Họa sĩ Đào Hải Phong: "Trẻ em vẽ từ cảm xúc, không để làm hài lòng ai”

(Dân trí) - Tại triển lãm "Hành trình màu sắc - Nối những ước mơ" ở Hà Nội, Đào Hải Phong nhận định tranh của 6 em nhỏ giàu cảm xúc tự nhiên, không nhằm làm hài lòng ai mà xuất phát từ thế giới nội tâm chân thật.
Sáng 19/7, triển lãm Hành trình màu sắc - Nối những ước mơ khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), giới thiệu 76 tác phẩm hội họa đa chất liệu do 6 học sinh trung học thực hiện trong quá trình học tập và sáng tạo nghệ thuật suốt nhiều năm.
Triển lãm quy tụ 6 gương mặt họa sĩ nhí gồm: Phạm Sơn Tùng (SN 2008), Nguyễn Vũ Hà Anh (SN 2008), Nguyễn Ngọc Nam Khuê (SN 2009), Nguyễn Minh Dũng (SN 2011), Khúc Cao Bảo Chi (SN 2012) và Nguyễn Ngọc An Nhiên (SN 2014).
Không chỉ là một không gian nghệ thuật của tuổi thơ, triển lãm còn là hành trình cảm xúc, nơi các em thể hiện suy nghĩ, tình cảm và quan sát của mình về thế giới xung quanh.
Các tác phẩm trải rộng nhiều đề tài như: Quê hương, gia đình, thiên nhiên, những kỷ niệm tuổi thơ… được thể hiện bằng chất liệu phong phú từ màu nước, acrylic, sáp dầu, chì đến in độc bản.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, họa sĩ Đào Hải Phong - gương mặt quen thuộc của hội họa đương đại Việt Nam, đồng thời là cố vấn nghệ thuật của triển lãm - cho rằng điều quý giá nhất ở các tác phẩm lần này không nằm ở kỹ thuật, mà ở sự thành thật trong cách các em nhỏ thể hiện thế giới nội tâm.
“Các em không vẽ để làm hài lòng ai, mà vẽ từ suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. Đây là điều mà ngay cả người lớn làm nghề cũng luôn mong giữ được”, họa sĩ Đào Hải Phong nói.
Theo ông, mỗi em nhỏ là một mảng màu riêng biệt, khi kết hợp lại tạo thành một bức tranh chung mang vẻ đẹp trong trẻo và nhiều hy vọng.
Họa sĩ Đào Hải Phong cũng cho biết, vai trò của ông trong triển lãm không phải là “người thầy dạy kỹ thuật”, mà là người giúp các em lắng nghe chính mình và mạnh dạn tin tưởng vào cảm xúc cá nhân.
“Tôi từng là một đứa trẻ rất cần được động viên. Bây giờ tôi chỉ mong có thể tiếp thêm tinh thần cho các em như thế”, họa sĩ Phong nói. Với ông, điều quan trọng nhất ở tuổi thơ không phải là sự chỉn chu trong nét vẽ, mà là sự trung thực trong biểu đạt.
Ông chia sẻ thêm: "Triển lãm lần này không chỉ là nơi trưng bày tranh, mà còn là nơi các em tự kể câu chuyện của mình bằng hội họa. Mỗi bức tranh là một cánh cửa nhỏ mở ra thế giới nội tâm đầy màu sắc và ý nghĩa".
Trong không gian triển lãm Hành trình màu sắc - Nối những ước mơ, Nguyễn Ngọc Nam Khuê (SN 2009) gây ấn tượng với loạt tác phẩm mang thông điệp rõ ràng về tình yêu gia đình, môi trường và sự kết nối với thiên nhiên.
Lần đầu thử sức với chủ đề quê hương, gia đình, những chất liệu quen thuộc nhưng không dễ khai thác Nam Khuê lựa chọn cách thể hiện gần gũi, phù hợp với tâm hồn trẻ thơ.
“Em muốn gửi gắm tình cảm với thiên nhiên và mong mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường. Điều khiến em vui nhất là khoảnh khắc hoàn thiện tác phẩm, mỗi lần vẽ xong em rất vui và muốn tiếp tục vẽ nữa”, Nam Khuê bày tỏ.
Hành trình chuẩn bị cho triển lãm cũng là một thử thách không nhỏ khi Nam Khuê phải cân bằng giữa việc học và sáng tác. Sáu tháng vừa qua, em thường tranh thủ vẽ vào ban đêm sau khi hoàn thành bài vở.
“Có ngày em thức đến đêm muộn để kịp tiến độ. Dù vậy, em luôn nhận được sự ủng hộ từ gia đình, từ việc tạo điều kiện thời gian cho đến hỗ trợ chi phí, vật liệu. Em cảm thấy rất may mắn vì ba mẹ cho em thời gian để vẽ và luôn hỗ trợ em hết mình”, Nam Khuê nói.
Đối với Nam Khuê, triển lãm là trải nghiệm đặc biệt giúp em học được nhiều điều mới mẻ, từ việc cảm nhận sự phức tạp của quá trình sáng tác, đến khả năng biến vật liệu tái chế thành hoa, điều mà trước đây cô gái trẻ chưa từng nghĩ tới.
Không chỉ riêng Nam Khuê, Phạm Sơn Tùng cũng để lại ấn tượng với nhiều tác phẩm mang dấu ấn cá nhân, từ thiên nhiên, văn hóa cho đến ký ức gia đình.
“Em muốn thể hiện tình yêu với con người, thiên nhiên và văn hóa qua tranh vẽ. Điều em thích nhất là hành trình bất ngờ của sáng tạo, đôi khi bắt đầu bằng một ý tưởng, nhưng bức tranh hoàn thiện lại rất khác”, Tùng chia sẻ.
Lý do Sơn Tùng chọn vẽ về gia đình rất giản dị: “Em nghĩ một tác phẩm làm ra phải thể hiện được tình yêu với những điều thân thương nhất”.
Lần đầu có tranh trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Tùng cho biết em rất xúc động. “Đây là cơ hội để em đưa tiếng nói của mình ra thế giới. Không phải là những bài học trên lớp, mà là tiếng nói thật từ chính suy nghĩ của em”, Tùng nói.
Anh Phạm Sơn Hà, bố ruột của Sơn Tùng không giấu được niềm vui khi đứng trước tranh con. “Tôi thật sự ngỡ ngàng và tự hào. Có những điều con vẽ ra mà sống cùng con hàng ngày, tôi cũng không nhận ra hết”, anh Sơn Hà nói.
Theo anh Sơn Hà, hành trình sáng tác của Sơn Tùng không dễ dàng. Con trai anh tự tìm tài liệu, vẽ đi vẽ lại, có những hôm thức đến khuya chỉ để hoàn thiện một chi tiết nhỏ trong tranh.
“Quan trọng nhất không phải là con vẽ đẹp hay chưa, mà là con dám nói ra cảm xúc của mình. Nghệ thuật cho con một ngôn ngữ khác để chia sẻ với thế giới”, anh Sơn Hà cho biết.
Triển lãm Hành trình màu sắc - Nối những ước mơ diễn ra từ ngày 19/7 đến hết ngày 23/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).