Nhảy đến nội dung
 

Hộ kinh doanh khai thuế: Giảm đối phó, tăng chấp hành

Nhiều hộ kinh doanh, tiểu thương đã chọn cách đóng cửa, hoặc tạm ngừng hoạt động để 'nghe ngóng' chính sách thuế mới, một số khác tìm cách lách luật.

Theo các chuyên gia, tình trạng này xảy ra trên diện rộng, cho thấy cả người nộp thuế lẫn cơ quan quản lý đều chưa sẵn sàng.

3 lý do khiến hộ kinh doanh dè dặt

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Tú - nguyên vụ trưởng Tổng cục Thuế, nguyên tổng biên tập Tạp chí Thuế, hiện là giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ - cho rằng nếu hiện nay khâu thiết kế và triển khai chính sách không hiệu quả, thì việc chấm dứt thuế khoán đối với cả 5 triệu hộ kinh doanh trong năm 2026 sẽ khó hơn nữa.

Đi vào phân tích, ông Tú chỉ ra một số nguyên nhân khiến hộ kinh doanh dè dặt với chính sách thuế mới.

Thứ nhất, tâm lý e ngại khi phải khai báo doanh thu thực tế. Trước đây, nhiều hộ kinh doanh kê khai doanh thu thấp để được áp dụng thuế khoán, nhờ đó mức đóng thuế nhẹ hơn.

Với việc triển khai hóa đơn điện tử kết nối trực tiếp với cơ quan thuế thông qua máy tính tiền, doanh thu thực sẽ được ghi nhận đầy đủ và minh bạch, khiến số thuế phải nộp tăng đáng kể. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận và thu nhập, dẫn đến tâm lý lo ngại, phản ứng tiêu cực.

Thứ hai, lo sợ cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều hộ kinh doanh trung thực lo lắng rằng nếu họ kê khai đầy đủ và nộp thuế đúng quy định, trong khi các đối thủ xung quanh vẫn "né" được thuế hoặc kê khai thấp hơn, họ sẽ rơi vào thế bất lợi, bị giảm khả năng cạnh tranh về giá.

Thứ ba, thiếu kiến thức và sự chuẩn bị về công nghệ cũng như pháp lý. Một bộ phận không nhỏ các hộ kinh doanh cá thể vẫn còn lúng túng với các khái niệm mới như hóa đơn điện tử, phần mềm quản lý bán hàng, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế... Họ e ngại rủi ro, chi phí phát sinh và những yêu cầu kỹ thuật vượt quá khả năng hiện tại.

"Mục tiêu cuối cùng của chính sách thuế mới không chỉ là tăng thu ngân sách mà còn nhằm xây dựng một nền kinh tế số minh bạch, công bằng và bền vững, do đó cần một loạt giải pháp đồng bộ", ông Tú nói.

Người kinh doanh hiểu sai về thuế

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Cúc - chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) - cho biết ngay trước thời điểm chính sách thuế mới có hiệu lực từ ngày 1-6-2025, đã xuất hiện hiện tượng tiểu thương đóng cửa kinh doanh.

Việc cơ quan chức năng đồng thời siết chặt kiểm tra chống hàng giả, hàng kém chất lượng và triển khai chính sách thuế mới, đã khiến xu hướng này lan rộng hơn.

Theo bà Cúc, nhiều hộ kinh doanh hiện nay có tâm lý e ngại hoặc tìm cách né tránh việc nộp thuế, vì lầm tưởng rằng mức thuế mới tăng lên quá cao. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Mức thuế suất hiện nay được giữ 1,5% trên doanh thu đối với hoạt động bán lẻ hàng hóa, và 4,5% đối với kinh doanh ăn uống.

Vị chuyên gia cho biết tỉ suất thuế phải nộp không thay đổi, chỉ khác là các hộ sẽ phải kê khai và khai trên doanh thu thực tế. Nếu ai đó cho rằng thuế đang "tăng mạnh", thì có thể do từ trước đến nay họ chưa nộp thuế đúng với thực tế doanh thu.

Một quan niệm sai lầm khá phổ biến hiện nay, theo ông Nguyễn Ngọc Tú là việc nhiều hộ kinh doanh cho rằng có thể cộng thêm tiền thuế vào giá bán khi khách hàng thanh toán qua chuyển khoản.

Ví dụ, một tô phở giá 50.000 đồng nhưng khi khách chuyển khoản thì bị yêu cầu thanh toán 55.000 đồng. Điều này hoàn toàn sai, bởi hộ kinh doanh áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp, không được tách thuế đầu ra như doanh nghiệp áp dụng khấu trừ thuế giá trị gia tăng.

Ngoài ra, giá bán do hộ kinh doanh công bố đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Nhiều hộ kinh doanh còn cho rằng mình cần hóa đơn đầu vào để xuất hóa đơn đầu ra, nhưng thực tế, với phương pháp tính thuế trực tiếp theo tỉ lệ cố định (1,5 - 10% tùy ngành), việc khấu trừ thuế đầu vào là không bắt buộc.

Tuy nhiên ông Tú cho rằng việc thiếu hóa đơn đầu vào vẫn tiềm ẩn rủi ro pháp lý, đặc biệt trong kiểm soát nguồn gốc hàng hóa, không được khấu trừ đầu vào. Do vậy cần khuyến khích hộ kinh doanh đòi hỏi hóa đơn mỗi khi mua hàng và nhận cung cấp dịch vụ.

Không hồi tố, hỗ trợ hộ kinh doanh tuân thủ

Nêu giải pháp với ngành thuế, bà Nguyễn Thị Cúc kiến nghị cơ quan quản lý cần tập trung tuyên truyền để người dân hiểu đúng bản chất chính sách và biết cách thực thu, tuân thủ. Nhiều hộ kinh doanh sẵn sàng chấp hành nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu. Cần hướng dẫn cụ thể, sát với thực tế từng mô hình kinh doanh.

Theo bà Cúc, việc triển khai, hướng dẫn về hóa đơn điện tử hay phần mềm kết nối phải phù hợp với từng điều kiện cụ thể. Không thể đồng nhất người mở siêu thị, phòng khám nha khoa hay nhà thuốc với các tiểu thương nhỏ lẻ ở chợ truyền thống hoặc các hộ nông dân.

"Với những trường hợp lâu nay nộp thuế thấp, khi khai doanh thu thì thuế tăng, thì cơ quan thuế cũng không nên quay lại truy thu giai đoạn trước nữa", bà Cúc kiến nghị. Có như vậy mới khuyến khích tự giác từ hộ kinh doanh, người dân. Mục tiêu là để các hộ kinh doanh tự giác nộp thuế dần từ thời điểm sau này, vì nếu truy thu ngay lập tức sẽ khiến họ sợ.

Trước băn khoăn của nhiều hộ kinh doanh rằng hàng hóa trước đây mua bán không có hóa đơn thì xử lý thế nào, bà Cúc làm rõ: hóa đơn đầu vào cần được tính từ thời điểm 1-6-2025 trở đi, không nên truy lại thời gian trước đó. Tuy nhiên nếu phát hiện các hành vi buôn lậu, sử dụng hóa đơn giả thì vẫn xử lý theo quy định pháp luật như bình thường.

Riêng với các mặt hàng như: 100 trứng, con lợn, con gà, bà Cúc cho biết chỉ cần bảng kê và chứng từ thông thường là đủ, không bắt buộc phải có hóa đơn.

Ông Nguyễn Ngọc Tú cũng lưu ý mức thuế khoán 1,5% doanh thu hiện nay có thể hợp lý với các nhà bán lẻ có lợi nhuận cao, nhưng lại quá sức đối với những người bán buôn, ví dụ tiểu thương tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), Bến Thành (TP.HCM), vốn có doanh thu cao nhưng biên lợi nhuận rất thấp.

Áp dụng mức thuế cố định như nhau có thể tạo gánh nặng không tương xứng, khiến họ nản lòng trong việc kê khai trung thực. Vì thế, cần rà soát thiết kế mức thuế cố định trên doanh thu phù hợp với từng loại hình kinh doanh.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn