Hậu phát chế nhân - khi tư tưởng Kim Dung rực sáng võ đài đỉnh cao

Võ thuật Trung Hoa luôn được phóng đại qua ngòi bút của Kim Dung. Nhưng có một tư tưởng, triết lý được ông nhấn mạnh lại đang ngày càng được đề cao trong giới võ đài chuyên nghiệp - đó là 'hậu phát chế nhân'.
Thế nào là hậu phát chế nhân?
Người hâm mộ tiểu thuyết Kim Dung hiển nhiên không xa lạ gì với những cụm từ như "tiên phát chế nhân", hay "hậu phát chế nhân".
Dịch nghĩa nôm na, "tiên phát chế nhân" nhấn mạnh đến việc ra tay trước, dùng tốc độ ra đòn để chiếm ưu thế. Và ngược lại, "hậu phát chế nhân" đưa ra quan điểm: ra tay sau, phòng ngự phản công để khắc chế đối thủ.
Đó không hề là chuyện phóng đại trong giới võ học, mà là tư tưởng, triết lý kế thừa từ ngàn năm lịch sử của văn hóa Trung Hoa, với nền tảng là thời kỳ Xuân Thu chiến quốc.
Tôn Tử, bậc thầy binh pháp, được xem là người khai sinh ra tư tưởng này, với rất nhiều những câu danh ngôn để lại.
Tiêu biểu như "thắng giả, năng đãi dã" (người thắng là người biết chờ đợi); hay "Bất khả thắng giả, thủ dã; khả thắng giả, công dã. Thủ tắc bất túc, công tắc hữu dư" (dịch nôm na: khi chưa chắc thắng thì nên phòng ngự, khi có cơ hội rõ ràng mới tấn công).
Trải qua hàng ngàn năm, tư tưởng này của Tôn Tử dần dần chuyển hóa sang nhiều lĩnh vực khác. Tiêu biểu là Trương Tam Phong (cuối thời Nam Tống), người sáng lập võ phái Võ Đang, cũng là nhân vật truyền kỳ qua ngòi bút của Kim Dung.
Võ thuật Trung Hoa, thường bị cười cợt về tính thực chiến trong hệ thống đấu võ đài chuyên nghiệp ngày nay, dù vậy vẫn ít nhiều để lại dấu ấn về mặt tư tưởng, triết lý. Hậu phát chế nhân chính là tiêu biểu.
Được người phương Tây tán thưởng
Không ít võ sĩ lừng danh của phương Tây - vốn không có nền tảng võ học Trung Hoa - lại tán thưởng và vận dụng triệt để nguyên lý này.
Georges St-Pierre (GSP), huyền thoại UFC người Canada, từng phát biểu: "Điều quan trọng nhất là phải chờ đợi đúng thời điểm. Cú đánh tốt nhất là cú mà đối thủ tự đưa đầu vào".
Xuyên suốt sự nghiệp võ thuật, GSP chỉ thua đúng 2 trận, và luôn đề cao chiến thuật phòng ngự phản công trên võ đài. Một phần ngực của ông in dòng chữ "Jiu Jitsu" (nhu thuật) bằng tiếng Nhật.
Dù là võ hệ nổi tiếng của Nhật, nhu thuật được xem là có nguồn gốc chặt chẽ với võ học Trung Quốc. Bởi những người đã khai sinh và phát triển nhu thuật đều ở thời kỳ Edo - thời kỳ mà học giả Nhật Bản chịu ảnh hưởng tư tưởng nặng nề từ Trung Hoa.
Floyd Mayweather - tượng đài boxing hiện đại, đã xây dựng cả sự nghiệp bất bại nhờ khả năng phòng thủ và phản đòn hoàn hảo.
Anh từng nói: “Khi anh là người ra đòn trước, anh dễ sai lầm". Câu nói nổi tiếng này của Mayweather xem như đặt anh vào thế đối lập với tư tưởng "tiên phát chế nhân" khá phổ biến.
Tương tự, Lyoto Machida - nhà vô địch UFC gốc Brazil, áp dụng triệt để triết lý karate truyền thống: không đánh trước, chỉ phản đòn.
Trận đấu của ông với Rashad Evans là minh chứng sống động: Machida giữ khoảng cách, buộc đối thủ nóng vội, rồi tung ra đòn check hook chính xác khiến Evans gục ngã.
Hay Israel Adesanya (New Zealand) - nhà đương kim vô địch hạng trung UFC, cũng là bậc thầy phản đòn. Từng có nhiều tờ báo Trung Quốc so sánh lối đánh của anh với phong cách Tiệt quyền đạo của Lý Tiểu Long.
Tất nhiên, đó không phải câu chuyện mà chúng ta thường thấy trong tiểu thuyết Kim Dung, như các võ sĩ này sang Trung Hoa thọ giáo, tiếp thu kỳ chiêu rồi... dương danh thiên hạ.
Nhưng sự thật là người phương Tây luôn tán thưởng các luồng tư tưởng từ Trung Hoa cổ đại. Tác phẩm Tôn Tử Binh Pháp được dịch sang tiếng Pháp từ thế kỷ 18, và đến thế kỷ 20 đã lan sang giới quân sự, thể thao đối kháng và võ thuật hiện đại.
Trong tác phẩm "Zen in the Martial Arts" nổi tiếng, tác giả Joe Hyams thừa nhận giới đấu võ chuyên nghiệp phương Tây bắt đầu tiếp thu tư tưởng Trung Hoa vào thế kỷ 19.
Qua các thế hệ học võ chịu ảnh hưởng từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc - như karate, judo, taekwondo, triết lý "hậu phát chế nhân" dần được hấp thụ vào võ học phương Tây.
Lý Tiểu Long là người đẩy quá trình ấy lên tầm cao mới, và học trò của ông như Joe Lewis, Dan Inosanto đã trực tiếp truyền bá nguyên lý "kiên nhẫn chờ đợi, ra đòn sau sẽ chiếm lợi thế".
Trên võ đài phương Tây, "hậu phát chế nhân" có thể được gọi bằng những tên gọi khác nhau, như counter-strike, hay counter-punch. Và dù là tên gọi thế này, đang trở thành nguyên lý chủ chốt của xu thế võ thuật đương đai.
Kim Dung có thể quá phóng đại về kung fu, nhưng kết tinh của ngàn năm văn hóa Trung Hoa là thứ hiện hữu rõ ràng trong giới võ thuật đỉnh cao.