Hy sinh vì cuộc sống bình yên: Liệt sĩ Phan Tấn Tài vẫn rạng ngời ý chí

Giữa cao điểm đại dịch Covid-19, liệt sĩ Phan Tấn Tài hy sinh ở tuổi 30 khi truy đuổi nghi phạm ma túy. Đó là sự hy sinh của người chiến sĩ CAND ngày đêm bám tuyến, giữ bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
BỊ ÉP XE KHI TRUY BẮT TỘI PHẠM MA TÚY
Lúc 18 giờ 50 ngày 2.8.2021, giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, thượng úy Phan Tấn Tài (30 tuổi, cán bộ Đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an Q.6 cũ, TP.HCM, trưng dụng công tác tại Công an P.10, Q.6 cũ) cùng tổ công tác tuần tra liên phường phát hiện Hứa Hán Võ (28 tuổi, ngụ Q.6 cũ) ra đường không lý do chính đáng nên kiểm tra giấy tờ. Nghi vấn Võ sử dụng trái phép chất ma túy nên tổ công tác yêu cầu Võ dừng phương tiện, về trụ sở công an để giải quyết nhưng Võ không chấp hành. Tổ công tác lập tức truy đuổi, Võ ép xe của thượng úy Tài vào tường để tẩu thoát. Cú va chạm khiến xe thượng úy Tài đập mạnh vào tường.
Nhớ lại đã đưa giấy tờ xe cho lực lượng chức năng, biết khó thoát, Võ ném gói ma túy đá xuống cống, đến công an phường trình diện. Kết quả test nhanh cho thấy Võ dương tính với ma túy.
Thượng úy Tài được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng không qua khỏi do chấn thương quá nặng, hy sinh lúc 21 giờ 30 cùng ngày. Sau đó Bộ trưởng Bộ Công an truy thăng cấp bậc hàm từ thượng úy lên đại úy.
Ba ngày sau, Công an TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Hứa Hán Võ về tội chống người thi hành công vụ. Tháng 1.2022, TAND TP.HCM xét xử, tuyên phạt Võ 3 năm tù giam.
Chiều giữa tháng 7.2025, chúng tôi tìm đến hẻm 208 An Dương Vương, Q.6 cũ. Trong căn nhà số 15 rộng chỉ 28 m2, bà Lê Thị Diễm Thúy (60 tuổi, mẹ đại úy Tài) ngồi lặng lẽ dán từng sản phẩm đồ cúng để mưu sinh. Cứ 1.000 sản phẩm, bà được trả 70.000 đồng. Gần 4 năm trôi qua, nỗi đau mất con chưa bao giờ nguôi với bà.
Bên trong nhà, bằng khen, huân chương treo kín tường. Dưới làn khói hương và tiếng tụng kinh, nhìn lên di ảnh đại úy Tài, chị Phan Thị Cẩm Tiên (30 tuổi, em gái đại úy Tài) nghẹn ngào: "Anh mất tháng 8.2021, đúng lúc dịch bùng phát dữ dội. Chuẩn bị giỗ lần thứ 4 của anh…".
Tốt nghiệp Trường trung cấp CSND II năm 2012, anh Tài được phân công về Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Từ khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 về phòng chống dịch Covid-19, anh gần như trực 24/24, sát cánh cùng các lực lượng để ngăn chặn dịch lan rộng.
Chị Tiên kể: "Anh chưa lập gia đình, thời điểm anh mất đang học liên thông đại học. Tối đó, anh đi trực lúc 17 giờ. Gần 19 giờ thì có người báo tin anh bị nạn. Mẹ nghe tin, bị sốc lên cơn co giật, còn ba ngất xỉu tại chỗ. Khi tôi chạy đến bệnh viện thì anh Tài đã mất. Ba mẹ suy sụp hoàn toàn, một biến cố quá đột ngột khiến cả nhà không ai giữ nổi bình tĩnh".
MÃI LÀ TẤM GƯƠNG SÁNG
Gia đình đại úy Tài từ nghèo khó đi lên. Ba anh là ông Phan Tấn Ngọc làm bảo vệ; mẹ nhận gia công hạt sen, hạt điều, làm đồ cúng để nuôi 3 người con.
"Anh chọn ngành công an có phần nhờ định hướng từ người anh họ. Anh sống kín đáo, ít kể chuyện công việc. Đến khi anh mất, cả nhà mới biết về những thành tích mà anh đạt được", chị Tiên chia sẻ.
Từ ngày mất con, ông Ngọc suy sụp tinh thần và chẳng bao lâu đổ bệnh. Khi đưa vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư gan giai đoạn cuối. Nhưng ông xin về, không ở lại điều trị, cũng không uống thuốc giảm đau, chỉ âm thầm chịu đựng trong đau đớn. Hơn một năm sau, ông qua đời.
Trong ký ức của gia đình, anh Tài sống hiếu thảo, tiết kiệm, toàn tâm lo cho cha mẹ. Căn nhà hiện tại đã được sửa khang trang "là do anh Tài vay ngân hàng, dành dụm từng đồng để xây cho ba mẹ. Nhưng vừa trả xong nợ thì anh mất. Giờ nhìn đâu cũng thấy bóng dáng anh", chị Tiên nghẹn giọng.
Nói về đại úy Tài, lãnh đạo Công an Q.6 (cũ) chia sẻ: "Tài là người ít nói nhưng làm việc hết mình, nổi bật, đã vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân mà chiến đấu, hy sinh. Dù hình ảnh anh giờ chỉ còn trong ký ức đồng đội, nhưng sự cống hiến thầm lặng và cao cả ấy mãi là tấm gương sáng cho thế hệ sau tiếp bước con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của lực lượng CAND".
Đại úy Phạm Thanh Phước (công tác tại Công an tỉnh Lâm Đồng), bạn học cùng lớp công an với đại úy Tài, nghẹn ngào: "Tài sống tử tế, nhiệt thành và luôn quan tâm tới anh em. Trong lớp, Tài ít nói nhưng lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Mỗi lần nhắc đến Tài, lại thấy như vừa mới hôm qua".
Không lâu sau ngày tiễn đưa bạn, anh Phước đã viết một bài thơ tặng đại úy Tài đăng lên mạng xã hội khiến nhiều người không khỏi xót xa. Bài thơ như tiếng lòng của những người ở lại, dành cho người đã ngã xuống giữa thời bình. Có những câu thơ lay động lòng người, khắc ghi hình ảnh một chiến sĩ trẻ đã sống và chiến đấu hết mình vì lý tưởng: "Rồi một hôm tuần tra chốt/Tim anh ngừng nơi phố thị phồn hoa/Ánh mắt anh vẫn rạng ngời ý chí/Nụ cười anh vẫn lan tỏa yêu thương/Người anh hùng tuổi trẻ nơi tuyến đầu/Đã hy sinh thân mình cho đất nước…".
Trung tướng Lê Hồng Nam, nguyên Giám đốc Công an TP.HCM, khẳng định đại úy Tài là tấm gương sáng về ý chí cách mạng, tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", tô thắm thêm truyền thống anh hùng vẻ vang của lực lượng CAND VN; là nguồn động lực, thôi thúc cổ vũ cán bộ, chiến sĩ CAND tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.