Hỗ trợ lắp điện mặt trời mái nhà: Chính sách chỉ dành cho nhà giàu?

Hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có pin lưu trữ có thể được hỗ trợ tối đa 2,5 triệu đồng, cùng một số chính sách vay vốn ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật...
Đây là chính sách vừa được Bộ Công Thương đề xuất tại dự thảo quyết định của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời (ĐMT) tự sản, tự tiêu thụ và lưu trữ điện, áp dụng cho những hộ gia đình lắp đặt cho nhu cầu tự dùng tại nhà ở riêng lẻ và không nối lưới vào hệ thống.
Hỗ trợ, khuyến khích lắp ĐMT mái nhà
Anh Quang Thuận (phường Bình Đông, TP.HCM) cho hay mỗi tháng gia đình phải thanh toán từ 2 - 3 triệu đồng tiền điện, vì có sử dụng thêm thiết bị "ngốn" nhiều điện như điều hòa, tủ lạnh...
Do vậy, việc lắp đặt hệ thống ĐMT sẽ giúp gia đình anh chủ động nguồn điện, giảm thiểu tiền điện và đảm bảo hiệu quả sử dụng cho các thiết bị có công suất lớn.
Do vậy, khi nghe thông tin về chính sách hỗ trợ mà Bộ Công Thương đưa ra, anh Thuận cho rằng rất hữu ích cho người dân khi lắp đặt ĐMT mái nhà.
Theo anh Thuận, chi phí lắp đặt hệ thống điện áp mái có pin lưu trữ đang vào khoảng từ 15 - 17 triệu đồng/kWp, dù tiền hỗ trợ không nhiều nhưng có tính khuyến khích, động viên người sử dụng điện áp mái.
"Ngay cả khi không được hỗ trợ, gia đình tôi cũng lắp đặt ĐMT mái nhà để tiết kiệm tiền điện. Việc Nhà nước có chính sách hỗ trợ chủ yếu nhằm khuyến khích, ủng hộ người dân lắp đặt, bởi số tiền hỗ trợ không đáng là bao.
Điều mà chúng tôi quan tâm nhiều hơn là làm sao để thủ tục lắp đặt, nhận hỗ trợ nhanh gọn, có thể làm trực tuyến và đảm bảo thiết bị sử dụng được an toàn, hiệu quả", anh Thuận nói.
Dù có nhu cầu lắp đặt ĐMT áp mái nhưng qua tìm hiểu, chị Mai Anh (phường Hà Đông, Hà Nội) cho biết vẫn đang cân nhắc do số tiền phải bỏ ra đầu tư hệ thống, gồm cả pin lưu trữ, lên tới 75 triệu đồng, một số tiền khá lớn so với khả năng chi trả của gia đình chị, trong khi chi phí tiền điện mỗi tháng của gia đình chị hết khoảng từ 1 - 2 triệu đồng.
Trong khi đó, theo chị Mai Anh, các ngân hàng thương mại chưa có chính sách hỗ trợ lãi suất cho việc lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái, mà áp lãi suất cho vay tiêu dùng chung, mà lãi suất cho vay tiêu dùng đang quá cao.
Do đó nếu các ngân hàng có gói cho vay lãi suất ưu đãi đối với người dân muốn đầu tư hệ thống ĐMT áp mái như đề xuất của Bộ Công Thương, chị sẽ cân nhắc vay đầu tư.
"Việc bỏ ra cả trăm triệu đồng lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà là "quá sức", nên nếu được hỗ trợ 50% chi phí lắp với lãi suất phù hợp, tôi sẽ đầu tư ngay.
Theo tôi, các gói cho vay ưu đãi với lãi suất ưu đãi, chỉ từ 3 - 5% hoặc thấp hơn chắc chắn sẽ khuyến khích người dân tích cực đầu tư ĐMT mái nhà, đặc biệt là với những gia đình có thu nhập mức trung bình khá như tôi", chị Mai Anh khẳng định.
Chị Lê Thị Thanh Huyền (chủ thương hiệu Phở Trịnh tại Hà Nội) cho biết với chi phí tiền điện mỗi tháng lên tới 4 - 6 triệu đồng, thậm chí lên tới 7 triệu đồng vào những tháng cao điểm chưa kể giá điện có xu hướng ngày càng tăng, gia đình chị đã lên kế hoạch lắp đặt hệ thống điện áp mái nhà.
Do đó theo chị Huyền, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ là "cú hích" kịp thời để gia đình chị xúc tiến nhanh việc đầu tư hệ thống này.
Phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, hiệu năng sử dụng
Tuy nhiên ngoài chính sách hỗ trợ, nhiều người dân cho rằng vấn đề chất lượng thiết bị, hiệu năng và hiệu suất sử dụng phải được đặt lên hàng đầu.
Trong thực tế, có rất nhiều thương hiệu và hãng cung cấp dịch vụ lắp đặt, chào mời với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên theo chị Huyền, đây là hệ thống điện gắn trực tiếp với tiêu dùng hằng ngày, cần phải đảm bảo an toàn nên chị cho biết ưu tiên lựa chọn những đơn vị lắp đặt uy tín.
"Các thiết bị lắp đặt phải có tem nhãn, giấy chứng nhận đảm bảo đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là hệ thống pin, hệ thống aptomat khi nguy cơ cháy nổ lớn.
Vì vậy theo tôi, ngoài chính sách hỗ trợ, các cơ quan chức năng liên quan cần tập trung nhiều hơn với việc đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm trên thị trường, hỗ trợ quá trình lắp đặt, vận hành và sử dụng lâu dài", chị Huyền đề nghị.
Là đơn vị chuyên lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái cho các hộ gia đình và nhà xưởng trên cả nước, ông Ngô Quang Hải, giám đốc điều hành Công ty Focus solar, cũng khẳng định những người có nhu cầu lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà gồm cả pin lưu trữ thường quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và hiệu suất sử dụng của sản phẩm thay vì mức giá.
Do đó, mức tiền hỗ trợ tối đa 2,5 triệu đồng/hệ thống chủ yếu mang tính động viên khuyến khích, chứ không có tính quyết định cho việc lắp đặt hệ thống này.
"Hầu hết các hộ lắp đặt điện áp mái có pin lưu trữ đều sẵn sàng chi trả các chi phí, nên yêu cầu hàng đầu là chất lượng sản phẩm, tính an toàn và thuận tiện sử dụng", ông Hải nói và đề nghị cần phải có chính sách kiểm soát quy trình lắp đặt, chất lượng thiết bị đảm bảo an toàn.
Cũng theo ông Hải, người dân thường tham khảo và so sánh giá ở nhiều đơn vị khác nhau, nhưng không phải ai cũng hiểu thực sự chất lượng của những sản phẩm này ra sao được.
Với thị trường sản phẩm có nhiều loại hàng hóa, mẫu mã và chất lượng khác nhau, nên yêu cầu kiểm soát chất lượng, có quy trình lắp đặt, vận hành tiêu chuẩn được đánh giá là cần thiết.
Trong thực tế, đến nay vẫn chưa có quy trình cụ thể dành cho tiêu chí kỹ thuật tấm pin, cũng chưa có tiêu chuẩn lắp đặt để chuẩn hóa công tác này.
Trong thực tế, vấn đề chất lượng sản phẩm, thông tin pin, tình trạng sản xuất, cấu tạo và cách lắp đặt ra sao, cách bảo trì nhằm hạn chế rủi ro là những vấn đề vẫn chưa thực sự được rõ ràng và người dân còn băn khoăn rất lớn.
"Cùng với việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng thiết bị..., cần có chính sách thuế phí để giảm chi phí nhập khẩu linh phụ kiện nhằm giảm giá cho người tiêu dùng", ông Hải đề nghị.