã xuất khẩu 10 tỷ đô la hàng hóa sang Indonesia vào năm ngoái. Hạt dầu và ngũ cốc cũng như dầu khí là hai mặt hàng xuất khẩu hàng đầu.
Chính sách thương mại của Tổng thống Trump đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp. Một số lo ngại rằng các đơn đặt hàng mới có thể bị áp thuế suất cao hơn đáng kể do ông Trump - chỉ bằng một cú nhấp chuột - thay đổi thuế suất áp dụng cho hàng xuất khẩu của một quốc gia.
Tổng thống Mỹ tuyên bố các công ty có thể tránh được những rắc rối như vậy bằng cách chuyển sản xuất về Mỹ. Nhưng trên thực tế, điều này không đơn giản như vậy: Các doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân phù hợp mà còn có thể mất nhiều năm - và hàng triệu đô la - trước khi các cơ sở sản xuất đi vào hoạt động. Sau đó, một khi hoạt động sản xuất được chuyển về Mỹ, chi phí có thể tăng lên, dẫn đến giá cả cao hơn cho người tiêu dùng Mỹ.
Theo CNN