'Hố tử thần' nuốt xe máy ở Hà Nội, người bị nạn có được bồi thường?

Theo luật sư, đoạn đường sụt lún dẫn đến tai nạn không phải do lỗi của người bị nạn; do đó, vụ việc đã phát sinh căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Mới đây, tối 26/7, một người điều khiển xe máy khi lưu thông gần ngã tư Trường Chính - Tôn Thất Tùng thì bất ngờ lòng đường sụp xuống tạo thành hố sâu, "nuốt" phần bánh trước xe.
Cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân sự việc trên là do đường ống nước sạch đường kính cỡ D100 bị rò rỉ ngầm bên dưới. Hiện tượng này đã làm các tia nước phun mạnh ra bên ngoài đường ống, gây xói lở ngầm và sụt lún mặt đường, hình thành nên hố sâu trên đường.
Sau khi sự việc trên xảy ra, dư luận đặt câu hỏi, trong trường hợp trên người bị nạn có được bồi thường hay không và đơn vị nào chịu trách nhiệm?
Về vấn đề này, luật sư Đinh Đức Duy (Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng đoạn đường sụt lún dẫn đến tai nạn không phải do lỗi của người bị nạn. Do đó, vụ việc đã phát sinh căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.
Căn cứ Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015, nếu công trình xây dựng gây thiệt hại cho người khác thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người được giao quản lý, sử dụng công trình xây dựng đó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Đồng thời, nếu người thi công có lỗi trong việc để công trình gây thiệt hại thì cũng phải liên đới bồi thường.
![]() |
Hiện trường vụ xe máy bị sụt hố tử thần. |
Trong trường hợp này, công trình đường bị sụt lún, do đó trách nhiệm có thể thuộc về Công ty cổ phần công trình giao thông Hà Nội hoặc đơn vị quản lý cống ngầm là Công ty cấp nước Hà Nội. Ngoài ra, đơn vị thi công, sửa chữa hoặc cơ quan tổ chức có lỗi khi đưa công trình vào khai thác sẽ phải liên đới bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Sau khi có kết quả làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan thì đơn vị chịu trách nhiệm quản lý sẽ phải bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường sẽ do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được, các bên có thể khởi kiện ra tòa án để giải quyết.
Theo đó, người bị thiệt hại cần thu thập biên bản hiện trường nếu có sự can thiệp của cơ quan công an hoặc các video, hình ảnh hiện trường, hoá đơn sửa chữa xe, giấy tờ xe kèm theo đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại đến cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết để làm căn cứ yêu cầu bồi thường.
Ngoài ra, đối với thiệt hại về tài sản là xe máy, người bị thiệt hại còn có thể được bồi thường tùy thuộc vào các điều kiện, chính sách của từng loại bảo hiểm.
Đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự thì đây là bảo hiểm mục đích chính để bảo vệ người thứ ba khi xảy ra tai nạn. Do đó, đối với tai nạn do hạ tầng giao thông, xe máy bị hư hỏng không liên quan đến lỗi của người lái sẽ không được bảo hiểm chi trả.
Đối với bảo hiểm vật chất áp dụng đối với xe máy thì tùy chính sách, phạm vi bảo hiểm của từng đơn vị bảo hiểm để xác định chủ xe có được bồi thường hay không. Người bị thiệt hại cần kiểm tra lại bảo hiểm đã mua, liên hệ với cơ quan bảo hiểm để được đảm bảo đúng quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.